Bạn đọc

Tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi tàu

Vì sự cố sập cầu Ghềnh, Ga Biên Hòa trở thành ga đầu và ga cuối các tuyến tàu lửa Bắc - Nam. Đây là nhiệm vụ vượt quá năng lực của Ga Biên Hòa. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ ngành đường sắt và địa phương, Ga Biên Hòa đang dần đi vào ổn định, không xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Các hành khách trên chuyến tàu SE7 đến Ga Biên Hòa di chuyển ra xe trung chuyển miễn phí về TP.Hồ Chí Minh chiều 21-3.
Các hành khách trên chuyến tàu SE7 đến Ga Biên Hòa di chuyển ra xe trung chuyển miễn phí về TP.Hồ Chí Minh chiều 21-3.

15 giờ 25 ngày 21-3, đoàn tàu SE7 với 280 hành khách vào Ga Biên Hòa. Rất nhanh, các nhân viên ngành đường sắt hướng dẫn, hỗ trợ hành khách đem hành lý ra cửa. Bên ngoài, lực lượng quân đội, công an nhanh chóng hướng dẫn hành khách lên xe. Việc ổn định hành khách và tránh thất lạc hành lý đã được lực lượng chức năng tổ chức rất chu đáo.

Vì sự an toàn, thuận lợi cho hành khách

Chị Lê Thị Hiền, một hành khách được xe trung chuyển từ TP.Hồ Chí Minh về Ga Biên Hòa để lên tàu đi Quảng Ngãi, cho biết dù hơi mệt do phải di chuyển bằng xe khách nhưng với sự hỗ trợ nhiệt tình của các nhân viên của các điểm ga nên hành khách ai cũng thông cảm và chia sẻ những khó khăn chung với ngành đường sắt sau sự cố trên. Còn bà Tăng Thị Công, một hành khách từ Ga Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vào TP.Hồ Chí Minh, cho biết khi lên tàu tất cả hành khách được nhân viên của tàu thông báo về sự cố cầu Ghềnh bị sập nên điểm dừng cuối sẽ là Ga Biên Hòa, hành khách được hỗ trợ miễn phí xe trung chuyển về TP.Hồ Chí Minh, nên bà cũng yên tâm, không lo lắng nhiều. Cũng trong chuyến tàu SE7 vào Ga Biên Hòa lúc 15 giờ 25, một hành khách lớn tuổi bị tăng huyết áp, khi xuống tàu đã được nhân viên Ga Biên Hòa đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Theo Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn Hồ Thị Lâm,  nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi lưu thông cũng như tránh tình trạng ách tắc giao thông trên tuyến đường vào Ga Biên Hòa, Ban giám hiệu đã chủ động liên hệ với Ga Biên Hòa về lịch trình đón trả hành khách, qua đó bố trí giờ học sinh ra về cho phù hợp. Nhà trường cũng tăng cường thêm giám thị để hỗ trợ học sinh trong giờ đến trường và ra về. Đối với những học sinh được đưa đón bằng xe đưa rước, các điểm đón được quy định những điểm cố định tại đầu đường Hưng Đạo Vương. Riêng với phụ huynh đưa đón, nhà trường đề nghị di chuyển bằng cổng phụ hướng ra đường Võ Thị Sáu.

Trong ngày 21-3 tới 6 giờ 15 sáng ngày 22-3 sẽ có 18 chuyến tàu về Ga Biên Hòa với khoảng 3 ngàn hành khách, phần lớn vào thời điểm đêm khuya và sáng sớm. Số xe khách cần để trung chuyển hành khách mỗi chuyến tàu từ 7-10 xe loại 45 chỗ. Theo bà Phạm Thị Thanh Hòa, Giám đốc Trung tâm kinh doanh vận tải đường sắt Biên Hòa, tổng số xe được huy động khoảng 65 xe khách loại 45 chỗ để chở hành khách từ Biên Hòa về TP.Hồ Chí Minh và 27 xe đưa khách theo chiều ngược lại. Trong 2 ngày 20 và 21-3 đã có khoảng 92 lượt chuyến trung chuyển hành khách đi và về Ga Biên Hòa. Do tình hình trung chuyển, mỗi chuyến tàu được phép khởi hành chậm khoảng 30 phút để chờ và đón vét hết số hành khách đến trễ.

Hiện nay, Ga Biên Hòa có 3 đường tàu, để tận dụng những đường tàu này cho việc tăng cường các chuyến Bắc - Nam, nên ngành đường sắt đã cho tạm dừng các chuyến Sài Gòn - Nha Trang để ưu tiên đường tàu cho 3 đoàn tàu chạy tuyến  Bắc - Nam.

Giữ đường thông, hè thoáng

14 giờ ngày 21-3, chúng tôi có mặt tại đường Hưng Đạo Vương. Tại đây, nhân viên Điện lực Biên Hòa đang làm nhiệm vụ bó các đường dây điện, dây cáp viễn thông cho gọn và nâng lên cao để các phương tiện có thể đi lại dễ dàng. Nhân viên Công ty dịch vụ môi trường và đô thị Đồng Nai cũng cắt tỉa nhánh cây 2 bên đường để đường phố thông thoáng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng tổ chức cắm lại biển báo hướng dẫn trên con đường vào ga. Lực lượng công an, quân đội cũng được tăng cường tối đa để điều tiết giao thông, đảm bảo trật tự an ninh khu vực, tránh tình trạng hành khách bị cướp giật, mất cắp hành lý, hàng hóa. Những xe đón hành khách được lực lượng chức năng sắp xếp hợp lý,  tránh tình trạng kẹt xe trước khu vực của Ga Biên Hòa cũng như đường vào ga.

Hành khách 77 tuổi đi từ ga Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vào  TP.Hồ Chí Minh, bị tăng huyết áp được các nhân viên nhà ga và lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ đưa ra xe cấp cứu.
Hành khách 77 tuổi đi từ ga Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vào TP.Hồ Chí Minh, bị tăng huyết áp được các nhân viên nhà ga và lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ đưa ra xe cấp cứu.

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết việc khắc phục sự cố cầu Ghềnh còn kéo dài, do đó Biên Hòa tập trung lực lượng của nhiều ngành hỗ trợ việc trung chuyển, bảo đảm an ninh trật tự, tổ chức cắm bảng dừng, đậu xe để tránh ùn tắc giao thông. Đồng thời địa phương  cùng với ngành giao thông - vận tải hỗ trợ huy động xe và điều hành giao thông. Ngoài ra, Biên Hòa cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh đi khảo sát địa điểm các ga trên địa phận Biên Hòa, trong đó ngoài ga Biên Hòa là ga trả - nhận và trung chuyển hành khách, còn có ga Hố Nai sẽ là nơi tàu dừng để trả - nhận hàng hóa. Cũng theo ông Dũng, trong 2 ngày qua mặc dù xảy ra tình huống đột xuất, lượng hành khách đến và đi khá đông nhưng không xảy ra tình trạng trộm cắp, gây mất an ninh trật tự hay những sự cố đáng tiếc nào.

Sớm sửa đường Điểu Xiển phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa

Theo Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng, để thuận lợi cho việc đi lại cũng như các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Ga Hố Nai về Biên Hòa cũng như về TP.Hồ Chí Minh, sắp tới UBND TP.Biên Hòa sẽ cùng với Sở Giao thông - vận tải tiến hành nâng cấp đường Điểu Xiển nối từ cầu Sập (TP.Biên Hòa) ra quốc lộ 1 (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đã bị hư hỏng nặng từ nhiều năm nay. Theo quy hoạch, đường Điểu Xiển dài 5,2km sẽ được mở rộng mặt đường ra 11m với tổng kinh phí đầu tư  khoảng 80 tỷ đồng.        

Phương Uyên       

Phương Liễu - Văn Chính

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,239       2,135