Bạn đọc

Lưu giữ cầu Ghềnh cho mai sau

Sự cố xà lan ủi sập cầu Ghềnh hơn 100 tuổi đã gây bao tiếc nuối cho nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là những người lớn tuổi đã gắn bó đời mình ở thành phố này. Chính vì vậy, khi nghe tin lãnh đạo tỉnh đề xuất Bộ Giao thông - vận tải cho lưu giữ nhịp cầu Ghềnh, nhiều ý kiến đã đồng tình ủng hộ...

Một nhịp cầu Ghềnh còn nguyên vẹn được đưa xuống xà lan chiều 2-4-2016. Ảnh: Khắc Giới
Một nhịp cầu Ghềnh còn nguyên vẹn được đưa xuống xà lan chiều 2-4-2016. Ảnh: Khắc Giới

* Ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai: Lưu giữ nhịp cầu Ghềnh để giữ gìn giá trị văn hóa lịch sử

Sự cố cầu Ghềnh sập đối với người dân trong tỉnh nói chung và Biên Hòa nói riêng là một sự nuối tiếc khôn nguôi. Hình ảnh cây cầu từ lâu đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong lòng của người dân và là một biểu tượng đẹp về kiến trúc lại vừa mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa tinh thần. Theo tôi, có thể xem cây cầu hơn trăm tuổi này là một cổ vật của Đồng Nai. Theo những tư liệu lưu lại thì cầu Ghềnh được khởi công xây dựng khoảng những năm 1900, cùng thời điểm với di tích nhà cổ Trần Ngọc Du ở phường Tân Vạn. Hiện ngôi nhà cổ trên đã được xếp hạng di tích và được một tổ chức Nhật Bản tài trợ bảo tồn. Riêng 2 nhịp còn lại của cầu Ghềnh cũng phải gỡ bỏ để xây cầu Ghềnh mới nên những người sống lâu năm ở đất Biên Hòa đều ngậm ngùi. Là người làm công tác bảo tàng, tôi thấy việc lưu giữ những gì còn lại của công trình cổ này cho mai sau là việc làm hết sức ý nghĩa và cần thiết.

 

* Ông Nguyễn Hồng Phước, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa: Dù không còn nguyên vẹn nhưng cầu Ghềnh là công trình ý nghĩa cần giữ lại

Tôi tán thành ý kiến của UBND tỉnh về việc giữ lại 2 nhịp cầu Ghềnh để đưa vào bảo tàng hoặc Khu du lịch Bửu Long hay Văn miếu Trấn Biên phục dựng làm lưu niệm. Nếu trong điều kiện cho phép, tôi nghĩ các cơ quan chức năng xem xét thực hiện lưu giữ cầu Ghềnh là hợp lý nhất vì nó phù hợp với nguyện vọng của người dân. Có thể việc vận chuyển 2 nhịp cầu Ghềnh đến nơi lưu giữ sẽ gặp nhiều khó khăn, phát sinh thêm chi phí, thậm chí khó khăn khi di chuyển. Tuy nhiên, những điều đó sẽ không lớn nếu so với giá trị về văn hóa tinh thần mà việc lưu giữ chiếc cầu mang lại. Tôi nghĩ rằng, một khi 2 nhịp cầu Ghềnh được đặt ở một nơi phù hợp thì cây cầu vẫn sẽ là một thắng cảnh đẹp, thu hút được khách tham quan.

* Ông Lâm Văn Quý, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa: Bỏ hoàn toàn cầu Ghềnh thì tiếc lắm

Hình ảnh cầu Ghềnh gắn liền với đời sống tinh thần của người dân vùng đất Biên Hòa bao đời nay rồi. Do đó, nếu còn lưu giữ được phần nào của chiếc cầu thì quá tốt. Tôi cũng như nhiều người lớn tuổi đã sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa luôn xem cầu Ghềnh là biểu tượng văn hóa đã hiện diện hơn một thế kỷ qua ở vùng đất này. Chiếc cầu lưu dấu biết bao kỷ niệm không chỉ của người dân trong vùng mà với cả những người đã từng một lần đi qua đây hay đứng ngắm nhìn những chuyến tàu qua lại. Từng con ốc, cây sắt trên cầu đều có tuổi thọ hơn trăm tuổi mà trở thành sắt vụn hết thì tiếc lắm. Nghĩ đến việc nay mai cầu Ghềnh chỉ còn lại là những hình chụp hoặc phim tư liệu, tôi thấy rất xót. Từ khi cầu Ghềnh sập, ngày nào tôi và những người dân ở cù lao Hiệp Hòa cũng ra đầu cầu để xem đơn vị thi công làm việc mà buồn đến nao lòng. Chỉ cần cầu Ghềnh được lưu giữ lại, dù không nguyên vẹn như xưa tôi cũng thấy mãn nguyện.  

 Kim Liễu (ghi)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,239       2,252