Hàng chục hộ trồng lúa tại ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) nhiều năm nay mong chờ ngành chức năng sớm chấp thuận cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang trồng bưởi.
Diện tích đất trồng lúa tại ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) nhiều năm nay không mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: M.QUÂN |
Theo các hộ dân, hiệu quả kinh tế từ cây lúa lâu nay rất thấp, trong khi vùng đất này trồng cây bưởi cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Do đó, nếu được chuyển đổi cây trồng hợp lý, điều kiện phát triển kinh tế sẽ tăng, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân.
* Hết “duyên” với cây lúa
Tại khu vực cánh đồng lúa ấp Vĩnh Hiệp, khá nhiều máy bơm nước từ giếng khoan được người dân đặt giữa đồng để lấy nước phục vụ cho cây lúa. Theo các hộ dân ở đây, khu vực này nguồn nước và hệ thống kênh mương thủy lợi không đảm bảo cung cấp cho cây lúa. Do đặc thù là khu ruộng gò (vùng đất cao) nên đất trồng lúa ở đây cho năng suất thấp, kém hiệu quả, người trồng phải mất nhiều công sức, thời gian để đầu tư và chăm sóc.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết: “Năm 2017, sở đã trình UBND tỉnh diện tích đất lúa xin được chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, gần 530 hécta đất lúa tại các huyện: Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú được tổng hợp để báo cáo lên tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn phê duyệt. Tuy nhiên, mới đây Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn ban hành quyết định về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến năm 2020, không có diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi đã tổng hợp và trình UBND tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn sớm có quyết định phê duyệt bổ sung”. |
Là một nông dân trồng lúa lâu năm tại ấp Vĩnh Hiệp, ông Trần Văn Thoa cho biết nhiều năm nay 5 sào đất lúa của gia đình ông chỉ cho thu nhập trên 8 triệu đồng/vụ/năm do năng suất cây lúa quá thấp. Trong khi đó, những vườn bưởi quanh khu ruộng gò của nhà ông và các hộ lân cận không chỉ xum xuê trái mà chất lượng quả cũng ngon, mang lại thu nhập khá cao cho chủ vườn.
Vấn đề này được ông Huỳnh Văn Giỏi, một hộ nông dân vừa có đất lúa vừa có đất trồng bưởi tại ấp Vĩnh Hiệp, dẫn chứng rất cụ thể: “5 sào lúa chỉ đủ cung cấp lương thực cho gia đình tôi, nhưng công chăm sóc thì rất nhiều. Trong khi đó, với hơn 1 sào đất trồng bưởi mỗi năm tôi thu về trên 30 triệu đồng mà không tốn công chăm sóc như cây lúa”.
Điều mà các hộ dân ở đây mong mỏi là các ngành chức năng sớm có phương án cho họ được chuyển đổi cây trồng phù hợp, tạo điều kiện để tăng thêm thu nhập, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
* Chờ đến năm 2020?
Ông Thái Tam Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Bình, cho biết ấp Vĩnh Hiệp hiện có khoảng trên 70 hécta đất trồng lúa. Thực tế hiệu quả canh tác đúng với những gì các hộ dân chia sẻ. Thời gian qua, địa phương đã tìm hướng để hỗ trợ nông dân tìm cách nâng năng suất lúa nhưng do khu vực trồng lúa có nhiều ô thửa nhỏ của nhiều hộ dân (mỗi hộ trung bình từ 3-5 sào) nên việc ứng dụng các khoa học - kỹ thuật vào canh tác rất hạn chế. Trước những khó khăn trên, xã đã ghi nhận và tổng hợp để báo cáo về huyện, mong sớm có hướng giải quyết giúp bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Một số hộ dân đang chuyển từ đất lúa lên đất vườn để trồng bưởi tại ấp Vĩnh Hiệp. |
Trao đổi về kiến nghị chuyển đất lúa sang trồng bưởi của người dân ấp Vĩnh Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi cho biết UBND huyện đã khảo sát thực tế và tổng hợp để trình lên UBND tỉnh đề xuất phương án chuyển đổi cây trồng cho diện tích đất trồng lúa tại ấp Vĩnh Hiệp, hiện đây là khu vực nằm trong quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng. “Vĩnh Cửu hiện có khoảng 300 hécta đất trồng lúa được tổng hợp trình UBND tỉnh xin đề xuất Chính phủ phê duyệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng thuộc các xã: Tân Bình, Bình Lợi và Tân An. Trong thời gian chờ được phê duyệt, chúng tôi đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn và địa phương sớm điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới cấp xã, hoàn tất các thủ tục về quy hoạch chi tiết bảo đảm gắn với phát triển du lịch sinh thái trong tương lai cũng như các thủ tục đăng ký chuyển đổi đất lúa sang đất trồng cây lâu năm. Dự kiến sau năm 2020 mới thực hiện chuyển đổi được” - ông Phi cho biết thêm.
Minh Quân