Bạn đọc

Giám sát chặt chẽ việc học bằng lái xe

Kể từ ngày 1-5-2020, các cơ sở đào tạo lái xe phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết và thực hành của các học viên.

Học viên thi bằng lái xe (phần thi lý thuyết) tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe loại 1 Đồng Nai (TP.Biên Hòa) dưới sự giám sát chặt chẽ
Học viên thi bằng lái xe (phần thi lý thuyết) tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe loại 1 Đồng Nai (TP.Biên Hòa) dưới sự giám sát chặt chẽ. Ảnh: T. Hải

Đây là quy định mới được nêu tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT (gọi tắt là Thông tư 38) ngày 8-10-2019 của  Bộ Giao thông - vận tải về sửa đổi, bổ sung một số quy định trong việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thay thế cho Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15-4-2017.

* Quy trình chặt chẽ

Theo Điều 3 của Thông tư 38, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe sẽ ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1) theo lộ trình quy định. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cũng phải trang bị và duy trì cabin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường cho học viên đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe tập lái. Khi đã có hệ thống giám sát, dữ liệu giám sát sẽ được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông - vận tải để giám sát và kiểm tra.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc tăng cường quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là nhiệm vụ quan trọng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ngoài việc lưu trữ, dữ liệu trong suốt quá trình học của học viên sẽ truyền về các đơn vị giám sát, ngăn chặn hiện tượng can thiệp của giáo viên, cán bộ sát hạch trong thi cử.

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, khi Thông tư 38 bắt đầu có hiệu lực, tất cả các trung tâm, cơ sở đào tạo bắt buộc phải đầu tư camera để kiểm tra, giám sát các phần thi và truyền dữ liệu thẳng về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các xe sát hạch nhằm minh bạch số km thực hành lái xe của học viên, tránh việc “cắt xén” giờ thực hành trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe ô tô. Tất cả thí sinh thi trượt lý thuyết hay thực hành, cơ sở sát hạch bắt buộc sau 1 tháng mới cho thi lại để học viên có thời gian ôn luyện.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo lái xe theo quy định tại tất cả các Sở Giao thông - vận tải trong toàn quốc; công khai địa điểm, thời gian tổ chức các kỳ sát hạch; kế hoạch đào tạo của các khóa đào tạo lái xe ô tô và mô tô của các cơ sở đào tạo lái xe trên trang thông tin điện tử để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát” - ông Thống khẳng định.

* Cơ sở đào tạo lái xe phải lắp thiết bị giám sát học viên

Ðồng Nai là một trong những địa phương có lượng phương tiện giao thông nhiều nhất cả nước và nhu cầu học lái xe của người dân ngày càng tăng. Theo Sở Giao thông - vận tải, sau khi điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe do đơn vị này quản lý, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 16 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, trong đó có 8 trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động.

Trong số 8 trung tâm sát hạch lái xe có 2 trung tâm sát hạch lái xe loại 1, 1 trung tâm đào tạo sát hạch lái xe loại 2 và 5 trung tâm đào tạo sát hạch lái xe loại 3. Ngoài các trung tâm sát hạch lái xe còn có một số cơ sở đào tạo lái xe được tổ chức sát hạch lái xe mô tô hạng A1 khác.

Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn Hồ Đình Thái Hòa cho hay, hiện nay trung tâm đã trang bị hệ thống đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe theo chuẩn quốc tế, từ việc gắn thiết bị giám sát hành trình trên các xe thực hành, đến máy quét vân tay điểm danh học viên… Qua đó, giám sát chặt chẽ học viên trong suốt quá trình từ học lý thuyết đến thực hành.

Theo ông Hòa, trên xe tập lái có thiết bị chụp ảnh, mỗi khi học viên lên xe học sẽ phải đăng ký, chụp ảnh nhận dạng đúng người đó mới bắt đầu tính thời gian học. Các thiết bị giám sát hành trình cũng sẽ theo dõi số km học, khu vực, quãng đường mà học viên học ở ngoài thực tế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý người lái (Sở Giao thông - vận tải) cho biết, việc ứng dụng công nghệ để quản lý học viên, bao gồm từ học lý thuyết đến thực hành đào tạo, sát hạch lái xe bằng hệ thống camera, thiết bị định vị, giám sát hành trình là chủ trương đúng của Bộ Giao thông - vận tải nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lái xe.

Thông tư 38 quy định, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát quá trình học lái xe của học viên. Với quy định này, học viên không có cách nào khác là phải học tập nghiêm túc. Việc học và sử dụng thuần thục các kỹ năng sẽ giúp người lái xe bảo vệ an toàn cho bản thân và xã hội khi tham gia giao thông.

Thanh Hải

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        118,041       34