Euro 2016

Sai lầm trong quá khứ

Có rất nhiều nguyên nhân khiến định hướng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn Việt Nam gần như phá sản, kéo theo đó ngành công nghiệp phụ trợ cũng ngày càng èo uột

Ở lĩnh vực điện tử, thời kỳ đầu mở cửa thị trường vào những năm 1990, liên doanh giữa các tập đoàn điện tử nước ngoài và các doanh nghiệp (DN) điện tử Việt Nam lần lượt ra đời. Các liên doanh lớn có thể kể đến là Viettronic Tân Bình liên doanh với Sony và JVC, Panasonic liên doanh với Viettronic Biên Hòa, Toshiba liên doanh với Viettronic Thủ Đức...

Muốn làm từ A-Z

Mục đích của phía Việt Nam là thông qua liên doanh, ngành công nghiệp điện tử trong nước học hỏi cung cách quản lý, công nghệ… để hết thời hạn liên doanh hoặc khi hàng rào thuế quan Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) giảm thì các DN trong nước có thể lớn mạnh, tự sống được. Tuy nhiên, do nhà nước không có cơ chế giám sát, các đối tác Việt trong liên doanh chưa có cái nhìn dài hạn mà chỉ nhắm đến lợi nhuận trước mắt: thay vì lợi nhuận trong liên doanh dùng để đầu tư chiều sâu, nghiên cứu phát triển thì DN Việt lại đầu tư ngoài ngành. Kết quả là sau khi liên doanh kết thúc, các đối tác Việt Nam dần tàn lụi. Sau này, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và AFTA, DN càng thiệt thòi hơn vì theo cam kết quốc tế, chính phủ không còn được bảo hộ, trợ giá cho DN.

Lắp ráp đầu karaoke tại Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận, TP HCM Ảnh: Hồng Thúy
Lắp ráp đầu karaoke tại Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận, TP HCM Ảnh: Hồng Thúy

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng sai lầm của chúng ta là những năm 1990, Việt Nam còn bị cấm vận, nền kinh còn tự cấp tự túc và hướng đến nội địa hóa 100%: muốn sản xuất ra nguyên chiếc ô tô, đóng nguyên chiếc tàu chứ không phải sản xuất một vài món linh kiện trong chiếc xe, tàu đó. Công nghiệp phụ trợ không được chú ý phát triển. Do chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ nên cũng chưa có quy hoạch cụ thể để phát triển lĩnh vực này. 20 năm nay, nhận thức về công nghiệp phụ trợ thì có nhưng chính sách cho ngành phát triển thì chưa, thậm chí có những chính sách đi ngược lại, không khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ.

Theo TS Đinh Thế Hiển, việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dẫn dắt nền kinh tế nhưng DN nào cũng muốn làm từ A-Z thay vì tìm kiếm, hợp tác các DN vừa và nhỏ cung cấp linh kiện, nguyên phụ liệu cho mình góp phần làm công nghiệp phụ trợ của Việt Nam khó đi lên. Chẳng hạn, một DN sản xuất sữa quy mô lớn có thể tập trung vào lĩnh vực lõi là chất lượng sữa, còn bao bì đóng gói nên thuê ngoài thay vì “ôm hết”. Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài như IBM, Dell... lại chuyển giao kho hàng bán thành phẩm từ công ty mẹ sang các DN phụ trợ hay Heineken khi vào Việt Nam đã thuê DN khác làm phụ trợ cho mình, thay vì lập công ty con như DN trong nước.

Chính sách nửa vời

Tháng 2-2011, Chính phủ ban hành Quyết định 12 về một số chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng các ưu đãi trong quyết định phần lớn đã quy định trong các văn bản khác. Quyết định 12 không hình thành một cơ chế tổ chức để hỗ trợ, liên kết các DN trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ nên chưa thể tạo “làn gió mới” trong lĩnh vực này.

Theo TS Vũ Đình Ánh, lâu nay, nhắc đến phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng chúng ta lại chưa có hệ thống chính sách riêng cho lĩnh vực này, ngay việc tổ chức bộ máy: ai chịu trách nhiệm, ai đề xuất chính sách và ai giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN cũng chưa rõ ràng. “Nói phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng chỉ “khơi khơi” như vậy là vô nghĩa bởi phải có cơ quan chịu trách nhiệm. Ngay cả việc phân biệt giữa ngành công nghiệp phụ trợ với DN vừa và nhỏ cũng cần làm rõ để không hỗ trợ chồng chéo lẫn nhau. Và muốn phát triển công nghiệp phụ trợ, cần đột phá nhất là thể chế” - TS Vũ Đình Ánh nói.

Nhìn dưới góc độ quản lý, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc phát triển công nghiệp hỗ trợ phải được thực hiện trong cụm liên kết ngành, dựa trên nguyên tắc thị trường nhưng không thể thiếu vai trò tổ chức của nhà nước, nhất là trong giai đoạn đầu. Nhà nước cần đề ra các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính sách về chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng, xúc tiến đầu tư… Đồng thời, phải có luật hỗ trợ một cách mạnh mẽ để đột phá ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trên thực tế, hơn 20 năm qua, đã có rất nhiều cuộc họp, hội thảo của ngành công thương bàn về định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng họp xong lại “đút hộc bàn”, triển khai không đến đâu. Do vậy, mặc dù có đề ra chiến lược phát triển nhưng giải pháp cụ thể lại thiếu.

Nên làm phụ trợ chủ động

Hiện có nhiều DN làm phụ trợ thụ động, cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu cho tập đoàn lớn nhưng sẽ rủi ro khi tập đoàn này gặp vấn đề. TS Đinh Thế Hiển cho rằng DN phụ trợ trong nước nên chủ động xây dựng DN chuyên sản xuất một thiết bị uy tín, chất lượng rồi chào hàng với mức giá hợp lý, cung cấp cho nhiều tập đoàn, công ty khác… DN làm phụ trợ cũng cần tính chuyên nghiệp, đúng chất lượng và thời gian. Một thực tế là DN trong nước “ngại” đặt hàng nguyên liệu, phụ kiện bên ngoài bởi tâm lý mua ngoài không bảo đảm chất lượng.

Kỳ tới: Cần thoát khỏi... bàn họp

Người lao động

      © 2021 FAP
        151,012       649