Xã hội

"Chạy đua" với kỳ thi THPT quốc gia

Từ khi Bộ GD-ĐT công bố chính thức phương án thi THPT quốc gia năm 2017 cho đến lúc kỳ thi diễn ra, thầy trò khối 12 trong cả nước chỉ còn hơn 8 tháng để thay đổi cách dạy - học sao cho phù hợp...

i hình thức thi mới.

Học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) trong giờ học môn Toán. Ảnh: H.Dung
Học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) trong giờ học môn Toán. Ảnh: H.Dung

Từ bức xúc, lúng túng vì phương án thi thay đổi quá đột ngột, đến nay các trường THPT trong tỉnh, đặc biệt là thầy trò khối 12, đang cố gắng tìm mọi cách để thích ứng.

* “Vắt chân lên cổ”

Đến nay, Ban giám hiệu nhiều trường THPT đã tiến hành triển khai phương án thi tới tất cả các giáo viên, học sinh trong trường. Nhiều tổ chuyên môn cũng đã bắt tay vào việc thay đổi nội dung, phương pháp dạy, xây dựng ngân hàng đề thi, kiểm tra.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết sau khi có hướng dẫn chính thức của Bộ
GD-ĐT, Sở sẽ tiến hành họp để triển khai tới các trường THPT trong tỉnh về công tác khảo thí để các trường chủ động thực hiện dạy và học sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.

Thầy Trần Duy Diễn, Tổ trưởng Tổ Toán Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa), cho hay: “Cả 9 giáo viên trong tổ đang xây dựng ngân hàng đề thi theo hình thức thi trắc nghiệm để dạy cho không chỉ học sinh khối 12 mà cả học sinh khối 10, 11 để các em quen dần với kiểu thi này. Trước đây, thi theo phương pháp tự luận, đề sẽ ra tập trung vào một số phần kiến thức trọng tâm trong chương trình, còn một số nội dung khác giáo viên có thể dạy lướt qua. Nay thi trắc nghiệm kiến thức sẽ bao quát hơn nên cả thầy và trò đều phải dạy, học cẩn thận, không dám bỏ qua nội dung nào”. Theo thầy Diễn, khâu xây dựng ngân hàng đề thi sẽ là khâu vất vả nhất với giáo viên. Các giáo viên trong tổ đều phải chú tâm thực hiện ngay từ bây giờ.

Em Nguyễn Hoàng An (lớp 12A7 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, huyện Long Thành) cùng nhiều học sinh khối 12 của trường có lịch học dày hơn sau khi phương án thi được công bố. Những dự định về việc chọn môn thi tự chọn như kỳ thi năm vừa rồi đã phải thay thế bằng việc phải học tất cả các môn. “Buổi sáng chúng em học chính khóa, buổi chiều học phụ đạo các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Anh văn, Ngữ văn. Những bài nào chưa hiểu thì chúng em ở lại khoảng 2 tiếng sau giờ học buổi chiều để thầy cô phụ đạo thêm. Khác với năm trước, năm nay thầy cô dạy chúng em theo kiểu đề thi trắc nghiệm nhiều hơn. Chúng em làm nhiều dạng bài tập của các kỳ thi THPT trước đây, làm sao để tính toán nhanh, gọn, làm được nhiều bài tập hơn” - Hoàng An chia sẻ. Cũng theo Hoàng An việc học môn Giáo dục công dân cũng phải kỹ lưỡng hơn, không được lơ là, chủ quan như trước.

* Chủ động dạy - học

Theo Bộ GD-ĐT, đến đầu tháng 10-2016, Bộ sẽ công bố đề thi mẫu của các bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Nhưng nhiều trường hiện đã chủ động lên kế hoạch dạy, học sao cho phù hợp.

Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) Nguyễn Ngọc Oánh cho biết trường đã nhờ lãnh đạo Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT) về tận trường để hướng dẫn các giáo viên đổi mới phương pháp dạy trên cơ sở đổi mới phương pháp thi, kiểm tra. Từ đó, trường giao cho các tổ chuyên môn biên soạn lại phân phối chương trình sao cho phù hợp. Năm học này, trường tiến hành phân chia đối tượng học sinh theo lực học của từng em một cách chi tiết hơn. Tất cả học sinh khối 12 sẽ được học thêm vào buổi chiều 3 môn thi bắt buộc với thời lượng 4 tiết/tuần (Ngữ văn, Toán); 1 tiết/tuần (Tiếng Anh). Những học sinh yếu sẽ được giao cho giáo viên bộ môn theo dõi, kèm cặp vào các buổi ngoài giờ lên lớp hoặc ngay trong tiết học để có thể theo kịp chương trình học.

Thầy Nguyễn Thanh Long, giáo viên Địa lý Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, cho hay: “Trong khi chờ đợi hướng dẫn cụ thể của Sở GD-ĐT và đề thi mẫu của Bộ, tôi sẽ có những thay đổi trong phương pháp dạy. Chẳng hạn, trước đây trong bài thi Địa lý có câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhận biết để vẽ biểu đồ sao cho đúng rồi nhận xét, giải thích. Nay thi theo hình thức trắc nghiệm, học sinh sẽ không phải vẽ biểu đồ nhưng vẫn phải nhận biết để trả lời xem với câu hỏi đó thì vẽ biểu đồ dạng nào là đúng rồi nhận xét, giải thích”.

Đối chiếu với phương án thi của Bộ GD-ĐT, 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) sẽ có thời gian làm bài 150 phút/bài thi/120 câu hỏi, tức là thí sinh sẽ có 1,25 phút cho mỗi câu hỏi trắc nghiệm. Theo nhiều giáo viên, với số lượng câu hỏi lớn như thế, học sinh khó có thể “học tủ” mà phải nắm được nhiều nội dung trong chương trình học lớp 12. Ngoài ra, các em phải có được phản xạ nhanh, nhận biết câu trả lời đúng để hoàn thành bài thi, nếu không sẽ không kịp thời gian.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,562,296       1,207