Bạn đọc

Hiểu luật, người lao động sẽ không bị chèn ép

Nhiều vụ người lao động (NLĐ) bị cho thôi việc trái pháp luật, bị chủ sử dụng lao động lợi dụng công sức, cắt xén quyền lợi… một phần là do thiếu hiểu hết quy định pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động.

Nhiều vụ người lao động (NLĐ) bị cho thôi việc trái pháp luật, bị chủ sử dụng lao động lợi dụng công sức, cắt xén quyền lợi… một phần là do thiếu hiểu hết quy định pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động.

Luật sư Vũ Ngọc Hà đang tư vấn cho một lao động về việc bị cho thôi việc không đúng pháp luật.
Luật sư Vũ Ngọc Hà đang tư vấn cho một lao động về việc bị cho thôi việc không đúng pháp luật.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), nhận định NLĐ cần trang bị kiến thức pháp luật để tự tin trong thương lượng, trong quan hệ lao động bởi “nếu am hiểu pháp luật sẽ không bị chèn ép”.

 Là người nhiều năm gắn bó với Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, ông đánh giá thế nào về kiến thức pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động của NLĐ hiện nay?

- Kết quả khảo sát của trung tâm về kiến thức pháp luật của NLĐ trong các khu nhà trọ ở Đồng Nai vào năm 2013 cho thấy có đến 80% công nhân lao động có hiểu biết nhất định về kiến thức pháp luật, tuy nhiên kỹ năng xử lý thì còn hạn chế. Đơn cử, khi nhận quyết định cho thôi việc từ chủ doanh nghiệp, NLĐ có thể nhận biết rằng công ty cho nghỉ như vậy là đúng hay sai. Nhưng xử lý vấn đề sai đó như thế nào thì nhiều người lại không nắm được. Bởi vấn đề này không đơn thuần chỉ nằm trong Bộ luật Lao động mà còn có thể liên quan đến Luật Tố tụng dân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… mà những luật này thì hầu như rất nhiều người còn mơ hồ.

Mỗi tháng Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tiếp nhận khoảng 1,5 ngàn trường hợp thắc mắc, khiếu nại, trong đó tư vấn trực tiếp tại trung tâm cho từ 300-400 trường hợp. Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức nhiều hình thức tư vấn khác nhau như qua điện thoại, Facebook để đáp ứng nhu cầu của NLĐ.

Vướng mắc nhiều nhất hiện nay phải kể đến các vấn đề như: bảo hiểm thất nghiệp, chính sách bảo hiểm xã hội, hưu trí, chính sách đối với người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp... Qua  công tác tư vấn, có đến 50% các câu hỏi, thắc mắc, khiếu nại của NLĐ gửi về hoặc đến tư vấn trực tiếp tại trung tâm liên quan đến những vấn đề trên.

 Không chỉ làm công tác tư vấn, giải đáp thắc mắc, trung tâm còn hỗ trợ NLĐ kiện chủ sử dụng lao động ra tòa khi có vi phạm. Vậy theo ông, những khó khăn phải đối mặt trong quá trình bào chữa cũng như làm đại diện hợp pháp cho NLĐ là gì?

- Trong quá trình tham gia tố tụng, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Trước đây, hầu hết những trường hợp trung tâm đứng ra hỗ trợ NLĐ kiện chủ sử dụng lao động tỷ lệ thắng kiện đạt gần như 100%. Nhưng thời gian gần đây, trình độ hiểu biết về pháp luật của chủ sử dụng lao động đều được nâng lên, đặc biệt là đội ngũ nhân sự của các doanh nghiệp biết cách “lách luật”. Một số trường hợp doanh nghiệp “gài thế” buộc NLĐ phải nghỉ việc nhưng trên giấy tờ vẫn rất đúng luật.

Những khó khăn khác là do chính văn bản pháp luật của nước ta nhiều điểm chưa rõ ràng, còn chồng chéo, sơ hở… dẫn đến rất khó viện dẫn khi bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Nhiều trường hợp NLĐ kiện về vấn đề bảo hiểm xã hội gặp khó vì Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Tố tụng hình sự không đồng bộ với nhau.

Ngoài ra, những năm gần đây lượng án tranh chấp lao động của Đồng Nai phát sinh rất lớn nên trung tâm rơi vào tình trạng quá tải… Nhiều vụ việc do các luật sư không đủ thời gian chuẩn bị  hồ sơ, chứng cứ đầy đủ nên khi ra tòa đôi lúc cũng thất bại hoặc không thể bảo vệ tốt nhất, cao nhất quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ. Hiện mỗi năm trung tâm hỗ trợ trên 1 ngàn vụ kiện, trong đó trực tiếp tham gia bảo vệ NLĐ tại tòa khoảng 150 vụ. Tuy nhiên, mới hơn 5 tháng đầu năm 2018, số vụ trung tâm hỗ trợ tại tòa đã lên tới 120 vụ.

 Theo ông, giải pháp tốt nhất để bảo đảm quyền và lợi ích của NLĐ là gì?

- NLĐ phải tự nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật để thực hiện đúng và tự mình giám sát việc thực hiện các chính sách lao động của chủ sử dụng lao động là đúng hay sai. Khi đã am hiểu nắm rõ các quy định của pháp luật, NLĐ sẽ tự tin, bản lĩnh để trực tiếp thương lượng, đối thoại, đề nghị mức lương, các quyền lợi của mình với chủ sử dụng lao động.

Ngoài ra, Công đoàn cơ sở cũng phải thể hiện vai trò, vị trí của tổ chức mình trong công ty; cán bộ Công đoàn phải luôn học hỏi để nâng cao trình độ, sự am hiểu về luật pháp và rèn luyện các kỹ năng trong thương lượng, hòa giải cũng như giải quyết tranh chấp lao động, để ngày càng hỗ trợ tốt cho NLĐ trong công ty.

 Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu  (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        122,099       38