Bạn đọc

Bao giờ các lò gốm gây ô nhiễm mới di dời?

Mỗi lần các lò nung gốm hoạt động là cả khu dân cư ở tổ 15, 16, 17, 18 thuộc KP.2, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) bị chìm trong khói đen. Khí thải len lỏi vào tận phòng ngủ, phòng ăn... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Một cơ sở sản xuất gốm ở KP.2, phường Tân Vạn đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường.  Ảnh K.Liễu
Một cơ sở sản xuất gốm ở KP.2, phường Tân Vạn đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Ảnh K.Liễu

Vì vậy, khi thấy các lò gốm ồ ạt chở thêm nguyên liệu sản xuất, và có thông tin các cơ sở này được tiếp tục gia hạn hoạt động làm người dân phường Tân Vạn lo lắng.

* Ngán ngẩm vì môi trường ô nhiễm

Trong thời gian qua, cử tri phường Tân Vạn rất quan tâm việc sớm di dời các lò nung gốm ra khỏi khu dân cư. Đây là những lò gốm truyền thống, hoạt động lâu năm. Mỗi lần các lò gốm nung sản phẩm thì khói đen bay cuồn cuộn, len vào nhà dân. Khoảng vài năm trở lại đây thì tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn và vượt quá sức chịu đựng của người dân.

 
Theo Thông báo số 10066/TB-UBND của UBND tỉnh ngày 3-12-2015, đến ngày 30-6 nếu các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở tại Cụm gốm sứ Tân Hạnh sẽ bị buộc chấm dứt đăng ký hoạt động.

Chỉ tay vào ống khói đang nghi ngút bốc lên từ một lò nung ở tổ 18, ông Huỳnh Văn Cơ, một người dân ở địa phương cho hay, cứ cách 2 ngày là chủ cơ sở cho đốt lò nung gốm thì khói, bụi than bay mịt mù. Khói có mùi khét giống như mùi vỏ xe bị đốt, đôi khi lại thoang thoảng mùi hóa chất rất khó chịu. Người dân không ai dám phơi quần áo ngoài sân, vì vật dụng trong nhà cũng bị bụi bám đầy. “Tội nhất là người già và trẻ em, thường xuyên bị viêm hô hấp vì hít phải khói than. Giờ chúng tôi chỉ mong Nhà nước cho di dời các lò gốm ra khỏi khu dân cư đúng thời hạn là tháng 6-2016 như đã hứa với dân” - ông Cơ bức xúc.

Trao đổi về tình trạng ô nhiễm tại khu vực có lò gốm đang hoạt động, ông Phạm Thanh, Bí thư Chi bộ KP.2, khẳng định phản ảnh của bà con về ô nhiễm là chính xác. Ông Thanh chia sẻ: “Cơ quan chức năng hứa sẽ cho di dời các lò gốm đi nơi khác, bà con rất mừng và chờ đợi từng ngày. Giờ nghe thông tin sẽ cho gia hạn nên nhiều người làm đơn khiếu nại. Tôi đã nhiều lần đề nghị bà con chờ đợi đến kỳ hạn mà các lò gốm không di dời thì mới kiến nghị chính quyền địa phương”

* Chờ đến bao giờ?

Gốm sứ Tân Vạn được xem là làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử, nhưng do tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên UBND tỉnh đã quyết định di dời các cơ sở làng nghề này vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh.


Trên địa bàn phường Tân Vạn hiện có 11 doanh nghiệp tư nhân sản xuất gốm sứ và 15 hộ cá thể đang hoạt động. Riêng hộ gia đình làm nghề theo mùa vụ trong dịp tết, hoặc nhận hàng về nhà gia công cũng có khoảng trên 30 hộ.

Được biết, Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ở xã Tân Hạnh có diện tích 54 hécta được quy hoạch tập trung sản xuất gốm trên địa bàn TP.Biên Hòa. Theo chủ trương của tỉnh, đến cuối năm 2013 các doanh nghiệp gốm sứ phải di dời vào cụm công nghiệp này, nhưng do vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng và khảo sát sai nên UBND tỉnh đã gia hạn thời điểm các doanh nghiệp di dời đến cuối năm 2015. Đồng thời giao cho UBND TP.Biên Hòa thúc đẩy các doanh nghiệp hoàn thành tiến độ xây dựng để sớm thực hiện việc di dời vào nơi sản xuất mới.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Lại Thế Thông, cho đến nay có 9 doanh nghiệp gốm sứ cuối cùng của Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh đã được bàn giao đất. Như vậy, hiện tại tất cả 39 cơ sở sản xuất gốm sứ ở thành phố đã được bàn giao đất trên thực địa. Sau khi nhận đất, các doanh nghiệp sẽ tiến hành xây dựng cơ sở sản xuất theo hướng sử dụng gas để nung sản phẩm thì sẽ không còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường. “Tất nhiên, đến thời hạn mà những cơ sở nằm ngoài Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh sẽ phải chấm dứt hoạt động” - ông Thông nhấn mạnh.

Song Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        122,617       33