Euro 2016

Không kìm được giá sữa

Hơn 2 tháng kể từ khi trở lại diện bình ổn giá, sữa và các sản phẩm bổ sung dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi đã có nhiều đợt điều chỉnh giá đến chóng mặt

Chị Nguyễn Thu Thủy, chủ một cửa hàng kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết chưa khi nào lại nhận được nhiều thông báo tăng giá sữa như thời điểm này.

Người kinh doanh cũng phát hoảng

Ngoài các sản phẩm sữa của hãng Mead Johnson tăng giá 10% từ trước Tết, thời điểm này, cửa hàng của chị Thủy nhận được thông báo miệng của ít nhất 5 hãng sữa khác với mức tăng từ 6%-18%.

Với kinh nghiệm kinh doanh sữa gần 10 năm, chủ một cửa hàng sữa trên phố Tây Sơn (quận Đống Đa) cho rằng việc sữa tăng giá vào dịp này không còn là chuyện lạ. Theo chủ cửa hàng, trước Tết, một số sản phẩm Ensure, Gainplus của hãng sữa Abbott đã tăng từ 6%- 8% thì mới đây lại tiếp tục thông báo còn một đợt tăng giá nữa vào cuối tháng 2. “Giá sữa “nhảy múa” thế này đến bản thân người kinh doanh cũng phát hoảng” - chủ cửa hàng này nói.

Chị Trần Minh Anh, sống ở một chung cư trên phố Đê La Thành (quận Đống Đa), cho biết: “Từ khi có đứa con thứ hai, lúc nào tôi cũng thấp thỏm và lo lắng mỗi khi đài báo nói đến chuyện tăng giá sữa. Có lúc cũng muốn quay lưng với sữa ngoại, tôi đã thử đổi sang loại sữa giá mềm hơn cho phù hợp với túi tiền eo hẹp nhưng con bé cứ thấy sữa lạ là khóc quấy, không chịu ăn. Xót tiền nhưng lại xót con nên vẫn phải “nghiến răng” chạy theo giá sữa”.

Tại TP HCM, theo các đại lý sữa trên đường Nguyễn Thông (quận 3), từ trước Tết, họ đã nhận được thông báo sẽ tăng giá bán của các công ty sữa. Nhãn sữa Nestle tăng giá bán nhiều mặt hàng như sữa bột Lactogen Gold 3 900 g dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên tăng từ 285.200 đồng lên 305.600 đồng (tăng 7,1%), Lactogen 1 lon 400 g tăng từ 94.000 đồng  lên 102.800 đồng (tăng 9,3%)...

Chủ một cửa hàng kinh doanh sữa lâu năm trên đường Nguyễn Thông cho biết hầu như các hãng sữa năm nào cũng tăng giá, nếu tăng mạnh (khoảng 10%) thì tăng một lần còn nếu tăng 5% thì sẽ chia thành 2 đợt.

Cơ quan quản lý vẫn chưa kiểm soát được giá các sản phẩm sữa Ảnh: HỒNG THÚY
Cơ quan quản lý vẫn chưa kiểm soát được giá các sản phẩm sữa Ảnh: HỒNG THÚY

Bỏ qua “lệnh” bình ổn

Cuối năm 2013, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương có biện pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, giảm giá bán các sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi. Đồng thời yêu cầu các đơn vị trên chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế, hải quan và cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá theo quy định hiện hành đối với mặt hàng sữa và sản phẩm sữa thuộc danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định.

Tuy nhiên, theo các công ty sữa, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá sữa trong nước buộc phải tăng theo. Từ nhiều năm nay, ngành sữa Việt Nam luôn nhập siêu cả về kim ngạch lẫn khối lượng. Theo thống kê từ Cơ quan Thú y vùng 6, năm 2013, cơ quan này đã kiểm dịch 248.654 tấn sữa và các sản phẩm từ sữa nhập khẩu, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012.

Đại diện Vinamilk cho biết giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng liên tục từ quý III/2013. Đến đầu năm 2014, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu sữa trên thế giới vẫn tiếp tục tăng giá và họ chỉ đồng ý cung cấp nguyên liệu trong ngắn hạn cho các nhà nhập khẩu. Giá các nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới đã tăng thêm từ 30%-57% so với cùng kỳ năm trước. Trong nước, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân cũng tăng. Tính đến đầu năm 2014, Vinamilk đã tăng giá thu mua cho nông  dân bình quân khoảng 22,6% so với đầu năm 2013.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng: Các yếu tố ảnh hưởng đến giá sữa tại thị trường trong nước là chi phí nguyên liệu, lương nhân công và chi phí vận chuyển. Cục Quản lý giá đang kiểm soát chi phí đầu vào của các doanh nghiệp để bảo đảm việc tăng giá sữa trên thị trường ở mức hợp lý, nếu việc tăng giá có tác động xấu đến thị trường sẽ công bố biện pháp bình ổn.

Theo ông Tuấn, biện pháp bình ổn sẽ được áp dụng khi việc tăng giá sữa ảnh hưởng đến tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và mặt bằng kinh tế - xã hội chung, cụ thể là nguồn cung và sức mua.

Đáng lo ngại là bắt đầu từ năm nay, các doanh nghiệp sữa cho biết đối tác cung cấp nguyên liệu không còn ký hợp đồng bán hàng cả năm mà bán hàng theo kỳ hạn ngắn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc giá sữa có thể tăng dày và cao hơn nữa.

Lách luật để tăng giá

Nhìn nhận vai trò của Thông tư 30 quy định danh mục sữa thuộc diện bình ổn giá, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), khẳng định thông tư mới chỉ dừng ở việc chuẩn hóa tên gọi các sản phẩm sữa và quy định cụ thể trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng với các sản phẩm dinh dưỡng công thức, còn quản lý giá theo phương thức nào lại thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, Thông tư 30 chỉ yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Trong khi đó, Thông tư 104 của Bộ Tài chính có quy định sữa trong vòng 15 ngày liên tục không được tăng 20% so với giá hiện tại. Như vậy, các doanh nghiệp có thể lách luật bằng cách để sau 15 ngày mới tăng giá. Thậm chí, hơn 1 tháng có thể tăng giá đến 2 lần mà vẫn không sai luật.

Người lao động

      © 2021 FAP
        159,410       492