Văn hóa

Ông Nguyễn Bá Thanh trở thành nhân vật tiểu thuyết

Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng của nhà văn Thái Bá Lợi. Cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề và nhân vật có thật một thời. Nhà văn THÁI BÁ LỢI có cuộc trò chuyện với Báo Đồng Nai.

Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng của nhà văn Thái Bá Lợi. Cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề và nhân vật có thật một thời. Nhà văn THÁI BÁ LỢI có cuộc trò chuyện với Báo Đồng Nai.

* Nhiều ý kiến cho rằng cuốn sách Câu chuyện Đà Nẵng dày hơn 300 trang của ông vừa xuất bản không phải là thể loại tiểu thuyết như khẳng định trên trang bìa. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Đây là một cuốn tiểu thuyết theo quan điểm của tôi vì các nhân vật theo kết cấu tiểu thuyết để qua đó tác giả gửi gắm những điều mình muốn tâm sự với bạn đọc. Kết cấu này còn có vẻ truyền thống hơn các tiểu thuyết trước của tôi. Chỉ có khác là tôi lấy bối cảnh TP.Đà Nẵng với nhiều nhân vật, lấy cảm hứng từ những con người thật một phần đã quá quen thuộc với đời sống xã hội những năm qua. Ngay cả những người có thật đó tôi cũng không đưa họ vào tiểu thuyết y nguyên như cuộc sống của họ ngoài đời. Mà cũng chỉ một vài nhân vật giống với nguyên mẫu, phần lớn các nhân vật còn lại là sản phẩm của lao động sáng tạo.

* Câu chuyện Đà Nẵng có nhân vật Ba Danh, một lãnh đạo trẻ của Đà Nẵng sau chiến tranh rất giống ông Nguyễn Bá Thanh ngoài đời thực. Nếu ông khẳng định đây là tiểu thuyết, thì tỷ lệ hư cấu của văn chương và hiện thực phi hư cấu “vênh” nhau như thế nào?

- Ngay cả nhân vật Chủ tịch thành phố Ba Danh mà nguồn tư liệu là Chủ tịch thành phố vào thời điểm tiểu thuyết miêu tả là ông Nguyễn Bá Thanh cũng không phải hoàn toàn là ông. Ông Ba Danh trong tiểu thuyết và ông Nguyễn Bá Thanh ngoài đời có vẻ là một nhưng không phải như vậy. Chuyện về ông Nguyễn Bá Thanh trên các phương tiện thông tin đại chúng và lưu trong dân chúng rất nhiều và rất hấp dẫn. Tôi chỉ sử dụng một phần trong số đó, phần nhiều là những điều ít được biết đến. Tất nhiên giữa con người thật và nhân vật tiểu thuyết phải có độ vênh nhau nó phụ thuộc vào ý đồ của tác giả khi xây dựng nhân vật.

Nhiều người thân cận ông Nguyễn Bá Thanh sau khi đọc Câu chuyện Đà Nẵng nói rằng ông Ba Danh dễ gần hơn ông Nguyễn Bá Thanh.

 * Sự nghiệp của ông gắn với tiểu thuyết cần sức bền để được người đọc nhớ đến như một tiểu thuyết gia. Có lẽ cuộc marathon với tiểu thuyết của ông cũng có lúc đuối sức?

Nhà văn Thái Bá Lợi sinh năm 1945 tại Nghệ An và sống tại Đà Nẵng từ năm 30 tuổi đến nay. Ông là tác giả của các tiểu thuyết: Thung lũng thử thách, Họ cùng thời với những ai, Bán đảo, Còn lại với thời gian, Trùng tu, Khê ma ma, Minh sư. Ông nhận nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có giải thưởng Nhà nước về Văn học năm 2012 và giải thưởng Văn học Đông Nam Á.

- Cuộc marathon nào cũng có lúc đuối sức, viết tiểu thuyết cũng vậy. Tôi đang tính dừng lại vào lúc mình chưa đứt hơi. Câu chuyện Đà Nẵng là tác phẩm tôi bỏ công chăm chút cho các tuyến nhân vật có sự phát triển đa dạng tránh lặp lại ở các tiểu thuyết trước. Hiện thực ở cái thành phố tôi sống 40 năm qua đã giúp tôi xây dựng được nhiều lớp nhân vật đan xen nhau. Những người lao động chân tay như bộ ba: Ba, Nhì, Lệ làm nghề xay đá cho các tàu đánh cá. Cặp Khiết - Thu, một người là cựu tù Côn Đảo, một người là con trung tá an ninh chế độ Sài Gòn. Thầy Hạ, người mà cả thành phố gọi bằng thầy. Trần Dạ, một cán bộ ưu tú, từ quan về dạy tiếng Anh nuôi mẹ già, nuôi vợ con, là người thân quen và luôn phản biện với Ba Danh nhưng kiên định điều mình đã chọn…

Tôi muốn viết về Đà Nẵng qua những con người này. Có một bạn đọc nói rằng tôi đã chuẩn bị chu đáo phần nền cho bức tranh bằng các tuyến nhân vật trên, còn sự xuất hiện của nhân vật Ba Danh chỉ là điểm xuyết cho bức tranh hoàn chỉnh. Tất nhiên khi một tác phẩm đến với bạn đọc, tác phẩm đó có thể thuyết phục người này mà không thuyết phục được người khác, đó là điều bình thường.

* Quê ông ở Nghệ An nhưng gắn bó cả đời với Đà Nẵng, ông viết cuốn sách này cũng là một cách trả nợ ơn tình nơi mình sinh sống?

- Tôi đã sống ở Đà Nẵng từ sau năm 1975, là thời gian quan trọng nhất của đời người. Tôi muốn làm điều gì đó trả nghĩa cho mảnh đất này. Rất may tôi đã kịp viết Câu chuyện Đà Nẵng lúc chưa hụt hơi. Cuốn sách được viết nhanh một phần là do tôi ấp ủ những điều mình muốn chia sẻ từ lâu rồi. Làm được điều này là niềm vui của tôi.

 Xin cảm ơn ông!

Trạc Tuyền (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        761,645       313