Bạn đọc

Những con đường vừa đi vừa… lo

Biên Hòa đã là đô thị loại I nhưng vẫn tồn tại những con đường loang lổ, đầy "ổ voi, ổ gà"... Tai nạn thường xuyên xảy ra và cả những trường hợp người dân chết oan uổng khi lưu thông trên những con đường "da beo" này.

Biên Hòa đã là đô thị loại I nhưng vẫn tồn tại những con đường loang lổ, đầy “ổ voi, ổ gà”... Tai nạn thường xuyên xảy ra và cả những trường hợp người dân chết oan uổng khi lưu thông trên những con đường “da beo” này.

Đường số 1 ở KP.7,  phường Long Bình đầy rẫy ổ voi, ổ gà.
Đường số 1 ở KP.7, phường Long Bình đầy rẫy ổ voi, ổ gà.

Thiếu kinh phí vẫn là lý do hàng đầu khiến những con đường hư hỏng này kéo dài nhiều năm chưa thể làm mới.

* Người dân ngán ngẩm

Đi trên đường Lê Ngô Cát (phường Tân Hòa), đặc biệt vào mùa mưa nhiều người không khỏi lo lắng bởi sự chông chênh nguy hiểm. Đây là đường nối KP.4, phường Tân Hòa với xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Do đường có độ dốc khá lớn, 2 bên không có mương thoát nước nên mỗi khi mưa nước từ các nơi đổ xuống như thác lũ, tạo ra những dòng xoáy xiết, làm xói lở cát đất, trơ lại những tảng đá hộc lớn rất nguy hiểm.

Đường Phát Triển ở phường Tân Biên lổn ngổn đá xanh.
Đường Phát Triển ở phường Tân Biên lổn ngổn đá xanh.

Bà Vũ Thị Hà, nhà ở mặt tiền đường, cho biết tai nạn do xe tự té ngã trên đường thường xảy ra. Cơn mưa lớn 2 tuần trước đã khiến nước chảy xiết, cuốn ngã một người đàn ông đi xe đạp, may là người và xe mắc lại ở một gốc cây ven đường nên ông này thoát chết. “Con đường này không chỉ khó đi mà còn là “bẫy” rình rập người đi đường. Chỉ mong Nhà nước sớm làm lại con đường cho tử tế để dân đi lại an toàn” - bà Hà kiến nghị.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, tính đến cuối năm 2017 thành phố còn tới hơn 135 ngàn m đường đất, đường hư hỏng chưa được bê tông hóa, nhựa nóng. Tổng vốn đầu tư hoàn thiện hàng chục con đường trên dự kiến khoảng 220 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là phường Trảng Dài với khoảng 30 ngàn m đường, cần tới 50 tỷ đồng để đầu tư.

Tương tự, đoạn đường từ Sân vận động Đồng Nai qua khu dân cư Đinh Thuận (phường Tân Hiệp) cũng gây ngán ngẩm cho không ít người đi đường do nhiều đoạn xuống cấp trầm trọng. Lo ngại tai nạn, năm nào những hộ dân ở đầu đường cũng đóng góp tiền mua đất, đá lấp “ổ gà”. Song, do 2 bên đường không có đường mương thoát nước nên sau mỗi cơn mưa lớn, nước từ trên cao đổ xuống cuốn trôi tất cả, đâu lại vào đấy.

Đây cũng là tình trạng chung tại các con đường như: đường Chu Mạnh Trinh (ấp Tân Cang, xã Phước Tân), đường số 1 (gần ICD Tân Cảng - Long Bình)… dù người dân dặm vá nhiều lần nhưng chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn mặt đường tiếp tục hư hỏng. Đi trên những con đường “đau khổ” này, nhiều người không khỏi lo lắng tai nạn bất ngờ do sụp hố, té ngã.

“Sợ nhất là mỗi chiều đi làm về trên đường Chu Mạnh Trinh, do “ổ voi” nối tiếp “ổ gà” trải đầy con đường nên đi rất vất vả” -  bà Trần Thị Ngọc (ngụ tổ 10, ấp Tân Cang, xã Phước Tân)  chia sẻ.

* Cần sự chung tay…

Trong số những con đường ngổn ngang “ổ voi, ổ gà” trên, đáng lo ngại nhất là đường Lê Ngô Cát vì nơi đây đã xảy ra 5 vụ tai nạn chết người. Đau đáu nỗi lo của người dân, ông Trần Quang Minh, Chủ tịch UBND phường Tân Hòa, cho biết con đường này từng được đổ bê tông kiên cố nhưng chỉ được vài năm đã xuống cấp trầm trọng bởi mỗi ngày có cả trăm xe tải nặng chở gỗ, đồ mộc và xe chở đá từ mỏ đá Thiện Tân đi tắt, xe tải chở hàng trốn trạm thu phí đường Nhà máy nước Thiện Tân đi vào để ra quốc lộ 1… Vào giờ cao điểm, nhiều đoạn đường thường bị ách tắc do các loại xe lưu thông rất chậm vì vừa chạy vừa phải né những đoạn đường xấu…

Đường Lê Ngô Cát ở phường Tân Hòa hư hỏng nặng nề.
Đường Lê Ngô Cát ở phường Tân Hòa hư hỏng nặng nề.

Theo ông Minh, nếu làm lại đường Lê Ngô Cát, tính cả kinh phí xây dựng mương thoát nước 2 bên thì lên tới gần 12 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí làm đường là 4,4 tỷ đồng. Theo kế hoạch dự kiến, thành phố sẽ cấp kinh phí làm mương và 50% kinh phí làm đường, còn lại vận động người dân đóng góp (khoảng 2,2 tỷ đồng). Kinh phí ước tính chia ra 120 hộ dân, mỗi hộ phải đóng 500 ngàn đồng/m ngang. Tuy nhiên, đến nay địa phương chưa vận động hộ dân đóng góp được, nguyên nhân là do nhiều người cho rằng hiện người dân xã Hố Nai 3, hộ kinh doanh chở nguyên liệu, xe tải, xe ben chở đất đá… cũng sử dụng đường nên nếu chỉ những hộ dân 2 bên đường đóng tiền là không hợp lý.

Trao đổi về hướng xử lý những con đường “da beo” nêu trên, ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết nguồn vốn ngân sách hiện hạn hẹp. Do vậy, để sớm hoàn thiện hệ thống đường trong toàn thành phố, đối với những con đường nội phường, nội xã thì thành phố chủ trương vận động bà con đóng góp kinh phí; còn các con đường liên phường, liên xã thì thành phố đang triển khai đầu tư theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. “Thành phố rất cần sự chung tay của người dân để “xóa sổ” những con đường xuống cấp” - ông Dũng nói.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,803       669