Khi cha mẹ ly hôn các con là người thiệt thòi nhất. Ở với cha hay mẹ không quan trọng bằng việc ở với ai các em sẽ được nuôi dưỡng, giáo dục và yêu thương nhiều nhất. Bởi trong mắt những đứa trẻ, một gia đình tan vỡ các em sẽ hạn chế gần gũi bên cha hoặc mẹ…
Sau khi cha mẹ ly hôn, cháu Nguyễn Ngọc L. (con chị Đ.T.S. và anh N.Đ.T. ở phường An Bình) được người cha nuôi từ đó đến nay, nhưng thường xuyên bị nhốt trong nhà. (ảnh gia đình cung cấp) |
Khi cha mẹ ly hôn các con là người thiệt thòi nhất. Ở với cha hay mẹ không quan trọng bằng việc ở với ai các em sẽ được nuôi dưỡng, giáo dục và yêu thương nhiều nhất. Bởi trong mắt những đứa trẻ, một gia đình tan vỡ các em sẽ hạn chế gần gũi bên cha hoặc mẹ…
Thế nhưng, sau ly hôn nhiều gia đình xảy ra “cuộc chiến” giành quyền nuôi con. “Mưu đồ” này vô tình đã biến đứa trẻ thành “món hàng” giành qua giật lại.
* Những đứa con bị… giằng xé
Chán cảnh người chồng vô trách nhiệm, chị T.Đ.T. (ngụ KP.3, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) quyết định ly hôn. Về các con, T. chị thỏa thuận: “Ai nhận nuôi con thì phải chăm sóc cả 2 con, người kia sẽ không thực hiện nghĩa vụ trợ cấp”. Ra tòa, người chồng đồng ý để chị nuôi 2 con. Vì muốn con và chồng cũ giữ tình cảm nên chị T. vẫn để người cha đến thăm và đưa chúng đi chơi. Song, lần nào đón con 2 người đều xảy ra cãi vã nhằm lôi kéo các con về… phe mình. Cách đây hơn 1 năm, chồng cũ của chị T. đến trường học “bắt” con trai lớn đưa đi xa. Tìm kiếm con khắp nơi không thấy, qua một vài manh mối chị T. biết chồng cũ thường xuyên thay đổi nơi ở để chị không phát hiện được con. Chính vì có sự tính toán nên người cha đã chuyển nơi ở 3 lần khiến việc học của con chị T. bị gián đoạn, bản thân chị luôn sống trong nỗi dày vò vì nhớ thương con.
Tương tự, chuyện giành quyền nuôi con giữa anh T.V.N. (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) và vợ là V.T.K.L. (ở tỉnh Lâm Đồng) là cả quá trình “đấu tranh” mệt mỏi giữa 2 người. Kết hôn chưa đầy 2 năm, chị L. sinh con trai khiến mọi người trong nhà ai cũng chúc mừng. Tuy nhiên, khi con được 6 tháng tuổi, sau một trận cãi vã kịch liệt với chồng, chị L. bỏ con ở lại, còn mình về nhà cha mẹ ruột. Biết con thơ cần mẹ, nhưng chị L. quyết không trở về mà tỏ ý định muốn gia đình chồng phải khổ sở khi chăm sóc đứa bé mới vài tháng tuổi. Sau 1 năm, chị L. quay lại đòi con nhưng gia đình anh N. không chấp nhận. 3 năm trôi qua, nhiều cuộc “đàm phán”, thậm chí “đấu khẩu” để giành lại con của chị L. không thành. Mới đây anh N. yêu cầu chị L. ký đơn ly hôn để anh lập gia đình mới, chị L. liền ra điều kiện: “Nếu anh trả con thì tôi ký ngay; còn không chấp nhận điều này thì… quên đi”. Do đứa bé là cháu đích tôn nên gia đình anh N. nhất quyết không giao đứa bé. Cho đến nay, chuyện ly hôn cũng như đứa con chung giữa 2 người vẫn chưa ngã ngũ.
* Trẻ em không phải… món hàng
Cách đây 2 năm, Báo Đồng Nai có đề cập đến trường hợp chị Đ.T.S. (ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa) mong muốn được nuôi 2 con sau khi ly hôn với chồng, song không được tòa án đồng ý. Hiện nay, chị S. đang rất đau khổ khi thấy con trai là cháu Nguyễn Ngọc L., 10 tuổi, được cha là N.Đ.T. nuôi, nhưng cháu bé thường xuyên bị cha đánh đập, bỏ đói, bị nhốt suốt ngày trong nhà, không cho đi học… Theo chị S., có lẽ do bị khủng bố tinh thần thời gian dài nên dạo này cháu L. có biểu hiện tâm thần, khuôn mặt ngờ nghệch. Đã nhiều lần chị S. làm đơn đề nghị tòa án chấp thuận cho chị nuôi con mà không cần trợ cấp của anh T. Tuy nhiên, tòa án không đồng ý vì xét thấy điều kiện kinh tế của anh T. ổn định hơn. |
Theo quy định pháp luật, khi ly hôn 2 bên sẽ tự thỏa thuận việc nuôi con và trợ cấp nuôi con. Nếu cha mẹ không tự thỏa thuận được, căn cứ vào quy định của pháp luật cũng như điều kiện thực tế của cha hoặc mẹ, tòa án sẽ ra quyết định giao con cho người có khả năng tốt hơn. Đối với trẻ dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ chăm sóc; dưới 9 tuổi sẽ xem xét hoàn cảnh kinh tế, tư cách đạo đức cũng như điều kiện về sự ổn định cuộc sống của cha hoặc mẹ để quyết định trẻ sẽ ở với ai; trên 9 tuổi con sẽ được tự chọn ở với ai.
Trong thực tế, vì “bị” đặt vào hoàn cảnh phải chọn cha hay mẹ nên nhiều đứa trẻ cảm thấy khó xử và đau khổ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp dù đã có phán quyết của tòa, nhưng đứa trẻ vẫn cứ bị giành giật. Chia sẻ về vấn đề thi hành cưỡng chế giao con thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Cưỡng cho biết có những vụ cưỡng chế giao con, cơ quan chức năng phải… chùn tay. Bởi trẻ em không phải là món hàng có thể lấy từ người này để đưa cho người kia. Hơn nữa, các cháu bé đều bị tổn thương bởi sự tan vỡ của gia đình nên không thể thực hiện việc cưỡng chế một cách máy móc được.
Theo ông Cưỡng, mới đây Chi cục Thi hành án dân sự TP.Biên Hòa phải ngưng cưỡng chế thi hành án một trường hợp giao con. Nguyên nhân sau khi cha mẹ ly hôn, cô con gái 15 tuổi được quyền lựa chọn và em quyết định ở với cha. Thấy chồng cũ thường xuyên đi công tác xa nhà, lại sắp lấy vợ mới nên người vợ làm đơn yêu cầu tòa án xin thay đổi quyền nuôi con và được chấp nhận. Hôm tổ chức thi hành án, chấp hành viên phải mặc thường phục và vào trường THPT ở Biên Hòa để gặp cô bé. “Cố thủ” trong góc hành lang trường, cô bé nói muốn được sống với cha. Thấy mọi người đến gần, cô bé trèo ra lan can tầng 3 và dọa: “Nếu mọi người bắt về ở với mẹ, con sẽ nhảy lầu”. Cuối cùng, đoàn phải về “tay không”.
Phương Liễu