Bạn đọc

Làm ngơ trước tình trạng xây dựng trái phép?

Báo Đồng Nai số ra ngày 28-5, phản ảnh tình trạng xây dựng trái phép tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) trong thời gian gần đây diễn ra phổ biến. Đáng kể là có những trường hợp trước đây bị lực lượng chức năng cưỡng chế giải tỏa nay lại tiếp tục được xây...

 Những ngôi nhà xây dựng trái phép vẫn đang được thực hiện tại phường Trảng Dài (ảnh chụp ngày 4-6-2016).
Những ngôi nhà xây dựng trái phép vẫn đang được thực hiện tại phường Trảng Dài (ảnh chụp ngày 4-6-2016).

1 tuần sau khi báo đăng tải tình trạng xây dựng trái phép tràn lan ở phường Trảng Dài, phóng viên Báo Đồng Nai trở lại địa phương này vẫn thấy nhiều khu vực ở đây tiếp tục có những công trình bỗng dưng “mọc” lên.

Ông Trần Văn Th. (ngụ KP.4, phường Trảng Dài) cho rằng chính quyền địa phương phản ứng chậm với những trường hợp xây dựng trái phép. Theo ông Th., Báo Đồng Nai phản ảnh đúng thực chất liên quan đến quản lý đất đai, nhà cửa tại phường Trảng Dài. Tình trạng nhà xây không phép diễn ra rất tràn lan tại nhiều khu phố, thậm chí chỉ cần một vài buổi là trên khu đất trống có ngay một nhà xây tạm.

Khi đến khu vực con mương thoát nước ở tổ 11, KP.4, phường Trảng Dài, phóng viên Báo Đồng Nai còn phát hiện ngay tại khu đất bị san phẳng đã “mọc” lên một số trụ điện. Điều này có nghĩa chủ đầu tư đã tính đến phương án mở rộng xây dựng. Khi chụp ảnh khu vực này, phóng viên đã bị 2 người với bộ mặt hung tợn đến hăm dọa, bắt phải xóa hết những ảnh đã chụp, nếu không sẽ bị “ăn đòn”.

Thực tế, để  xây được một căn nhà thì phải có sự chuẩn bị, tập kết vật liệu, xây dựng… với thời gian dài thì chính quyền địa phương không thể nói là không biết. Vấn đề ở chỗ, lãnh đạo địa phương có quyết tâm và sự chỉ đạo gì để ngăn chặn tình trạng này, không dám nói là làm lơ. “Chịu trách nhiệm quản lý địa bàn mà im lặng trước những sai trái thì bản thân tôi thấy rất khó hiểu. Kéo dài thực trạng nhà xây không phép sẽ dẫn đến chỗ phá vỡ quy hoạch chung, chưa kể việc xử lý, giải tỏa rất phức tạp” - ông Th. nói.
Cùng quan điểm như ông Th., bà Nguyễn Thị L. (ngụ KP.3) thắc mắc: “Những người mua đất ở trong các khu vực sâu của phường Trảng Dài xây một căn nhà nhỏ không xin phép để ở phần lớn là công nhân lao động. Nếu như chính quyền địa phương xử lý ngay từ đầu thì sẽ giúp họ chấp hành pháp luật, đồng thời không gây tốn kém tiền bạc khi bị buộc phải tháo dỡ, giải tỏa. Tôi tin là nếu được cán bộ chuyên trách giải thích về những quy định trong xây dựng thì chẳng ai dám liều mạng đem tiền bỏ “trôi sông” khi thực hiện công trình trái phép. Gần nhà tôi có người thân của một cán bộ phường Trảng Dài xây cả 10 phòng trọ cho thuê cũng không phép. Cán bộ phường dung túng cho người nhà xây dựng trái phép thì bảo sao những người dân không dám làm?” - bà L. bức xúc.

Đại diện Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết những trường hợp Báo Đồng Nai nêu về xây dựng ở phường Trảng Dài đều là những trường hợp không được cấp phép. Những vi phạm này thuộc trách nhiệm quản lý của UBND phường Trảng Dài. Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND phường Trảng Dài Trần Mạnh Hùng cho rằng sau khi Báo Đồng Nai phản ảnh liên quan đến xây dựng ở địa phương, phường đã tiến hành kiểm tra, ghi nhận tại những khu vực báo nêu và có báo cáo về UBND TP.Biên Hòa xin ý kiến xử lý. Ông Hùng thừa nhận, đây là những trường hợp đã bị cưỡng chế nhiều năm trước. “Do địa bàn rộng, lực lượng chuyên trách quá ít nên đã để xảy ra những trường hợp vi phạm xây dựng. Chúng tôi đã đề xuất xin thành phố tăng cường thêm 2 tổ trật tự đô thị trong lĩnh vực xây dựng để hỗ trợ phường trong vấn đề xử lý những trường hợp vi phạm xây dựng trong thời gian tới” - ông Trần Mạnh Hùng nói.

Tương tự, ông Võ Văn T., cán bộ lão thành ở KP.5, trăn trở: “Xây dựng trái phép không chỉ phá vỡ quy hoạch, mà còn để lại những hậu quả tai hại rất khó xử lý. Tôi thường xuyên đọc Báo Đồng Nai nên biết có những địa phương để xảy ra tình trạng nhà xây không phép tràn lan nên dẫn đến chỗ không quản lý xuể, nhất là việc mua bán qua nhiều đời nên xử lý kéo dài. Ví dụ như tại phường Hóa An cách đây mấy năm. Tại nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị về tình trạng xây dựng trái phép ở phường Trảng Dài rất phổ biến. Người dân mua được mảnh đất thế nào thì tự xây như thế, cái ngang, cái dọc, cái cao, cái thấp, hình dáng thì đủ kiểu… Tình trạng xây dựng tự phát, mạnh ai nấy làm khiến cho “bức tranh” ở địa phương như chiếc áo rách vá chằng vá đụp, chẳng giống ai. Tất nhiên, khi không tuân thủ quy hoạch chung thì chẳng có hệ thống thoát nước dẫn đến ngập úng cục bộ trong mùa mưa là điều khó tránh khỏi. Chưa hết, mọi nhà đều đào hầm tự hoại sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Tình trạng xây dựng tràn lan mà lãnh đạo địa phương không có biện pháp xử lý mạnh, khác nào như “bắt cóc bỏ dĩa”. Người dân theo đó ỷ lại, lâu dần sẽ xem nhẹ pháp luật. Chưa kể khi bị buộc phải xử lý, phạt, cưỡng chế tháo dỡ lại phải thành lập đoàn với đầy đủ các ban, ngành, đoàn thể, công an… rất mất thời gian, tốn kém tiền bạc của Nhà nước. Tôi cho rằng, trước khi xử lý những trường hợp xây dựng trái phép thì nên xử lý cán bộ phường đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Cán bộ nào không làm tròn nhiệm vụ của mình thì nghỉ việc đi. Chứ cứ để mãi hình ảnh “cụ lý” sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, địa bàn đầy sai phạm mà hàng tháng nhận tiền lương do dân đóng góp là phi lý lắm”.

Có thể nói, việc phá vỡ quy hoạch chung ở phường Trảng Dài đã diễn ra rất phổ biến. Mà đã là phổ biến thì không thể nói chính quyền địa phương không biết, trừ khi ngó lơ cho sai phạm. Xin nhắc lại lời Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng khi trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về việc xây dựng trái phép ở Trảng Dài: “Không thể chấp nhận việc đổ lỗi do địa bàn rộng, dân cư đông mà lơ là trách nhiệm. Vấn đề này thành phố sẽ kiên quyết xử lý và sẽ tính đến giải pháp thay thế nhân sự phường Trảng Dài đối với trường hợp cán bộ không làm hết trách nhiệm. Thành phố đã tăng cường thêm 5 cán bộ về địa bàn để hỗ trợ quản lý đất đai và kiểm tra việc xây dựng tại phường Trảng Dài thì không thể nói là lực lượng chức năng mỏng nên không thể quản lý xuể”.

Ban CTBĐ    

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        122,617       26