Trên quốc lộ 20, đoạn đi qua địa bàn 5 xã vùng Kiệm Tân (huyện Thống Nhất) tập trung khá nhiều trường tiểu học. Tuy nhiên, phía trước các trường lâu nay lại không có vạch kẻ dành cho người đi bộ nên vào giờ tan trường, học sinh phải khó khăn, thậm chí rất nguy hiểm mới sang được bên kia đường…
Trên quốc lộ 20, đoạn đi qua địa bàn 5 xã vùng Kiệm Tân (huyện Thống Nhất) tập trung khá nhiều trường tiểu học. Tuy nhiên, phía trước các trường lâu nay lại không có vạch kẻ dành cho người đi bộ nên vào giờ tan trường, học sinh phải khó khăn, thậm chí rất nguy hiểm mới sang được bên kia đường…
Thầy trò học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) rồng rắn dắt nhau qua đường trên quốc lộ 20. |
Trước tình thế rất nguy hiểm đối với học sinh, một số trường buộc phải cắt cử giáo viên đưa các em qua đường, song việc đi bộ ngay tại đoạn không có biển báo hạn chế tốc độ các phương tiện khiến cho cả giáo viên cũng “ớn lạnh”.
Tại Trường tiểu học Nguyễn Du (xã Gia Kiệm), mỗi buổi tan học của học sinh là thời điểm nhà trường rất căng thẳng khi có hàng trăm em phải sang bên kia đường ngay trước đầu các phương tiện qua lại. Trước thực trạng này, năm 2016 nhà trường phải thành lập đội an toàn giao thông gồm các học sinh nam lớp 5 và một số cán bộ, giáo viên, tổng phụ trách đội. Hàng ngày khi đến giờ tan trường, đội an toàn giao thông lại thực hiện công việc quen thuộc là “xin đường” để giúp các học sinh nhỏ sang đường an toàn. Đây là việc làm bất đắc dĩ, vì tại đoạn đường trên không hề có các biện pháp hạn chế tốc độ, như: biển báo hiệu, gờ giảm tốc… nên các phương tiện đôi lúc vẫn phóng ào ào, bất chấp thầy trò của trường đứng dồn lại vì sợ hãi. Ban giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Du đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương xem xét, giải quyết vấn đề trên, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn rơi vào im lặng.
Nói về tình cảnh lúc qua đường ở đoạn không có vạch dành cho người đi bộ, em Đỗ Thùy Trúc Uyên, học sinh lớp 5D Trường tiểu học Nguyễn Du, bộc bạch: “Hàng ngày em và các bạn phải qua bên kia đường để về nhà, ai cũng sợ vì rất nguy hiểm. Nếu không có thầy hoặc các anh lớn đứng làm rào chắn, chúng em không dám đi vì xe cộ qua lại nhiều”. Riêng thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, nhà trường không dám để học sinh tự sang đường nên có phân công giáo viên chủ nhiệm cũng như đội an toàn giao thông dẫn học sinh đi. Tuy nhiên, thời gian gần đây các phương tiện ngày càng nhiều nên dù có thầy thay “cảnh sát giao thông” làm nhiệm vụ dẫn các em qua đường nhưng vẫn không thể an tâm. “Từ mối nguy hiểm tiềm tàng khi học sinh tan trường, chúng tôi thiết tha kiến nghị các ngành chức năng sớm có biện pháp bố trí biển báo, vạch kẻ đường cho người đi bộ để nhà trường cũng như phụ huynh bớt lo”.
Tương tự, Trường tiểu học Phù Đổng (xã Gia Kiệm) nằm cách Trường tiểu học Nguyễn Du không xa, trước trường cũng không hề có biển báo hạn chế tốc độ hay vạch kẻ đường cho người đi bộ. Do đó, mỗi khi học sinh tan trường là thầy trò phải “rồng rắn” dắt nhau qua bên kia đường. Theo người dân sinh sống ở đây, dạo trước khi quốc lộ 20 chưa được nâng cấp thì đoạn gần các trường học đều có vạch sang đường của người đi bộ và biển cảnh báo giảm tốc độ các phương tiện. Từ khi quốc lộ 20 được cải tạo, mở rộng đã đưa vào nghiệm thu hơn 2 năm, song những vạch kẻ đường này cũng mất luôn, khiến cho việc đi lại của học sinh ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Tại những điểm này, lâu nay đã từng xảy ra nhiều vụ va quẹt giữa học sinh và người điều khiển xe đang đi trên đường khiến người dân rất bức xúc. “Trước khi quốc lộ 20 được mở rộng, học sinh đi bộ đến trường và về nhà rất thuận lợi, an toàn vì có vạch kẻ đường. Giờ đường đã làm xong từ lâu nhưng vạch kẻ đường thì không có, khiến mỗi khi tan trường các em nhỏ qua đường rất nguy hiểm” - ông Trần Liêm Khánh (ngụ xã Gia Kiệm) bức xúc nói.
Chính quyền địa phương nên sớm xem xét, kiến nghị các ngành chức năng có biện pháp tăng cường biển báo giao thông và vạch kẻ đường dành cho người đi bộ trên quốc lộ 20, nhất là ở những đoạn có trường học. Đừng để khi sự cố đáng tiếc xảy ra thì ngành này, đơn vị nọ mới “vào cuộc” thì chẳng khác gì “mất bò mới lo làm chuồng” là quá trễ.
Bá Trực - Nhật Quang