Bạn đọc

Bài cuối: Xóa "giao lộ đen" được không?

Thường xuyên ùn tắc, lưu thông phức tạp, xóa "điểm đen" này lại xuất hiện "điểm đen" khác... Đây là những tồn tại trong công tác quản lý an toàn giao thông ở Đồng Nai lâu nay được Ban An toàn giao thông tỉnh đánh giá.

TIN LIÊN QUAN
Thường xuyên ùn tắc, lưu thông phức tạp, xóa “điểm đen” này lại xuất hiện “điểm đen” khác... Đây là những tồn tại trong công tác quản lý an toàn giao thông ở Đồng Nai lâu nay được Ban An toàn giao thông tỉnh đánh giá.

Nên giáo dục cho học sinh thực hành Luật Giao thông đường bộ ngay từ khi còn nhỏ. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học An Lợi, xã An Phước, huyện Long Thành thực hành Luật Giao thông đường bộ với sự hỗ trợ  của đại diện Tổ chức Handicap. Ảnh: P.LIỄU
Nên giáo dục cho học sinh thực hành Luật Giao thông đường bộ ngay từ khi còn nhỏ. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học An Lợi, xã An Phước, huyện Long Thành thực hành Luật Giao thông đường bộ với sự hỗ trợ của đại diện Tổ chức Handicap. Ảnh: P.LIỄU

Để hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) ở các “giao lộ đen”, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý - nhà đầu tư  và người tham gia lưu thông. Đặc biệt là nâng cao ý thức giao thông của người dân.

* Kiến nghị nhiều, giải quyết chưa bao nhiêu

ông Từ Nam Thành, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải (GT-VT), cho biết thời gian qua Đồng Nai cũng đã rất quan tâm đến đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các yếu tố kỹ thuật an toàn cũng được các cơ quan chuyên môn tính toán. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, phát sinh nhiều bất cập rất cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, nhằm bảo đảm thuận lợi và an toàn cho người dân khi tham gia lưu thông.

Để giảm tai nạn giao thông tại nút giao lộ ngã tư Vũng Tàu, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị cần thay đổi phương án phân luồng, tổ chức giao thông ở ngã tư này, thay đổi biển báo cấm quay đầu xe tại bụng cầu vượt bằng biển báo: “Nơi giao nhau chạy theo vòng xuyến”, tháo dỡ các biển báo cấm xe máy đi thẳng qua quốc lộ 51, mở dải phân cách biên bên phải tuyến quốc lộ 51 để xe mô tô, gắn máy rẽ đúng vào phần đường của mình, tăng kích thước biển báo để bảo đảm khả năng nhận biết của người điều khiển phương tiện, thay đổi kết cấu của thanh chắn ngang và bổ sung biển báo “Hạn chế chiều cao” tại vị trí trước khi vào hầm chui.

Qua những bất cập phát sinh từ thực tiễn, UBND tỉnh nhiều lần kiến nghị Bộ GT-VT về những giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông và TNGT trên tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 51. Song, kiến nghị nhiều nhưng giải quyết chưa được bao nhiêu.

Tại vòng xoay cổng 11, Đồng Nai kiến nghị chủ đầu tư phải phân luồng giao thông hợp lý; thu hẹp vòng xuyến từ 35m xuống còn 27m để rộng đường cho xe máy lưu thông tránh xa xe tải, xe ben; đặt tín hiệu đèn giao thông ở các đầu đường. Với giao lộ Amata, do mật độ phương tiện lưu thông dưới dạ cầu tăng rất cao vào giờ cao điểm, tỉnh đề nghị Bộ GT-VT chỉ đạo đơn vị đầu tư xây dựng hầm chui hướng từ đường Đồng Khởi qua Khu công nghiệp Amata, cắt ngang với cầu vượt Amata để giảm bớt các làn xe đan nhau dưới dạ cầu.

Ở nút giao  thông quốc lộ 1 - đường Điểu Xiển và cầu Hang (có đường xe lửa dưới dạ cầu), Đồng Nai đề nghị cho lắp đặt biển báo cấm ô tô quay đầu tại vị trí trước cầu Hang phía trái tuyến, đồng thời hướng dẫn các phương tiện quay đầu tại khu vực Bến xe Hố Nai và mở dải phân cách giữa tuyến quốc lộ khu vực này, mở rộng mặt cầu Hang, xây dựng đường nhánh kết nối từ quốc lộ 1 với đường Điểu Xiển.

Với nút giao ngã ba cầu Sập, do bề rộng mặt đường quốc lộ 1 đoạn cầu Sập quá hẹp nên giảm khả năng lưu thông qua lại. Nơi đây cần tổ chức lại giao thông, hạn chế xe lớn hướng từ đường Điểu Xiển ra vào giờ cao điểm, lắp đặt tín hiệu giao thông và nghiên cứu chu kỳ đèn giao thông hợp lý để tránh tình trạng các làn xe đan xen nhau, tạo nguy cơ tai nạn.

* Ý thức: vấn đề cốt lõi

Thực tế, những năm qua hạ tầng giao thông tại Đồng Nai đã được đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân; cùng với đó là hàng loạt những nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phát sinh. Tuy nhiên, TNGT vẫn xảy ra gây nhiều thiệt hại nhiều về người và tài sản. Báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh cho thấy có đến hơn 70% số vụ TNGT xảy ra là do người đi đường không chấp hành luật. Điều đó chứng tỏ rằng nếu ý thức giao thông không tốt thì dù đường tốt, đường rộng cũng chẳng thể kéo giảm TNGT.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Bôn, Phó ban kiêm Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho hay: “đáng buồn là hiện nay một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông thiếu ý thức tuân thủ luật. Khi không thấy cảnh sát giao thông, họ thản nhiên phóng nhanh, vượt ẩu, lái xe khi uống rượu bia, rồi đua xe, lạng lách… Nâng cao ý thức người tham gia giao thông, phạt tiền là biện pháp cần nhưng chưa đủ, vấn đề là tăng cường cung cấp thông tin và giáo dục ý thức chấp hành cho người dân”.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Nai về ý thức của người tham gia giao thông, PGS-TS. Chu Công Minh, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về giao thông của Học viện Công nghệ châu Á, cho rằng để từng bước nâng cao ý thức giao thông an toàn, mỗi người cần có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của mình và người khác, đồng thời công tác tuyên truyền, giáo dục là rất quan trọng. Phải coi an toàn giao thông là môn học chính thức trong hệ thống giáo dục từ bậc mầm non, đồng thời tăng cường giáo dục ý thức tham gia giao thông từ mỗi gia đình. Cùng với tuyên truyền, giáo dục, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để răn đe, tránh hiện tượng “lờn luật”.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương hoàn thiện bộ tài liệu về “Văn hóa giao thông” đưa vào giáo dục tại các nhà trường trong toàn quốc, bắt đầu từ năm học 2017-2018. Nhưng năm học sắp hết, môn học này vẫn chưa chính thức được đưa vào chương trình như yêu cầu của Chính phủ.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        157,771       824