Bệnh dại đang có nguy cơ tái phát trở lại sau nhiều năm được kiểm soát. Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, năm 2015 có gần 30 ngàn người bị gia súc, vật nuôi cắn phải đi tiêm phòng vaccine phòng dại, trong đó chủ yếu là chó…
Bệnh dại đang có nguy cơ tái phát trở lại sau nhiều năm được kiểm soát. Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, năm 2015 có gần 30 ngàn người bị gia súc, vật nuôi cắn phải đi tiêm phòng vaccine phòng dại, trong đó chủ yếu là chó…
Chó cảnh cũng cần được tiêm phòng dại. |
Thời điểm này đang là mùa nắng nóng nên nguy cơ truyền bệnh dại ở chó rất cao. Vì vậy, đối với chó thả rông thì khả năng cắn người dễ xảy ra, rất nguy hiểm.
* Mùa nắng nóng chó dễ phát dại
Mỗi ngày Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai tiếp nhận hàng chục trường hợp bị chó cắn đến tiêm phòng dại. Nhận thức cao về nguy cơ bệnh dại, nhiều người bị chó cắn, kể cả chó nhà nuôi nhưng họ vẫn đi tiêm vaccine phòng bệnh.
Chị Đỗ Thị Cẩm Hồng, ngụ phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa), đã phải tiêm cả vaccine dại lẫn huyết thanh dù chó nhà chị đã tiêm phòng dại. Chị Hồng kể, cách đây 3 ngày, trong khi lùi ôtô ra khỏi garage, chồng chị đã cán phải phần sau con chó cảnh nằm ngủ dưới gầm xe. Thấy vậy, chị vội bế con chó lên thì bị nó táp thẳng vào mặt 3 cái gây trầy xước khá sâu. Do vết cắn ở vị trí nguy hiểm nên chị phải tiêm huyết thanh để ngăn chặn sớm nguy cơ virus bệnh dại tấn công lên não. Cũng lo sợ bị truyền bệnh dại, bà Nguyễn Thị Thái (65 tuổi, ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) vội đến trung tâm để tiêm phòng sau khi bị chó cắn ở bắp chân. Theo bà Thái, vào buổi sáng chủ nhật mới đây, khi cùng chồng đi tập thể dục sớm ngang qua một căn nhà vừa lúc chủ nhà mở cổng cho chó ra vệ sinh. “Có lẽ bị nhốt cả đêm nên khi được thả con chó lao ra như tên bắn, nhào ngay vào chân tôi mà ngoạm. Có sẵn chiếc đèn pin trên tay, chồng tôi quất liền mấy cái con chó mới chịu nhả chân tôi ra. Mặc dù chủ nhà nói chó của họ đã tiêm phòng dại, nhưng tôi vẫn phải đi tiêm cho chắc”.
Bị chó dại cắn, người dân đi tiêm phòng dại tại Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai. |
Nhận định về tình hình chó cắn người thời gian gần đây, chị Lê Thị Hương, nhân viên tiêm chủng của Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, cho biết số người đến trung tâm tiêm phòng rất đông. Có ngày lên đến cả trăm người, trong đó có vết thương rất nặng. Chẳng hạn mới đây, một trường hợp bị chó berger cắn kéo phần da đầu từ trán ra đến tận sau gáy; người khác bị chó bull giống ngoại cắn gần nát mặt... Những trường hợp này phải tiêm vaccine dại và huyết thanh khẩn cấp, thậm chí phải nhỏ huyết thanh trực tiếp vào vết thương. Bởi những vết cắn nằm ở vị trí nguy hiểm, nơi tập trung nhiều dây thần kinh, như: đầu, mặt, cổ; đầu ngón tay, ngón chân; bộ phận sinh dục… nên thời gian virus dại tấn công lên não nhanh hơn ở những vị trí khác.
* Khó thực hiện quy định về quản lý chó
Trong 2 năm 2013 và 2014, riêng tại huyện Định Quán đã xảy ra 4 ca tử vong do bị chó dại cắn. Năm 2015, số người trong tỉnh bị chó cắn phải tiêm phòng tăng 88% so với năm 2014. Trong quý I-2016 đã có hơn 3 ngàn người tiêm phòng dại.
Nói về vấn đề quản lý chó nuôi, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), cho biết: “Pháp luật không cấm các hộ nuôi chó. Tuy nhiên, cũng có quy định và trách nhiệm đối với người nuôi chó, như: phải đăng ký với tổ dân phố để được cấp sổ quản lý chó; phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ; nuôi chó trong nhà, không được thả rông; khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm… Mặc dù quy định là vậy, nhưng rất khó thực hiện bởi không phải người dân nào khi nuôi chó cũng có ý thức chấp hành. Ngay cả việc tiêm phòng dại cho chó để bảo vệ chính mình, nhiều gia đình cũng không hợp tác”.
Chó được thả rông, nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: P.LIỄU |
Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, cho biết: “Bệnh dại có thể gây tử vong nếu không được tiêm phòng kịp thời. Vì thế, không để bị chó cắn là cách phòng bệnh tốt nhất. Nếu đã bị cắn, nên rửa nhanh vết thương dưới vòi nước chảy, sau đó đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và tiếp tục theo dõi con chó sau khi cắn có phát dại hay không. Thời gian ủ bệnh sau khi bị chó cắn dài, ngắn khác nhau tùy từng người. Nhưng nên đi tiêm phòng chậm nhất trong vòng 15 ngày. Đối với những vết chó cắn ở vị trí nguy hiểm, cần đi tiêm phòng sớm”. |
Theo ông Quang, tổng đàn chó, mèo toàn tỉnh hiện có khoảng 73,6 ngàn con, trong đó chó chiếm khoảng 75%. Từ nay đến cuối năm 2016, sẽ buộc tiêm phòng bệnh dại cho ít nhất 80% tổng đàn chó nuôi này. Tính trong những tháng đầu năm 2016, đã có 20 ngàn con chó được tiêm phòng. Riêng ở các xã: Gia Canh, Phú Tân, Ngọc Định, Thanh Sơn và thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) là những xã từng có người chết do bệnh dại chó nuôi sẽ được tiêm phòng miễn phí. Công tác tiêm phòng dại nhằm hạn chế mầm bệnh lây lan trong cộng đồng có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe người dân. “Thời tiết nắng nóng sẽ làm tăng nguy cơ chó phát dại và cắn người. Vì thế, người nuôi nên chấp hành những quy định về nuôi chó. Đặc biệt phải đưa chó đi tiêm phòng dại mỗi năm một lần, không thả chó chạy rông. Những trường hợp khi bị chó cắn không nên chủ quan vì có những con chó dù đã được tiêm phòng vẫn có thể lây bệnh dại” - ông Quang khuyến cáo.
Phương Liễu