Chẳng lẽ đến lúc nào đó người ta phải định nghĩa về AFF Cup, đó là giải đấu của Đông Nam Á mà các đội chiến đấu cật lực, nhưng cuối cùng bước lên ngôi cao nhất là Thái Lan(?!).
Trong 11 kỳ giải, đây là lần thứ 8 Thái Lan vào chung kết và đang hướng đến kỷ lục vô địch thứ 5, đã minh chứng cho sức mạnh áp đảo của bóng đá nước này. Đó là sự nhàm chán rất không có lợi cho AFF Cup và đáng buồn cho bóng đá khu vực.
Chính vì thế ngoại trừ người Thái, cả phần còn lại của Đông Nam Á đều sẽ đứng về Indonesia, mong muốn thầy trò Alfred Riedl phá bỏ thế độc chiếm này, đặc biệt khi đội bóng xứ vạn đảo quá đen đủi ở giải đấu này. Có đến 4 lần vào chung kết nhưng Indonesia thất bại cả 4, chưa từng một lần nếm trải hương vị vô địch. AFF Cup năm 2000, năm 2002 họ đều liên tiếp thua Thái Lan, năm 2004 thua Singapore và năm 2010 tiếp tục gục ngã trước cổng thiên đường dù đối thủ là Malaysia.
Người Indonesia đang tự tin khi giải đấu năm nay họ là đội duy nhất phá lưới được đương kim vô địch Thái Lan, không phải 1 mà đến 2 bàn (Boaz Salossa và Lerby Eliandry gỡ hòa 2-2 chỉ trong vòng 3 phút, nhưng Indonesia vẫn thua chung cuộc 2-4 ở vòng bảng). Rút kinh nghiệm từ trận thua ấy, trong trận chung kết lượt đi tối mai dù thi đấu trên sân nhà, nhưng nhiều khả năng HLV Alfred Riedl vẫn sẽ chơi phòng ngự phản công bằng đội hình 4-2-3-1 với 2 tiền vệ trung tâm như trận bán kết lượt về với Việt Nam.
Trong khi đó, HLV Kiatisuk của Thái Lan cũng tỏ ra khá thận trọng, cảnh báo các học trò không được đánh giá thấp đối thủ, vì “trận chung kết sẽ có tính chất rất khác, Indonesia không còn dễ bị đánh bại”. Đó là nhận định chính xác, thật sự tại AFF Cup năm nay. Indonesia càng đá càng hay, nhất là khả năng phòng ngự; khâu từng là yếu nhất ở vòng bảng (để thủng lưới tới 7 bàn, chỉ ít hơn Campuchia (8 bàn), nhưng 2 trận bán kết với Việt Nam trở nên hoàn toàn khác hẳn, cho dù trận lượt đi họ mất cả 2 trung vệ chính thức. Sẽ có bất ngờ ở sân Pakansari (Indonesia)?
Dương Cầm