Bạn đọc

Gắn camera nhằm tăng tính tương tác giữa phụ huynh và nhà trường

Thông tin Sở GD-ĐT vừa đề xuất UBND tỉnh cho gắn camera tại các cơ sở mầm non trên toàn tỉnh khiến người dân cũng như các cơ sở giáo dục mầm non quan tâm.

Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT.
Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề trên, bà HUỲNH LỆ GIANG, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết chủ trương này nhằm nâng cao chất lượng trong giáo dục mầm non, tăng cường sự tương tác giữa phụ huynh và nhà trường cũng như tạo sự tin tưởng của phụ huynh khi gửi con em mình.

 Là người làm công tác quản lý, bà đánh giá như thế nào về hệ thống trường mầm non, chất lượng giáo viên tại các cơ sở giữ trẻ, nhóm trẻ trên địa bàn hiện nay?

- Về cơ bản, hệ thống trường và nhóm trẻ đến nay mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Vẫn còn một số nhóm trẻ chưa đáp ứng được hết các tiêu chí của ngành giáo dục như: thiếu sân chơi, công trình nhà vệ sinh, bếp ăn không bảo đảm các điều kiện chăm sóc... nên chưa được cấp phép, chúng tôi đang yêu cầu các địa phương thẩm định lại các nhóm trẻ này để có hướng chỉ đạo tiếp theo.

Đối với đội ngũ giáo viên theo tôi là tương đối ổn. Hiện có 100% giáo viên các trường công lập đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 48% (trình độ từ cao đẳng trở lên); giáo viên tại các trường tư thục đạt chuẩn 92%, trên chuẩn là 27%. Những năm qua, sở thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chủ nhóm trẻ, bảo mẫu về đạo đức nhà giáo; cách giao tiếp ứng xử của giáo viên đối với trẻ;  kiến thức về công tác bảo đảm an toàn phòng chống tai nạn thương tích đối với trẻ mầm non.

Ngoài ra, từ đầu năm 2018 đến nay sở tăng cường các lớp tập huấn nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non cho chủ nhóm trẻ. Lớp tập huấn dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán về công tác kiểm tra giám sát theo một số tiêu chí mới mà Bộ GD-ĐT đã đề ra.

 Việc đề xuất gắn camera tại các trường, nhóm trẻ mang lại lợi ích gì? Liệu rằng việc làm này có thể kiểm soát được tình trạng bạo hành trẻ?

- Mục đích của đề xuất gắn camera tại các trường mầm non không phải chỉ nhằm vào việc kiểm soát tình trạng bạo hành trẻ, mà quan trọng hơn chúng tôi muốn tăng sự tương tác giữa phụ huynh và nhà trường trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.

Giáo viên Trường mầm non tư thục Việt Anh (ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chăm sóc trẻ trong giờ ăn.
Giáo viên Trường mầm non tư thục Việt Anh (ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chăm sóc trẻ trong giờ ăn.

Ví dụ như qua camera ghi hình trên lớp, phụ huynh có thể theo dõi được cách giáo viên hướng dẫn trẻ kỹ năng rửa tay, sắp xếp đồ dùng cũng như những kỹ năng khác, qua đó khi về nhà phụ huynh sẽ phối hợp cùng giáo viên tiếp tục hướng dẫn bé làm như cách cô dạy, tránh tình trạng ở trên lớp cô ra sức hướng dẫn nhưng khi về nhà cha mẹ lại chỉ bé theo cách khác thì việc dạy các kỹ năng sẽ không hiệu quả.

Đồng Nai hiện có 326 trường mầm non đang hoạt động, trong đó có 225 trường mầm non công lập và 101 trường tư thục. Số trường mầm non tăng đều trong những năm gần đây, đặc biệt là trường tư thục, tập trung tại một số địa phương như: TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Thống Nhất. Ngoài ra, tỉnh hiện có 1.046 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, trong đó có 999 nhóm, lớp đã được cấp phép.

Camera ở lớp học chỉ giúp ích một phần nào đó trong việc giám sát tình trạng bạo hành bởi nó không thể bao quát tất cả mọi nơi trong trường học. Điều chúng tôi quan tâm lâu nay chính là đội ngũ giáo viên có đủ trình độ, năng lực cũng như sự tâm huyết với nghề hay không. Nếu giáo viên cho rằng camera gây khó khăn cho mình vì bị kiểm soát thì rõ ràng giáo viên đó chưa đủ năng lực cũng như trách nhiệm, tâm huyết với nghề, cần phải xem xét lại.

 Để các cơ sở mầm non chuẩn hóa về các mặt, đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong thời gian tới sở sẽ có những giải pháp gì, thưa bà?

- Đồng Nai đã có lộ trình phát triển giáo dục mầm non, đến năm 2022 các nhóm trẻ sẽ đạt tiêu chí để lên trường. Vấn đề này hiện nay còn một số khó khăn trong quy hoạch. Cụ thể, nhiều nhóm trẻ thành lập từ đất của gia đình không thuộc đất quy hoạch cho giáo dục nên phải có sự chuyển đổi cần thiết. Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát lại vấn đề trên.

Song song với quá trình chuẩn hóa trường lớp, sở cũng tăng cường tập huấn cho đội ngũ giáo viên về nghiệp vụ theo chủ đề, chủ điểm mà Bộ
GD-ĐT đưa ra. Ngoài ra, để đảm bảo các trường, nhóm trẻ hoạt động có kiểm soát, chúng tôi sẽ tăng cường sự giám sát trong cộng đồng, phối hợp với sự quản lý từ chính quyền địa phương cấp phường, xã trong vấn đề kiểm soát hoạt động của các nhóm trẻ.

 Xin cảm ơn bà!

Ngọc Liên (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,786       398