Văn hóa

Khi người dân thực hiện nếp sống văn minh

Chỉ thị và quy chế về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được tỉnh Đồng Nai ban hành có hiệu lực đã 15 năm.

Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực ở lĩnh vực này là chưa nhiều và ở không ít nơi vẫn chưa thể đạt kết quả như mong muốn.

* Nhiều điểm sáng

Phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) là điểm sáng của tỉnh trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Theo bà Hoàng Thị Mai, Chủ tịch UBND phường, năm 2009 địa phương này được chọn làm nơi thí điểm thực hiện văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội. Sau hơn 6 năm thực hiện, địa phương được đánh giá tốt trong công tác này.

Các thành viên trong Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa  phường Xuân Bình (TX.Long Khánh) tuyên truyền và lắng nghe ý kiến góp ý của người cao tuổi về việc thực hiện văn minh trong việc tang. Ảnh: V.TRUYÊN
Các thành viên trong Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phường Xuân Bình (TX.Long Khánh) tuyên truyền và lắng nghe ý kiến góp ý của người cao tuổi về việc thực hiện văn minh trong việc tang. Ảnh: V.TRUYÊN

Để có được kết quả tích cực như hôm nay, lãnh đạo địa phương nhận thấy trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, lợi ích trong thực hiện văn minh trong việc tang. Song, đóng góp quan trọng nhất vào thành công của thực hiện nội dung này chính là mỗi cán bộ, đảng viên đang sinh sống, làm việc tại phường phải là người làm gương để nhân dân noi theo.

“Đặc biệt, do các quan niệm kiêng kỵ nên người dân thường xem ngày, giờ nhập quan, động quan, chôn cất, các hình thức cúng tế trong một đám tang. Vậy nên, chúng tôi đã gặp gỡ chức sắc, chức việc tôn giáo của các chùa, nhà thờ, thầy địa lý... trên địa bàn để triển khai việc thực hiện quy chế. Từ đó, bằng những hoạt động và chức năng của mình các cá nhân này đều góp phần cùng với địa phương tuyên truyền để người dân hiểu và cùng thực hiện” - bà Hoàng Thị Mai nhấn mạnh.

Sáng 8-6, tại Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ diễn ra hội nghị chuyên đề thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Sự kiện do này Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tỉnh và đại diện các ban vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Bên cạnh phường Bình Đa, ấp Đức Long 3, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) cũng là một điểm sáng trong thực hiện nếp sống văn minh đối với việc tang. Theo ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ấp Đức Long 3, để người dân thấy được những khó khăn, tốn kém, ảnh hưởng không tốt của việc quàn thi hài người chết dài ngày trong nhà, ban vận động ấp đã phối hợp với chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín tại cộng đồng tiếp xúc với bà con để tuyên truyền không quàn thi hài quá 48 tiếng… dần dà người dân cũng đã hiểu và chấp hành theo sự hướng dẫn, vận động của địa phương.

Đặc biệt hơn là tại phường Xuân Bình, TX.Long Khánh từ năm 2008 đến nay tình trạng rải vàng mã khi đưa tang trên đường đã giảm đi rất nhiều. Theo bà Lê Ngọc Lan, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Xuân Bình: “Chúng tôi khuyến khích bà con nếu đốt vàng mã chỉ nên thực hiện tại nhà hay tại huyệt ở nghĩa trang. Để làm được việc này, chúng tôi thường xuyên sinh hoạt với các thành viên trong hội người cao tuổi của phường để từ đó các chú, các bác định hướng cho con cháu”.

Ông Lê Hữu Thách, 86 tuổi, ngụ KP.5, phường Xuân Bình, (TX.Long Khánh) thì cho biết thêm: “Khi được chính quyền địa phương vận động,  khi tổ chức đám tang cho vợ mình tôi chỉ đốt vàng mã tại nhà và ở huyệt chôn. Tôi thấy việc làm này vừa không gây ảnh hưởng đến người xung quanh vừa có tác dụng làm gương cho con cháu xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh theo định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước”.

* Vẫn cần thời gian

Bên cạnh những điểm sáng, mô hình hay trong thực hiện văn minh đối với việc tang ở một số địa phương, thì tại nhiều nơi trong tỉnh việc tang vẫn còn tổ chức linh đình, đặt nhiều vòng hoa, dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường diễn ra thường xuyên. Có đám tang có cả đội kèn trống, có người làm ảo thuật, xiếc thu hút người dân đến xem như hội hè. Đặc biệt, tục rải vàng mã trên đường đưa linh cữu xảy ra ở khắp nơi.

Về vấn đề này, đại diện của Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai lẫn Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đồng Nai đều cho hay, việc rải vàng mã hay đốt đồ mã không hề có trong giáo lý của các tôn giáo này và tất cả đều không khuyến khích tín đồ mình thực hiện. Tuy nhiên, do điều này đã trở thành thói quen được truyền từ đời này sang đời khác nên người dân rất khó thay đổi, mặc dù việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã được Nhà nước ban hành trong 15 năm qua.

Theo Thượng tọa Thích Phước Minh, trụ trì chùa Già Lam Thiện Sanh (TP.Biên Hòa): “Chúng ta giáo dục con em không xả rác bừa bãi, lên án người phát tờ rơi ở các trục giao thông xả rác và thậm chí là phạt hành chính việc làm của họ. Vậy mà người lớn lại công khai xả ra môi trường một lượng vàng mã lớn và rải đều cả chục cây số. Điều này sẽ tạo nên những hình ảnh thiếu mỹ quan và nghiêm trọng hơn là tạo thói quen xấu cho con em chúng ta sau này”.

Còn bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, thì cho biết việc cần thiết hiện nay vẫn là tiếp tục vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước theo kiểu “mưa dầm thấm đất” để bà con dần bỏ thói quen rải vàng mã khi đưa tang. Để làm được điều này thì cần sự chung tay của toàn xã hội và sự quyết liệt của các cơ quan chức năng”.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        762,931       647