Bạn đọc

Học sinh đến trường sớm: Bảo đảm an toàn cho trẻ em

Báo Đồng Nai ngày 18-9 phản ảnh một số học sinh tiểu học được cha mẹ đưa đến trường khi mới mờ sáng, đón về lúc chập tối.

Báo Đồng Nai ngày 18-9 phản ảnh một số học sinh tiểu học được cha mẹ đưa đến trường khi mới mờ sáng, đón về lúc chập tối.

Học sinh Trường tiểu học An Bình (TP.Biên Hòa) ngồi chờ phụ huynh đến đón (ảnh minh họa).
Học sinh Trường tiểu học An Bình (TP.Biên Hòa) ngồi chờ phụ huynh đến đón (ảnh minh họa).

Thực trạng này gây lo lắng cho phụ huynh khi con em phải một mình trong trường học trước những mối đe dọa không lường trước… Bài báo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Bà Trần Thị Tuyết Mai, bà của một học sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP.Biên Hòa): “Mong nhà trường bảo đảm an toàn cho học sinh khi phải đi học sớm”

Cha mẹ nào cũng mong muốn được đưa con mình đến trường an toàn, được ngủ đủ giấc và ăn sáng đầy đủ trước buổi học nhưng vì một số trường hợp cha mẹ bận công việc nên phải đưa con đến trường sớm, hoặc đón về trễ.

Trước đây cháu nội tôi cũng từng có mặt ở trường lúc hơn 5 giờ sáng, ngồi một mình ngoài ghế đá đợi đúng giờ mới được vào lớp. Đã mấy lần tôi thấy cháu ngồi ngủ gật ở ghế ngay trước lớp học nên tôi quyết định từ nhà tôi ở Bửu Long đi đến nhà cháu ở phường Trung Dũng đợi cháu ăn sáng, rồi mới đưa đi học. Đến trường khi đã có bạn bè đông đúc giúp các cháu an toàn và yên tâm hơn. Phụ huynh chúng tôi mong Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức cũng như những trường khác có học sinh đến sớm hãy giúp đỡ, bảo vệ để các cháu được an toàn trong không gian còn vắng vẻ. Riêng cha mẹ không nên cho trẻ em đeo nữ trang hay đem theo điện thoại di động để tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, lấy cắp.

Ông Trịnh Thế Luật, công nhân (ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa): “Luôn thấp thỏm vì sự an nguy của con”

Vợ chồng tôi đều làm công nhân ở  Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Hôm nào làm ca chiều buộc phải đón con trễ. Nhiều hôm con tôi phải về muộn nhất trường. Tội nhất là những buổi cháu được ra về trước 16 giờ nhưng phải ngồi ở cổng trường gần 2 giờ đồng hồ chờ cha, mẹ tan ca mới đến đón được.

Để con chờ đợi tôi cũng thấp thỏm không yên vì lo ngại cho sự an toàn của con nhưng biết làm sao được vì thời gian, công việc rất khó sắp xếp. Thực tế, nhiều công nhân làm chung với tôi có con đi học cũng cùng cảnh ngộ, trong khi rất khó nhờ người đón giùm hay cho các cháu đi xe đưa rước chung với các bạn vì nếu có về đến nhà thì cũng không có người lớn trông coi.

Tôi thường dặn con khi tan học nên đứng tại cổng bảo vệ cho an toàn, không được tiếp xúc với người lạ, nếu có chuyện gì không hay thì hô lên cho người lớn biết, kịp thời can thiệp.

Bà Phạm Thị Dịu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình, TP.Biên Hòa): “Bảo vệ trẻ là trách nhiệm của người lớn”

Tình trạng học sinh được phụ huynh đưa, đón không đúng giờ là điều nhà trường rất quan tâm. Bởi sẽ rất khó có một giải pháp toàn vẹn cho vấn đề này nếu nhà trường, phụ huynh không tìm được tiếng nói chung. Việc bảo vệ an toàn cho các em là trách nhiệm của người lớn. Dù bất cứ lý do gì cũng không thể để trẻ em phải tự đối mặt với nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng khi phải đến trường quá sớm, một mình đứng ở cổng trường từ lúc mờ sáng hoặc khi chập tối chỉ vì chờ người nhà đến đón.

Nhằm đảm bảo an toàn cho các em, nhà trường có gắn camera giám sát, theo dõi an ninh từ cổng vào trong khuôn viên trường. Trước 6 giờ sáng, bảo vệ mở cổng trường để đón những học sinh đến sớm vào ngồi dưới sân trường chờ, không cho các em lên lầu khi chưa đến giờ học để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra cho các em. Nhà trường cũng quy định giờ ra về, giáo viên phải là người rời lớp cuối cùng sau khi đóng cửa phòng học và nhắc nhở học sinh xuống tập trung ở sân trường để chờ phụ huynh đến đón.

Ông Đặng Giang Thanh Danh, quản sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa): “Camera của trường sẽ giúp ngăn chặn mọi tình huống xấu có thể xảy ra”

Trường THCS Trần Hưng Đạo cũng có những em phải đến sớm để cha mẹ đi làm cho kịp giờ. Nhà trường quy định không để các em bơ vơ ngoài cổng nên 5 giờ 15 mở cửa để các em vào trong khuôn viên trường ăn sáng. Trường đã lắp đặt camera trước cổng và toàn bộ sân trường, lúc nào cũng có người giám sát qua màn hình.

Điều này giúp phát hiện sớm và kịp thời ngăn chặn những đối tượng xấu khi có biểu hiện không tốt với học sinh. Vào thời điểm cuối năm trời lâu sáng, trường vẫn để đèn sáng ngoài cổng; khi trời mưa phụ huynh được chở con đi thẳng vào sân trường.

Ngoài ra, năm học nào trường cũng tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn các em kỹ năng đối mặt, xử lý các tình huống phức tạp để tự bảo vệ mình khỏi những tình huống nguy hiểm.

Ông Đinh Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (TP.Biên Hòa): “Các em đến trường giờ nào cũng được bảo vệ”

Học sinh của trường phần lớn sinh sống tại địa phương, dân cư ổn định nên các em tự đến trường ngay trước giờ vào học. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp học sinh nhà xa phải có mặt ở trường rất sớm để cha mẹ vào ca. Hiện nay 6 giờ trường mở cửa nhưng phụ huynh có thể đề xuất với nhà trường mở cửa sớm hơn. Nhân viên bảo vệ của trường trực 24/24 giờ trong ngày nên dù các em đến trường giờ nào cũng sẽ được bảo vệ. Ngoài ra, để học sinh đến sớm tránh được những bất trắc thì buổi chào cờ đầu tuần chúng tôi thường nhắc nhở các em đến sớm nên vào trong khuôn viên trường ngay để được an toàn; không tiếp cận người lạ nhằm tránh bị những đối tượng bên ngoài dụ dỗ. Năm học này chúng tôi có kế hoạch tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về cách nhận diện những biểu hiện nguy cơ xâm hại tình dục, an toàn học đường... Khi các em ý thức được, dù ở hoàn cảnh nào cũng sẽ tự bảo vệ được mình.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình:  “Người lớn phải suy nghĩ, trăn trở về tình trạng học sinh đến trường sớm”

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình trạng học sinh phải đến trường sớm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho rằng đây là vấn đề thực tế cần xem xét.

 Thưa ông, nhiều phụ huynh nêu lý do vì hoàn cảnh, công việc nên đưa, rước trẻ không đúng giờ, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Báo Đồng Nai phản ảnh về tình trạng nhiều học sinh được cha mẹ đưa đến trường khi trời chưa sáng đúng là chuyện nhỏ mà không nhỏ chút nào. Đây là vấn đề buộc người lớn, nhất là người làm công tác giáo dục và các bậc cha mẹ phải suy nghĩ, trăn trở. Phụ huynh không thể đổ lỗi cho việc mưu sinh mà lờ đi trách nhiệm chăm lo, bảo bọc cho con. Không thể nói vì hoàn cảnh nên không thể đưa con đi học đúng giờ rồi bỏ con bơ vơ trước cổng trường, bất chấp các nguy hiểm rình rập có thể xảy ra cho trẻ em. Khi sự cố xảy ra với con, mới đi tìm nguyên nhân, oán trách, đổ lỗi hay hối hận thì đã muộn màng. Đã đến lúc phụ huynh, nhà trường nên nhìn nhận thực tế đang diễn ra này để cùng ngồi lại với nhau, trao đổi tìm giải pháp tốt nhất trong việc tổ chức đưa đón các cháu đến trường sao cho an toàn.

 Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở GD-ĐT có chỉ đạo gì đối với các trường, thưa ông?

- Giải pháp căn cơ trong việc giải quyết tình trạng để trẻ bơ vơ ở cổng trường, cơ bản là ở sự quan tâm của phụ huynh đối với con em mình. Nói như thế không có nghĩa nhà trường không có trách nhiệm gì, mà vai trò của nhà trường là phải tạo điều kiện cho các em đến lớp đúng giờ, an toàn. Liên quan vấn đề này, Sở GD-ĐT sẽ có văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT quan tâm sâu sắc hơn.

Chúng tôi yêu cầu các trường thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh nắm được những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra khi trẻ ở một mình nơi vắng vẻ như: trấn lột, cướp giật, thậm chí là tệ nạn ma túy, lạm dụng tình dục hay bắt cóc… Song song đó dạy cho các em kỹ năng phòng vệ, ứng phó khi gặp phải tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, lãnh đạo nhà trường trao đổi với giáo viên chủ nhiệm các lớp trong việc tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện của từng em để có hướng hỗ trợ tốt nhất. Có thể sắp xếp ghép các em ở gần nhà, cùng một tuyến đường khi đi học vào chung một lớp để tiện việc tổ chức đưa đón. Ngoài ra, các trường có thể sắp xếp, bố trí giáo viên chủ nhiệm, tổ chức đoàn, đội cử thành viên giám sát trông chừng các em trước và sau giờ học.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Song Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        115,514       60