Bạn đọc

Ga Hố Nai và Trảng Bom sau sự cố sập cầu Ghềnh: Tăng áp lực xếp dỡ hàng

Sau sự cố sập cầu Ghềnh, việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt đang đổ dồn về 2 ga Hố Nai và Trảng Bom. Lượng hàng hóa tập trung về những ga này tăng gấp 3 lần so với công suất khai thác thường ngày.

Bãi đậu, đường giao thông ở 2 ga trên vốn đã chật hẹp. Từ khi được giao thêm trách nhiệm là nơi trung chuyển hàng hóa, tại những khu vực này xe cộ ra vào tăng cao làm cuộc sống người dân xáo trộn.

* Hàng hóa vận chuyển tăng gấp 3 lần      

Trong thời gian chờ thi công cầu Ghềnh mới để thông tuyến tàu sắt Bắc - Nam, Ga Hố Nai đảm trách việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa rời; còn Ga Trảng Bom là điểm bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa đóng container. Trước đây, 2 ga này cũng là điểm giải tỏa hàng hóa, nhưng chỉ với công suất khoảng 1.500 tấn hàng mỗi ngày. Nay, lượng hàng hóa tập trung về đây tăng gấp 3 lần.

Nhân viên đường sắt đang thi công mở thêm đường dừng tàu ở Ga Hố Nai.
Nhân viên đường sắt đang thi công mở thêm đường dừng tàu ở Ga Hố Nai.

Ông Trần Văn Hạnh, Trưởng Ga Hố Nai, cho biết nhà ga có 3 đường dừng tàu, trong đó 1 đường dành cho tàu xếp dỡ hàng hóa. Thực tế, Ga Hố Nai chỉ đáp ứng nhu cầu xếp dỡ hàng hóa của 2 đôi tàu với khoảng 1.400 tấn hàng hóa/ngày, nhưng hiện nay công suất bốc dỡ hàng hóa tương đương với 7 đôi tàu, nghĩa là khoảng 5 ngàn tấn mỗi ngày. Việc xếp dỡ hàng hóa càng khó khăn hơn do điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, tiến độ xếp dỡ hàng vì thế cũng chậm hơn. Vì vậy, với một toa hàng phải mất khoảng 4 giờ đồng hồ mới hoàn thành việc xếp dỡ.

Tương tự, Ga Trảng Bom chỉ có 2 đường tàu, trong đó 1 đường dành cho tàu hàng. Hiện mỗi ngày ở ga này chỉ có 1 chuyến đến và 1 chuyến đi với  khoảng 30-45 container. Điều đáng nói là khuôn viên của Ga Trảng Bom nhỏ, thiếu bãi chờ, bãi đậu xe, thậm chí cả đường giao thông trong phạm vi nhà ga cũng rất hẹp. Do đó, mỗi khi tàu hàng đến đều có hàng chục xe đầu kéo phải xếp hàng chờ đợi xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa.

Hiện nay, việc nâng cấp khuôn viên 2 ga Hố Nai và Trảng Bom đang được khẩn trương thi công, trong đó ưu tiên việc mở thêm đường dừng tàu, làm thêm nhà kho, xây dựng đường cho xe tải một chiều vào, ra; đồng thời giảm áp lực chờ đợi, đẩy nhanh tiến độ giải tỏa hàng. Dự kiến đến cuối tháng 4 này, một số công trình ở 2 ga trên hoàn tất.

* Nguy cơ mất an toàn giao thông

Đường Điểu Xiển, con đường chính dẫn vào Ga Hố Nai vốn đã bị hư hỏng nặng và mới chỉ được san lấp tạm thời phục vụ việc vận chuyển hàng vào ra. Những khi có đoàn xe tải hàng chục chiếc nhích từng mét để vào ga xếp dỡ hàng thì tình trạng ùn tắc xảy ra gây khó khăn cho việc đi lại của các phương tiện.

Ông Đặng Văn Hữu, Trạm phó Trạm Vận tải đường sắt Biên Hòa, cho biết: “Khối lượng hàng hóa tập trung về Ga Hố Nai lớn hơn rất nhiều, nên ở đây có tới 3 đơn vị vận tải phối hợp, tăng cường điều hành. Vài ngày nữa tuyến đường mới mở trong ga hoàn chỉnh, xe vào và ra một chiều thì tình hình trật tự giao thông ở ga sẽ bớt phức tạp hơn. Hiện lực lượng bảo vệ và nhân viên ga điều phối lượng xe ngay từ ngoài đường, trước khi xe vào ga để tránh bị dồn ứ quá nhiều trong khuôn viên chật hẹp. Chúng tôi cũng yêu cầu công nhân xếp dỡ làm việc tăng năng suất để tàu đến là lên hàng và xuống hàng một cách nhanh chóng”.

Khu vực Ga Hố Nai là nơi dân cư sinh sống đông đúc với nghề làm mộc. Vì thế, các đường hẻm dân sinh thường xuyên có xe tải nặng chở gỗ cho các cơ sở mộc giờ đây cũng bị “vạ lây” bởi xe tải xuất hiện khá nhiều khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tại những khu vực này có thể gia tăng. Nhận định về những phát sinh trong cuộc sống hàng ngày, bà Đặng Kim Nguyên, ngụ ở KP.3, nhà gần Ga Hố Nai, cho rằng thời gian gần đây bà con không thể yên ổn bởi xe tải vào ra suốt ngày đêm. Bà Nguyên cho biết: “Việc đi lại của người dân ở khu vực này bây giờ rất nguy hiểm, nhất là vào giờ cao điểm khi công nhân, học sinh đi trên đường đông đúc, nếu gặp đúng lúc tàu hàng về thì ùn tắc kéo dài hàng giờ”. Tương tự, ông Đỗ Văn Nghiêm cũng ở khu vực này, cho rằng nhiều phương tiện tập trung trong ga cùng lúc đã gây bất tiện cho các phương tiện đi ra khi phải tìm cách quay đầu xe. “Xe tải chở hàng cồng kềnh nên người đi bộ, đi xe máy phải dạt ra tránh hoặc len lỏi trong dòng xe tải ở bãi đậu chật chội” - ông Nghiêm nói.

Cần cẩu đang bốc dỡ container từ xe đầu kéo lên toa tàu ở Ga Trảng Bom.  Ảnh: P.LIỄU
Cần cẩu đang bốc dỡ container từ xe đầu kéo lên toa tàu ở Ga Trảng Bom. Ảnh: P.LIỄU

Một số người dân ngụ gần 2 ga Hố Nai và Trảng Bom mà chúng tôi đã gặp đều than phiền vì tình trạng quá tải của các ga, gây nên những phiền toái trong cuộc sống. Ông Trần Lý Sinh, ngụ ấp Quảng Phát, xã Quảng Tiến (huyện Trảng  Bom) bức xúc: “Từ khi các tàu hàng dừng ở Ga Trảng Bom thì xe đầu kéo di chuyển qua đây rất nhiều. Những phương tiện này chạy ầm ầm cả đêm nên nhiều người bỗng dưng bị bệnh… mất ngủ. Chưa hết, khi ra đường mà gặp đoàn xe đầu kéo ai cũng lo lắng bởi rất dễ xảy ra tai nạn”.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,239       1,234