Bạn đọc

Động vật hoang dã vẫn bị đe dọa

Thời gian qua, công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được cơ quan chức năng tổ chức ngăn chặn, xử lý tích cực. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, mua bán, kinh doanh các loài thú rừng vẫn diễn biến phức tạp…

Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng. Ảnh: P.Liễu
Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng. Ảnh: P.Liễu

Thời gian qua, công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được cơ quan chức năng tổ chức ngăn chặn, xử lý tích cực. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, mua bán, kinh doanh các loài thú rừng vẫn diễn biến phức tạp…

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) Lê Việt Dũng cho rằng nhiều người có quan niệm sai lầm rằng sử dụng sản phẩm  động vật hoang dã làm thức ăn, ngâm rượu, bào chế thuốc… là tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, các loài thú rừng liên tục bị săn bắt.

Công tác bảo vệ động vật hoang dã tại các khu rừng ở Đồng Nai lâu nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- 20 năm nay, Đồng Nai đã đóng cửa rừng tự nhiên để bảo tồn các loài động vật hoang dã. Vì thế rừng ở Đồng Nai được đánh giá là một trong những nơi còn bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã trong Sách đỏ quốc gia và thế giới. Việc bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã được ngành kiểm lâm phối hợp với các ban, ngành, địa phương quản lý rất chặt chẽ. Những vụ săn bắn, mua bán, vận chuyển và kinh doanh động vật hoang dã thời gian qua giảm đáng kể.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ động vật hoang dã cũng gặp nhiều khó khăn là do một số văn bản của Nhà nước chưa thống nhất, còn chồng chéo, gây khó khăn trong công tác quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm nhưng không có cơ sở xác định là động vật rừng. Thủ đoạn của các đối tượng săn bắt thú rừng, hoặc người kinh doanh động vật hoang dã rất tinh vi, nhất là ở các nhà hàng, quán ăn. Việc kiểm tra cơ sở kinh doanh động vật hoang dã không dễ vì phải có ý kiến của Chủ tịch UBND huyện theo như quy định.

Tình trạng săn bắt thú rừng vẫn tiếp diễn?

- Mới đây nhất, ngày 21-7-2017 lực lượng kiểm lâm phát hiện 2 trường hợp mua bán động vật hoang dã tại 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất. Qua đó tịch thu 115 cá thể gồm: rắn, sóc, bìm bịp đã qua sơ chế, ướp lạnh. Trước đó, vào tháng 4-2017, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên trong lúc tuần tra rừng phát hiện 4 đối tượng săn bắn thú rừng và đã khống chế được những đối tượng này.

Cũng tại Vườn quốc gia Cát Tiên, vào tháng 1-2017 kiểm lâm phát hiện một nhóm đối tượng đặt bẫy trúng 1 cá thể bò tót nhưng chưa kịp đem đi thì con thú này đã tự chạy thoát. Còn trong tháng 2-2016, lực lượng kiểm lâm Đồng Nai phát hiện 2 đối tượng là Lê Nguyễn Ánh Hùng và Phạm Thanh Liêm sử dụng vũ khí quân dụng bắn chết 1 con bò tót nặng khoảng 200kg ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. 2 người này đã bị khởi tố với tội danh vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm và chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Trước đó nữa, ngành cũng phát hiện ông Lê Xuân Xanh chuyên chở xương và da một cá thể hổ có chiều dài 2m từ Nghệ An đến một quán ăn ở đường Võ Thị Sáu (Biên Hòa); hay Nguyễn Duy Thanh (ở huyện Vĩnh Cửu) vận chuyển 1 con rắn hổ mang chúa nặng 13kg, 1 mèo rừng nặng 3kg (thuộc nhóm IB  - nhóm các loài động vật nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại). Tóm lại, dù công tác bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm ngặt thời gian qua, nhưng vào từng thời điểm vẫn xảy ra nhiều vụ săn bắn, vận chuyển, mua bán thú rừng song  cơ quan chức năng không phát hiện được.

Thả động vật hoang dã về rừng. (ảnh minh họa do Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cung cấp)
Thả động vật hoang dã về rừng. (ảnh minh họa do Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cung cấp)

Thưa ông, ngoài việc bảo vệ các loài động vật hoang dã, vấn đề quản lý hoạt động nuôi thú rừng ra sao?

- Đồng Nai là địa bàn có tổ chức nuôi động vật hoang dã phát triển mạnh cả về số lượng, trại nuôi cũng như số loài. Việc nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh tập trung tại các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa với các loài thú như: nai xám, hươu sao, cá sấu nước ngọt, nhím, heo rừng, gấu... Cho đến nay có 1.115 cơ sở nuôi 63 loài thú rừng thuộc các nhóm: IB, IIB (nhóm các loài động vật hạn chế khai thác vì mục đích thương mại), động vật hoang dã. Trong đó có 87 trại nuôi từ 2 loài trở lên, 1 trại được cơ quan quản lý Cites (Cites là Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp)cấp giấy phép. Tổng số cá thể động vật hoang dã nuôi trên địa bàn tỉnh là 271.407 con.

Thời gian qua ngành đã thực hiện rất chặt công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi các loài động vật hoang dã; kiểm soát nghiêm ngặt đối với hoạt động xuất, nhập động vật ra vào các trại; hướng dẫn chủ nuôi ghi chép vào sổ theo dõi diễn biến đàn. Ngoài ra, ngành còn tổ chức tập huấn cho công chức kiểm lâm của các hạt kiểm lâm nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý động vật hoang dã. Định kỳ 3 tháng/lần các hạt kiểm lâm báo cáo số liệu và tình hình quản lý các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn về Chi cục Kiểm lâm.

 Xin cảm ơn ông!

Các hành vi: săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm; vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của các loại động vật hoang dã gồm: thịt, xương, sừng, da, lông, ngà, móng, vẩy, răng và các bộ phận khác từ cơ thể các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB mà không có giấy tờ hợp pháp. Người có hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1, Điều 190 Bộ luật Hình sự đối với các trường hợp: săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB với số lượng cá thể dưới mức tối thiểu gây hậu quả rất nghiêm trọng; vận chuyển, buôn bán các sản phẩm của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị đến 50 triệu đồng.

      Phương Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        122,139       39