Bạn đọc

Phụ huynh học sinh chưa mặn mà tham gia bảo hiểm y tế cho con

Theo quy định, học sinh, sinh viên (HS-SV) là đối tượng phải mua bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc, nhưng hiện nay số lượng tham gia chưa đạt 100% như chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Biên Hòa. Ảnh: K.Liễu
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Biên Hòa. Ảnh: K.Liễu

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Biên Hòa Nguyễn Việt Dũng cho biết để đạt được mục tiêu mà UBND tỉnh định hướng, ngoài những nỗ lực của cơ quan BHXH còn rất cần sự chung tay của ngành giáo dục, nhất là các bậc phụ huynh.

 Thưa ông, do trước TP.Biên Hòa luôn là địa phương dẫn đầu tỉnh về công tác thực hiện BHYT HS-SV. Nhưng vì sao đến thời điểm này, tỷ lệ tham gia thấp?

- TP.Biên Hòa là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cùng các trường tiểu học, THCS, THPT. Đây là thuận lợi cơ bản cho việc tổ chức tuyên truyền đến các đối tượng tham gia BHYT HS-SV theo quy định của Luật BHYT.

Thời gian qua, BHXH thành phố đã tăng cường vận động các trường trên địa bàn thực hiện công tác BHYT, nhờ đó tỷ lệ HS-SV tham gia bảo hiểm liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Trong tổng số 125 trường học tham gia BHYT, có 73 trường đạt tỷ lệ từ 97% trở lên, trong đó có 28 trường đạt 100%. Tuy nhiên, đến tháng 1-2017 tỷ lệ HS-SV tham gia BHYT có chiều hướng giảm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số trường, nhất là các trường ngoài công lập hoặc trường trực thuộc các bộ, ngành trung ương chưa tích cực trong công tác triển khai thực hiện BHYT; mặt khác, phụ huynh cũng ít mặn mà vấn đề này.

Để nâng cao số lượng HS-SV tham gia BHYT, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với tuyên truyền, vận động tại các trường có tỷ lệ thấp nhưng vẫn chưa nhận được sự hợp tác tích cực từ ban giám hiệu nhà trường. Bên cạnh đó, một số trường không thống kê số HS-SV tham gia BHYT của các đối tượng được ngân sách hỗ trợ 100%, vì vậy việc đánh giá chưa phản ảnh đúng thực tế.

 Không ít phụ huynh cho rằng chi phí mua BHYT cao, trong khi công tác chăm sóc sức khe ban đầu tại các trường chưa tốt; còn các trường thì “chê” tỷ lệ % trích lại thấp nên chưa mặn mà triển khai tốt trách nhiệm này. ông nghĩ sao về những ý kiến trên?

- BHYT là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau. Nhằm tạo điều kiện cho HS-SV tham gia BHYT, Nhà nước đã hỗ trợ 30% mức đóng.

Hiện nay, ngoài phần hoa hồng 2%, các nhà trường còn được hưởng thêm 7% tiền chi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS-SV tại trường. Số tiền này được dùng để sử dụng vào các khoản, như: mua thuốc, dụng cụ y tế thiết yếu phục vụ sơ cứu, xử lý ban đầu cho HS-SV không may bị ốm đau, tai nạn tại trường học...

Thực tế, công tác sức khỏe ban đầu tại một số trường chưa tốt nên dẫn đến việc phụ huynh và HS-SV không mặn mà tham gia BHYT.

Theo tôi, trong thời gian tới để làm tốt công tác này rất cần sự quan tâm của các ngành: y tế, GD-ĐT, tài chính trong việc sử dụng nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu đã cấp cho các trường học một cách hiệu quả. Ngoài ra, do nhận thức chung về loại hình bảo hiểm sức khỏe còn mang tính thương mại trong hệ thống trường học, từ đó gây ra tâm lý so sánh trong phụ huynh HS-SV và lãnh đạo nhà trường.

Học sinh Trường THPT Lê Qúy Đôn (TP.Biên Hòa) tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên. (ảnh minh họa). Ảnh: Hạnh Dung
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên. (ảnh minh họa). Ảnh: Hạnh Dung

 Thưa ông, có ý kiến cho rằng nên chăng ngành chức năng thực hiện cấp thẻ BHYT trưc, sau đó HS-SV sẽ trả dần theo hình thức 3 tháng, 6 tháng/lần?

- Tôi nghĩ rằng để nâng cao tỷ lệ HS-SV tham gia BHYT, ngoài việc khắc phục những nguyên nhân nêu trên thì rất cần có sự quan tâm chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở của UBND các cấp, các bộ, ngành Trung ương và địa phương về việc thực hiện chính sách này. Cần thiết phải đưa chỉ tiêu tham gia BHYT của HS-SV vào đánh giá thi đua trong tổ chức đảng, chính quyền. Thực tế cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo; ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm nhà trường quyết tâm thực hiện thì nơi đó tỷ lệ tham gia BHYT cao và ngược lại.

Song song đó là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm tài trợ cho những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chưa có khả năng tham gia BHYT.

Mặc khác, HS-SV là đối tượng có trách nhiệm bắt buộc mua BHYT theo quy định của pháp luật, nhưng chưa có biện pháp đảm bảo thi hành trong thực tế khiến đối tượng tham gia còn hạn chế. Nên chăng, cần xem xét đến việc đánh giá hạnh kiểm, kỷ luật của HS-SV nếu không chấp hành Luật BHYT. Riêng việc thu lệ phí cấp thẻ theo hình thức trả dần theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng/lần là giải pháp hay, nhưng nếu áp dụng thì cần có sự phối hợp và ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm trong công tác quản lý đối với từng nhà trường.

 Xin cảm ơn ông!

Trong số 26 trường có tỷ lệ tham gia thấp, phải kể đến Trường trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật số 2 (trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), chỉ đạt 19,3%; kế đến là Trường đại học tài nguyên - môi trường TP.Hồ Chí Minh (cơ sở 2, TP.Biên Hòa) Trường đại học Lạc Hồng 66,2%, Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân 72%...

Kim Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        149,945       670