Bạn đọc

Tự chữa bệnh cùng Google: Cần sự hiểu biết

Không ít người bệnh nhẹ thành nặng, mất cơ hội chữa trị kịp thời, làm gia tăng mức độ khó khăn trong điều trị, thậm chí có thể mất mạng… chỉ vì tự chữa bệnh cùng "bác sĩ Google".

Không ít người bệnh nhẹ thành nặng, mất cơ hội chữa trị kịp thời, làm gia tăng mức độ khó khăn trong điều trị, thậm chí có thể mất mạng… chỉ vì tự chữa bệnh cùng “bác sĩ Google”.

Một bé bị ho nhưng mẹ làm theo chỉ dẫn trên mạng cho uống nước lá cỏ mực, dẫn đến biến chứng sang viêm phổi nặng đang được cấp cứu tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Một bé bị ho nhưng mẹ làm theo chỉ dẫn trên mạng cho uống nước lá cỏ mực, dẫn đến biến chứng sang viêm phổi nặng đang được cấp cứu tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Thiết bị smartphone và mạng internet đang rất phổ biến và phong trào “cái gì không biết thì tra… Google” cũng trở nên dễ dàng. Không ít người có bệnh đã tự chẩn đoán, tự điều trị theo thông tin trên mạng mà không lường hết hậu quả.

* Chỉ vì tin… Google

Sau 8 lần vào hóa chất điều trị ung thư, hiện đang theo dõi mức độ di căn, ông Trần Thanh Phong (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cảm thấy hối tiếc vì đã không đến bệnh viện sớm. 2 năm trước, ông thường xuyên bị táo bón, đau bụng lâm râm. Tham khảo thông tin trên mạng, ông tự “chẩn đoán” là… nóng trong người nên uống nhiều nước, ăn rau xanh và uống thêm men tiêu hóa.

Sau một lần đau quặn bụng, đi khám ở Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh ông được phát hiện trong đại tràng có khối u khá lớn, kết quả sinh thiết là u ác tính và phải mổ cấp cứu vì khối u sắp vỡ. Ông càng hối tiếc hơn khi nghe bác sĩ giải thích nếu ông đến bệnh viện ngay khi xuất hiện những triệu chứng trên để điều trị sớm thì tình trạng bệnh khả quan hơn. Bởi bệnh viêm đại tràng chữa không khó, nhưng do ông để viêm lâu ngày nên mới chuyển sang ung thư, điều trị khó khăn, lâu dài và tốn kém hơn.

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết bệnh viện từng tiếp nhận nhiều ca nhi bệnh nặng, bị biến chứng nguy hiểm do người nhà tự điều trị theo thông tin trên mạng. Cơ thể trẻ em rất khác, cùng một bệnh nhưng mỗi trẻ có một cơ địa, sự đáp ứng thuốc khác nhau nên không có bài thuốc nào, cách chữa trị nào áp dụng chung cho tất cả, đặc biệt là trẻ nhỏ tháng, bệnh diễn biến rất nhanh, khó lường. “Đọc thông tin để có thêm kiến thức chăm sóc trẻ là tốt. Nhưng nếu trẻ mắc bệnh, nhất thiết phải đưa trẻ đến bác sĩ để khám và điều trị đúng chuyên môn” - bác sĩ Hà nhấn mạnh.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cấp cứu một trường hợp bị rắn lục xanh cắn, vết thương biến chứng, có nguy cơ hoại tử chỉ vì tự chữa theo một bài thuốc dân gian đăng trên mạng. Bệnh nhân là ông Phạm Hồng Thái (ngụ xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) kể khi bị rắn cắn vào ngón tay trái khi đang làm vườn, ông dùng thuốc nam đắp liền vào theo hướng dẫn trên mạng. Sáng hôm sau, cánh tay trái và ngực trái của ông sưng tấy, tím tái… ông Thái được người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ do rối loạn đông máu. Các bác sĩ liên tục truyền huyết thanh kháng nọc rắn, ông Thái mới thoát chết trong gang tấc.

Nhiều ngày nay, chị Lâm Thị Ngọc Anh (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cứ tự trách mình vì suýt làm con bị mù. Con gái chị được 2 tháng tuổi hay chảy ghèn ở mắt, được các bà mẹ trên website mẹ và bé “truyền” cho kinh nghiệm vắt một chút nước cốt chanh vào mắt sẽ khỏi. Chị làm theo nhưng sau đó mắt bé sưng vù, đổ ghèn vàng như mủ. Đến Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bé đã trong tình trạng giác mạc bị loét rộng. Bé may mắn được điều trị kịp thời nhưng theo bác sĩ việc nhỏ chanh vào mắt trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, có thể làm hỏng giác mạc, cháu sẽ bị mù vĩnh viễn.

* Thông tin mạng, chỉ nên tham khảo

Không thể phủ nhận những tích cực từ Google trong việc chia sẻ những thành tựu y tế, bài thuốc hay, phương pháp điều trị mới, giúp người dân có thêm kiến thức y học để phòng bệnh. Thế nhưng, bên cạnh những thông tin chính thống, tích cực còn không ít thông tin, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh chưa được thẩm định của cơ quan chuyên môn, thậm chí là phản khoa học, nếu người xem áp dụng tùy tiện, thiếu hiểu biết, sẽ gánh chịu hệ lụy khôn lường.

Sở dĩ phong trào tự chữa bệnh theo “bác sĩ Google” trở nên phổ biến, theo giải thích của bác sĩ Hoàng Nghĩa Đài, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), Google là hệ thống thông tin mở, tìm gì cũng có, tra cứu dễ dàng, cho kết quả nhanh. Mặt khác, nhiều bệnh viện quá tải người bệnh phải chờ đợi lâu, lo tốn kém đồng thời nghĩ mình bệnh nhẹ nên nhiều người ngại đến bệnh viện. Về chuyên môn, trong y học mỗi bệnh có một phác đồ điều trị riêng, tùy vào cơ địa từng người mà có những loại thuốc khác nhau, có thời gian theo dõi và chỉ định khác nhau. Không có phác đồ, loại thuốc, kỹ thuật điều trị nào áp dụng cho tất cả. Lên mạng tự chẩn đoán và điều trị thay bác sĩ là rất nguy hiểm, bởi không chỉ làm bệnh nặng hơn mà còn vô tình tước mất cơ hội được chữa trị kịp thời, tước mất cơ hội sống của mình và người khác.

“Có bệnh thì vái tứ phương”. Khi đang có bệnh, nhiều lo lắng, hoang mang nên khi bắt gặp những chia sẻ, bình luận, tư vấn, những bài viết trên mạng khen ngợi bài thuốc nọ, phương pháp kia hay, áp dụng sẽ khỏi bệnh… dễ khiến người ta như “chết đuối vớ được phao”, làm theo mà không đắn đo. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng bản thân và người thân, người dân cần cẩn trọng trong tiếp cận các thông tin y học trên mạng.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        117,652       54