Bạn đọc

Cần phạt nặng những người bắt trẻ em đi ăn xin

Tôi rất đồng tình với quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em vừa được Bộ Lao động - thương binh và xã hội xây dựng đưa lên cổng thông tin điện tử của bộ để lấy ý kiến.

Trẻ em tụ tập ăn xin tại nút giao thông cầu vượt Amata(TP.Biên Hòa)
Trẻ em tụ tập ăn xin tại nút giao thông cầu vượt Amata(TP.Biên Hòa)

Dự thảo có 4 chương với 52 điều quy định chi tiết về các hành vi, mức xử phạt đối với các vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các mức phạt vi phạm được đề xuất tại dự thảo tôi thấy đều rất hợp lý, chỉ trừ mức phạt đối với nhóm hành vi: “bỏ hoặc không chăm sóc trẻ em sau khi sinh”, “cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng”, “bỏ mặc trẻ em tự sinh sống”, “tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn”, “cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn”... tôi cho rằng quá nhẹ. 

Cụ thể, theo quy định đề xuất thì nếu vi phạm sẽ bị phạt vi phạm hành chính mức cao nhất là 15 triệu đồng. Mức phạt này theo tôi cần phải tăng thêm để nâng tính răn đe, nhất là đối với hành vi tổ chức, ép buộc trẻ đi xin ăn. Bởi đây là hành vi khá phổ biến và hầu như diễn ra hàng ngày trên địa bàn Đồng Nai nhất là ở TP.Biên Hòa.

Nhìn hình ảnh những trẻ con còn đỏ hỏn nằm thiêm thiếp trên tay người chăn dắt hay những trẻ em nhỏ gầy còm, đen nhẻm cứ chực chờ ở các giao lộ chờ đèn tín hiệu giao thông chuyển màu đỏ là lao ra trước đầu xe để xin tiền bất chấp nguy hiểm khiến nhiều người đi đường bức xúc.

Chỉ có thể phạt thật nặng những kẻ chọn cách kiếm sống bằng việc “ký sinh” trên thân thể của trẻ em thì mới mong xử lý dứt điểm được tình trạng chăn dắt trẻ xin ăn. Việc làm tàn nhẫn trên không chỉ gây hại cho nạn nhân mà còn góp phần tạo ra sự “vô cảm” trong xã hội. Vì không một người tốt nào lại muốn bị cho rằng mình có “lỗi” trong việc tạo ra mảnh đất màu mỡ để “dịch vụ chăn dắt” phát triển, qua những việc thiện không đúng chỗ của mình.

Lê Vy

(phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        157,770       651