Bạn đọc

Sử dụng điện không an toàn

Gần 300 hộ dân với khoảng 1 ngàn nhân khẩu tại tổ 39B, KP.11, phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) đang từng ngày khắc khoải chờ đợi được sử dụng điện an toàn...

Mạng lưới đường dây điện ở tổ 39B, KP.11, phường Tân Phong hiện nay. Ảnh: N.LIÊN
Mạng lưới đường dây điện ở tổ 39B, KP.11, phường Tân Phong hiện nay. Ảnh: N.LIÊN

Thời gian qua, để có điện sinh hoạt, các hộ dân này phải lén câu móc từ những khu vực xung quanh, dẫn đến tình trạng đường điện không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến lưới điện chung.

* Câu móc điện... chui

Tổ 39B, KP.11, phường Tân Phong là một trong những địa bàn giáp ranh với tổ 39, 39C, sân bay Biên Hòa và xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Các hộ gia đình nơi đây có nhà nằm xen lẫn trong khu vực vườn tràm.

Khu vực trên hiện vẫn còn là đất do Bộ Quốc phòng quản lý. Do đó, dù nhiều hộ dân đã sinh sống ở đây từ năm 1980 nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận quyền sử dụng đất, cũng như cấp hộ khẩu chính thức. Tất cả các vấn đề dân sinh, như: điện, nước đều mạnh ai nấy lo. Để có điện sử dụng, các hộ dân tổ 39B phải xin được câu móc từ nhiều nguồn khác nhau. Một đồng hồ điện sinh hoạt bình thường ở đây phải “cõng” điện phục vụ cho khoảng 30-50 hộ sử dụng, thậm chí có đồng hồ phải gánh tới 70-80 hộ sử dụng chung. Tình trạng sử dụng điện không an toàn này đã kéo dài nhiều năm nay. Dù ngành điện đã phát hiện và xử lý vi phạm nhiều lần, nhưng mọi chuyện đâu lại vào đó vì người dân chấp nhận… bị phạt để có điện sử dụng.

Theo ông Hoàng Trọng Ninh, Giám đốc Điện lực Biên Hòa, ngành điện đã nhiều lần kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử phạt các trường hợp câu móc điện tại tổ 39B, KP.11. Tuy nhiên, sau khi xử lý hoặc cắt đường điện vi phạm thì người dân tiếp tục tìm mọi cách để câu móc điện từ chỗ khác. Tình trạng sử dụng điện không an toàn như tại tổ 39B, KP.11 ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng cho người dân còn ảnh hưởng đến chất lượng lưới điện của cả đường dây cung cấp điện chung, và có thể dẫn đến mất điện cục bộ do cháy cầu dao, điện chập chờn vì quá tải, tai nạn điện…

Đến tổ 39B, ngoài con đường đất bụi mù mỗi khi xe cộ chạy qua, còn có hình ảnh đường dây điện như “mạng nhện” được treo, gá đỡ trên các trụ cột do người dân tự làm. Có lẽ vì dựng tạm nên đến nay nhiều trụ điện nghiêng ngả, không bảo đảm an toàn. Điều này dẫn đến nguồn điện sử dụng luôn kém chất lượng, bóng đèn thắp sáng nhiều lúc chập chờn. Tình trạng người dân trắng đêm canh bơm nước từ giếng lên đã trở nên quá quen thuộc với nơi này. Ông Lê Hữu, một hộ dân sống tại tổ 39B, cho biết điện yếu cả ngày lẫn đêm. Nhất là vào những giờ cao điểm thì gần như mỗi nhà chỉ thắp duy nhất 1 bóng đèn compact để có ánh sáng sinh hoạt. Giá điện ở khu vực này cũng cao ngất ngưởng, từ 3,5-8 ngàn đồng/kWh.

Anh Trịnh Văn, một hộ dân đang dùng điện chung với 70 hộ trên một đồng hồ được kéo từ một đơn vị gần đó, than: “Mỗi tháng gia đình tôi phải trả khoảng 1,3 triệu đồng tiền điện cho các thiết bị sử dụng trong nhà. Hàng tháng tôi còn phải thường xuyên đem đồ điện trong nhà đi sửa vì bị hư do điện không ổn định”.

* Nguy hiểm rình rập

Có thể nói, vì sử dụng điện câu móc “chui” nên mọi việc từ kéo điện đến sửa chữa điện đều do người dân tự làm. Tình trạng điện bị hư phổ biến nhất là bị đứt dây, chập cháy điện. Đã có khá nhiều trường hợp bị tai nạn té ngã do trèo cao để sửa chữa đường điện.

 Một trụ điện được người dân câu móc đường dây chằng chịt.
Một trụ điện được người dân câu móc đường dây chằng chịt.

Ông Vũ Văn Cách, Tổ trưởng tổ 39B, KP.11, là người rất tích cực trong việc làm đơn kiến nghị xin được kéo đường điện về cho dân nhiều năm nay, cho rằng mơ ước lớn nhất của người dân trong tổ chính là có điện sinh hoạt an toàn. “Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền, đề nghị Nhà nước đầu tư đường điện chính thức cho người dân được nhờ. Chúng tôi cam kết tự đóng góp tiền để xây dựng đường điện. Nếu sau này Nhà nước có quy hoạch, thu hồi lại thì chúng tôi sẵn sàng chấp hành mà không đòi hỏi gì”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Xuân Nam, Phó chủ tịch UBND phường Tân Phong, cho biết tổ 39B có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc Trung đoàn Tăng - thiết giáp 26 quản lý và hiện chưa bàn giao cho địa phương. Phường cũng đã báo cáo nhu cầu và thực trạng sử dụng điện lâu nay của người dân ở tổ 39B lên thành phố. UBND TP.Biên Hòa đã có văn bản trình UBND tỉnh để xin chủ trương cấp đường điện chính thức cho người dân. Nếu sớm được giải quyết thì một số khu vực của phường sẽ có điện lưới quốc gia. Từ đây sẽ tránh được những rủi ro rất dễ xảy ra khi người dân tự ý câu móc, sửa chữa điện.

Ngọc Liên
 



 

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,244       1,937