Xã hội

Bài 1: Sôi động y tế tư nhân

Đồng Nai hiện có hơn 3 ngàn cơ sở y tế tư nhân, trong đó có 1 bệnh viện công - tư, 5 bệnh viện tư nhân, 41 phòng khám đa khoa tư nhân.

Đồng Nai hiện là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển xã hội hóa y tế nhanh và hiệu quả với nhiều loại hình hoạt động đa dạng, phong phú. Việc xã hội hóa trên lĩnh vực y tế phát triển nhanh có nhiều mặt tích cực nhưng cũng còn có những mặt hạn chế cần được quan tâm chấn chỉnh, tháo gỡ trong thời gian tới.

Bài 1: Sôi động y tế tư nhân

Hệ thống y tế này có 1.360 giường bệnh nội trú, chiếm 18% tổng số giường bệnh nội trú toàn tỉnh, đạt 4,6 giường bệnh tư nhân/vạn dân đã làm cho thị trường chăm sóc sức khỏe ở Đồng Nai thêm sôi động và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tư tăng cao nhờ chính sách thông bảo hiểm y tế tuyến huyện. Trong ảnh: Bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện ITO Sài Gòn - Đồng Nai. Ảnh: Đ.Ngọc
Số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tư tăng cao nhờ chính sách thông bảo hiểm y tế tuyến huyện. Trong ảnh: Bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện ITO Sài Gòn - Đồng Nai. Ảnh: Đ.Ngọc

Trước đây, khi tuyến huyện chưa được thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT), khá nhiều bệnh viện và phòng khám đa khoa tư nhân còn vắng bóng bệnh nhân. Nhưng từ tháng 1-2016, khi chính sách thông tuyến BHYT ở tuyến huyện có hiệu lực đã mở “nút thắt” rất lớn cho các bệnh viện tư và phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn hoạt động. Số người đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân ngày càng tăng cao, với mức tăng từ 20-30%. 

* Phong cách phục vụ chuyên nghiệp

Rất nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT ban đầu tại các bệnh viện tuyến tỉnh đã lựa chọn đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tư, phòng khám đa khoa tư nhân vì phong cách phục vụ khá chuyên nghiệp, bệnh nhân được hướng dẫn, chăm sóc, tư vấn rất tận tình và điều quan trọng là vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT. Bà Trần Thị Nhi (ở KP.1, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết thay vì phải đi 4-5km để đến khám ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - nơi bà đăng ký thẻ ban đầu, thì chỉ cần đi vài chục mét là đến Bệnh viện ITO Sài Gòn - Đồng Nai để khám, đỡ phải đi xa, không phải chờ đợi lâu. “Mức thanh toán tiền, hưởng BHYT cũng như nhau nên chỗ nào thuận tiện, nhanh chóng và tận tình hơn thì tôi lựa chọn” - bà Nhi bộc bạch.

 Vốn xã hội hóa y tế hơn 3 ngàn tỷ đồng

Tổng nguồn vốn huy động xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế tại Đồng Nai đến thời điểm này ước khoảng trên 3 ngàn tỷ đồng, qua đó đã giúp giảm chi phí từ ngân sách đầu tư cho y tế. Mỗi năm có trên 1 triệu lượt người khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, chiếm gần 20% số lượt người khám, chữa bệnh toàn tỉnh, góp phần giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện công lập.

Có thể nói, một trong những thế mạnh lớn nhất của các cơ sở y tế tư nhân so với bệnh viện công chính là đã xây dựng được một phong cách phục vụ chuyên nghiệp, luôn coi bệnh nhân là khách hàng và tạo được sự hài lòng của bệnh nhân. Ông Lê Văn Phú, Phó giám đốc quản trị Bệnh viện quốc tế Đồng Nai, chia sẻ: “Ngay từ khi đi vào hoạt động, chúng tôi đã xác định phải xây dựng được chất lượng dịch vụ tốt nhất mới thu hút được bệnh nhân. Nhờ làm tốt khâu dịch vụ, với hệ thống chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp và đưa ra nhiều gói dịch vụ tiện ích nên qua hơn 3 năm đi vào hoạt động, ngày càng có đông bệnh nhân tin tưởng đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện”. 

Các bệnh viện tư đã xây dựng được một phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Trong ảnh: Nhân viên chăm sóc khách hàng Bệnh viện quốc tế Đồng Nai giúp bệnh nhân di chuyển lên xe về nhà. Ảnh: Văn Chính
Các bệnh viện tư đã xây dựng được một phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Trong ảnh: Nhân viên chăm sóc khách hàng Bệnh viện quốc tế Đồng Nai giúp bệnh nhân di chuyển lên xe về nhà. Ảnh: Văn Chính

Ngoài ra, các bệnh viện tư trên địa bàn còn được đầu tư xây dựng với quy mô hiện đại, chuyên khoa sâu, tạo thế mạnh riêng, như: Bệnh viện ITO Sài Gòn - Đồng Nai tập trung cho chấn thương chỉnh hình; Bệnh viện quốc tế Đồng Nai với thế mạnh là sản khoa, ngoại khoa; Bệnh viện phụ sản Âu Cơ tập trung cho sản nhi, sơ sinh và hiếm muộn... Sắp tới, Bệnh viện ShingMark có quy mô 500 giường bệnh đi vào hoạt động ở giai đoạn 1 (giai đoạn 2 đến năm 2020 là 1,5 ngàn giường bệnh) với mục tiêu mang lại chất lượng tốt và chi phí rẻ, sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn không chỉ đối với bệnh viện tư mà cả bệnh viện công trong tỉnh.

* Hoạt động chưa hết công suất

Mặc dù trong năm 2016, số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và phòng khám đa khoa tư nhân có tăng nhưng thực tế vẫn còn thấp hơn so với công suất của các bệnh viện. Cụ thể, Bệnh viện ITO Sài Gòn - Đồng Nai mới đạt 60% công suất ngoại trú và khoảng 50% công suất nội trú; Bệnh viện quốc tế Đồng Nai mới đạt 60% công suất ngoại trú và 30-35% công suất nội trú... Các bệnh viện tư đầu tư lớn, chi phí vận hành rất cao nên vẫn đang trong tình trạng bù lỗ.

Bên cạnh sự phát triển nhanh về số lượng của các bệnh viện tư, việc nở rộ các phòng khám đa khoa tư nhân cũng đang tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ trong hoạt động y tế tại Đồng Nai.  Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 32 phòng khám đa khoa tư nhân thì đến nay đã có 41 phòng khám và con số này dự kiến còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Một trong những nguyên nhân chính là hiện nay mức giá dịch vụ y tế của bệnh viện và phòng khám đa khoa tư nhân cao hơn so với bệnh viện công do giá dịch vụ y tế của bệnh viện công đang áp dụng chưa tính đầy đủ chi phí và được Nhà nước hỗ trợ một phần. Trong khi đó, để trang trải chi phí hoạt động và thu hồi vốn đầu tư, bệnh viện tư nhân phải áp dụng mức giá dịch vụ cao hơn, nhưng giá dịch vụ khám, chữa bệnh do BHYT thanh toán cho bệnh viện tư cùng mức với bệnh viện công. Như vậy, người có thẻ BHYT phải đóng thêm chi phí nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tư và người không có thẻ BHYT phải trả phí khám chữa bệnh cao hơn khi khám chữa bệnh tại bệnh viện tư.

Ngoài ra, đa số các bệnh viện tư, phòng khám đa khoa tư nhân còn khó khăn về nhân lực, số cán bộ y tế cơ hữu còn thấp, phải hợp đồng theo giờ với nhiều bác sĩ làm việc tại bệnh viện công. Đội ngũ cán bộ y tế làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân không ổn định và khó thu hút cán bộ có trình độ cao, chuyên môn giỏi. Từ thực tế trên, phần lớn các cơ sở y tế tư nhân chủ yếu thực hiện các kỹ thuật khám, chữa bệnh thông thường, chất lượng chuyên môn ở mức trung bình khá. “Hầu hết bệnh nhân nặng, phức tạp vẫn phải chuyển vào bệnh viện công” - lãnh đạo của một bệnh viện tư ở TP.Biên Hòa thừa nhận.

Thực tế, qua công tác thanh tra, kiểm tra của ngành y tế cho thấy một số cơ sở y tế tư nhân chưa bảo đảm thường xuyên đội ngũ cán bộ y tế theo đăng ký. Trong hoạt động còn có biểu hiện chạy theo lợi nhuận nên không thực hiện đúng quy định, hành nghề vượt phạm vi cho phép, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh... Đây là những vấn đề ngành y tế tiếp tục quan tâm để có giải pháp chấn chỉnh trong thời gian tới.

Đặng Ngọc

Bài 2: Xã hội hóa ở bệnh viện công

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,562,274       973