Văn hóa

Bài trừ hủ tục trong tang lễ

Sáng 8-6, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Sáng 8-6, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Tại hội nghị, ngoài giới thiệu những mô hình hay cũng như nêu lên khó khăn vướng mắc, các đại biểu có mặt đã cùng bàn thảo, đóng góp ý kiến nhằm tìm ra giải pháp để xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới trao đổi cùng các chức sắc tôn giáo về thực hiện văn minh trong việc tang bên lề hội nghị diễn ra vào sáng 8-6. Ảnh: V.Truyên
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới trao đổi cùng các chức sắc tôn giáo về thực hiện văn minh trong việc tang bên lề hội nghị diễn ra vào sáng 8-6. Ảnh: V.Truyên

Đốt vàng mã là hủ tục

Đó là khẳng định của Thượng tọa Thích Huệ Sanh, Chánh văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh. Cũng theo Thượng tọa Thích Huệ Sanh: “Phật giáo không có truyền thống và tập tục đốt giấy tiền vàng mã cho người chết. Vì theo Phật  giáo, người chết chậm nhất là sau 49 ngày nhất định sẽ thác sanh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp đã tạo ra. Phật giáo xem sự thể hiện hiếu đạo bằng việc đốt vàng mã là một hủ tục, vì việc làm này hoàn toàn vô ích đối với người chết, gây lãng phí tiền của, công sức đồng thời làm ô nhiễm môi trường. Việc đốt vàng mã cúng tế người chết không được ghi trong Tam tạng kinh của nhà Phật. Đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này”.

Ngoài đốt vàng mã, việc tổ chức đám tang còn kèm theo những buổi ăn uống, thết tiệc linh đình rất đông khách và tràn lan vòng hoa viếng.

Ông Vũ Văn Khả, Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, cho hay Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã thông báo: “Chúng tôi yêu cầu anh chị em bãi bỏ việc ăn uống, không những trong ngày an táng mà còn trong cả ngày giỗ kỵ. Nếu giải quyết cơm nước cho người ở xa thì phải tiết giảm tối đa, đơn giản, không tổ chức ăn bên cạnh người chết”. Những quy định này không phải là bắt buộc, nhưng cũng đã phần nào định hướng cho người Công giáo trong việc tổ chức tang lễ, góp phần hạn chế việc tổ chức ăn uống trong lễ tang.

Việc người dân chọn cách chôn cất người thân thay vì hỏa táng trong những năm gần đây đang có sự gia tăng. Theo ông Bùi Văn Kiệt, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Biên Hòa, nếu năm 2013, số người chết hỏa táng là 1.270/2.575 người thì sang năm 2015 trong tổng số 3.113 người chết chỉ có 915 trường hợp được người thân sử dụng phương thức hỏa táng. Nguyên nhân của vấn đề này là do việc tổ chức vận động nhân dân thực hiện hỏa táng khi có người thân qua đời rất khó khăn, chưa được sự tự giác ủng hộ của nhân dân.

Vận động đi liền với chế tài

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới cho rằng qua 15 năm thực hiện văn minh trong việc tang trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, song do công tác tuyên truyền ở nhiều nơi chưa được người dân đồng tình hưởng ứng. Việc xử phạt hành chính theo quy định của Nhà nước quá nhẹ nên ở không ít nơi tình trạng rải vàng mã còn rất phổ biến. Số lượng vòng hoa trong đám tang còn rất nhiều, gây phiền hà cho gia chủ, dư luận không tốt từ phía người dân. Việc người dân đua nhau xây dựng lăng mộ bề thế còn khá phổ biến.

Thực tế đó cho thấy, để người dân hưởng ứng thực hiện văn minh trong việc tang trên địa bàn tỉnh thì công tác tuyên truyền vận động cần tiếp tục được đẩy mạnh và phải có thời gian thực hiện lâu dài. Xuất phát từ những yêu cầu mới trong việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện văn minh trong việc tang, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng dự thảo kế hoạch tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Theo bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, dự thảo kế hoạch này gắn với 5 tiêu chí cụ thể: tổ chức việc tang phải đúng quy định của pháp luật, trang nghiêm và tiết kiệm. Tổ chức tang lễ, mai táng người chết không quá 48 giờ. Nếu người chết bị bệnh dịch và các bệnh truyền nhiễm thì việc khâm liệm tử thi và mai táng trước 24 giờ. Trường hợp đặc biệt, muốn kéo dài thời gian an táng, thi hài phải được lưu giữ ở phòng lạnh của bệnh viện, nhà tang lễ hoặc theo hướng dẫn của cơ quan y tế đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường. Các hộ gia đình trong khu dân cư khi có người chết cần tôn trọng láng giềng, giữ sự yên tĩnh vào ban đêm. Nghiêm cấm lợi dụng việc tang lễ để hành nghề mê tín dị đoan, tổ chức và tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức, không ăn uống linh đình, nhậu nhẹt gây mất trật tự ở ấp, khu phố, nơi dân cư. Khi đưa tang phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông, trật tự an toàn công cộng, không rắc rải vàng mã, nghiêm cấm việc rắc rải tiền Việt Nam hoặc tiền nước ngoài trên đường đưa tang.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        761,637       309