Kinh tế

'Đất lành' cho nghề thủ công truyền thống

Là thành phố công nghiệp lâu đời có quy mô phát triển vào bậc nhất Việt Nam nhưng TP.Biên Hòa cũng là nơi hình thành và phát triển nhiều làng nghề thủ công truyền thống đặc trưng như: gốm ở các phường Bửu Hòa và Tân Vạn, điêu khắc đá ở phường Bửu Long, nội thất và mỹ nghệ ở phường Tân Biên...

Người dân phơi bún khô ở phường Tân Biên (TP. Biên Hòa)
Người dân phơi bún khô ở phường Tân Biên (TP. Biên Hòa). Ảnh:L.An

Sự góp mặt của các nghề thủ công truyền thống đã góp phần hình thành văn hóa đặc trưng của từng khu vực.

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay các nghề thủ công truyền thống vẫn khẳng định được sức sống và khởi sắc hơn trước.

* Những nghề hàng trăm năm tuổi

Cù lao Phố (phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) từng là thương cảng nổi tiếng ở Nam bộ. Nơi đây sớm trở thành trung tâm giao thương hàng hóa của nhiều tàu buôn trong và ngoài nước. Trong lịch sử Đồng Nai, Cù lao Phố là nơi phát triển nhiều ngành nghề như: dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, làm gốm, đúc đồng, điêu khắc đá, làm mộc mỹ nghệ...

Biên Hòa ngày nay còn có nhiều khu có nghề truyền thống như nghề làm bánh chưng vào dịp Tết ở các phường Hố Nai, Tân Biên. Hầu hết các chủ cơ sở gói bánh chưng chuyên nghiệp ở đây đều là người có quê gốc ở huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương), nơi có nghề bánh chưng lâu đời và nổi tiếng của Việt Nam. Ngoài ra, nghề mộc mỹ nghệ cũng hình thành khá sớm và đang trên đà phát triển ở phường Tân Biên.

Trong đó, nghề điêu khắc đá và làm gốm vẫn còn tồn tại đến nay, phát triển rộng ra khỏi khu vực Cù lao Phố. Nghề điêu khắc đá lớn mạnh ở phường Bửu Long và nghề gốm phát triển mạnh ở các phường Bửu Hòa, Tân Vạn ngày nay. Các cơ sở điêu khắc đá còn lại hiện nay đều trải qua nhiều thế hệ làm nghề.

Hơn 20 năm trước là giai đoạn hoàng kim của nghề điêu khắc và chế tác đá Bửu Long. Cả làng có đến 30 cơ sở với hàng trăm lao động từ nhiều địa phương trong cả nước về đây. Các cơ sở chế tác đá hội tụ nhiều ở Bửu Long đến mức người ta gọi là “làng nghề” dù vẫn thiếu một vài tiêu chí để được công nhận làng nghề.

Sản phẩm điêu khắc từ làng nghề đá Bửu Long rất phong phú, từ vật dụng sinh hoạt như: cối đá, ly, chén, bộ cờ... cho đến các kết cấu kiến trúc mang tính phức tạp, thẩm mỹ như: tán cột, kèo ngang trong nhà, mái chùa chiền, đình miếu, tượng thờ, linh vị, bia mộ...

Ngoài ra, còn có những sản phẩm hiện đại hơn như tượng trang trí nội, ngoại thất. Tùy theo tính chất, công năng của từng loại sản phẩm, người nghệ nhân sẽ chạm khắc những hoa văn cho phù hợp. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại với nhiều thăng trầm, làng nghề đá Bửu Long đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa như: Hà Kiều, Dương Văn Hai, Ngụy Đức Mỹ, Phạm Thành Đẩu... Các sản phẩm điêu khắc đá hiện đang có ở nhiều nơi như: chùa Bà Thiên hậu, Thất phủ cổ miếu, Văn miếu Trấn Biên... Bên cạnh nghề đá, ở Bửu Long hiện tại cũng còn nghề làm nồi đất, nhưng không nhiều như trước và sản phẩm chủ yếu là nồi đất, niêu đất, chén hứng mủ cao su...

Thợ gò tôn đang làm việc ở phường Hố Nai (TP. Biên Hòa)
Thợ gò tôn đang làm việc ở phường Hố Nai (TP. Biên Hòa). Ảnh:L.An

Đặc trưng nhất ở Biên Hòa phải kể đến nghề làm gốm. Cũng xuất phát từ người Hoa, nghề gốm hình thành từ nửa cuối thế kỷ 19. Thời kỳ đầu, các lò gốm chủ yếu làm đồ gia dụng như: lu, hũ, chậu... Nguyên liệu chủ yếu là đất sét đỏ pha cát, nung ở nhiệt độ cao. Gốm có màu đen đặc trưng, chắc và cứng.

Đến đầu thế kỷ 20, nghề gốm phát triển khá mạnh ở Biên Hòa, dọc sông Đồng Nai thuộc các phường Hóa An, Bửu Hòa, Tân Vạn và sang cả TX.Dĩ An (Bình Dương). Các nghệ nhân Biên Hòa đã chế tạo thành công “gốm mỹ nghệ Biên Hòa” với dòng men xanh đồng trổ bông đặc trưng. Từ đó, nhiều sản phẩm gốm đa dạng được sản xuất dùng trong sinh hoạt, trang trí, thờ cúng... Hiện nay, sản phẩm gốm Biên Hòa khá đa dạng và được xuất khẩu đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nghề làm gốm cũng được đưa vào diện quy hoạch bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

* Nghề của những người dân di cư

Cùng với quá trình phát triển của các cộng đồng cư dân, đặc biệt là những cuộc di cư Bắc - Nam, TP.Biên Hòa là điểm dừng chân của nhiều người di cư. Từ đó, các nghề truyền thống thủ công cũng được hội tụ về đây, hình thành các nghề thủ công nổi tiếng của TP.Biên Hòa.

Chẳng hạn, nghề gò tôn xuất hiện ở xứ Kim Bích (giáo xứ Kim Bích, KP.2, KP.3, phường Hố Nai) khoảng sau năm 1975. Ban đầu, chỉ một vài hộ làm nhưng dần dần đã lan rộng ra nhiều khu phố và trở thành nghề chính mang lại nguồn thu cho nhiều gia đình.

Một thợ gốm đang vẽ hoa văn bằng tay ở phường Bửu Hòa
Một thợ gốm đang vẽ hoa văn bằng tay ở phường Bửu Hòa. Ảnh:L.An

Theo những người lâu năm trong nghề, gò tôn có nguồn gốc từ vùng đất Ý Yên, tỉnh Nam Định. Theo những người di cư vào Nam, nghề này phát triển ở Biên Hòa, hưng thịnh nhất là khoảng từ năm 2000-2010.

Thời điểm đó, ở các KP.1, 2, 3 và 4 thuộc phường Hố Nai có trên dưới 500 hộ gia đình làm nghề. Không chỉ phát triển theo kiểu "cha truyền con nối”, nhiều người bản xứ cũng đến đây học nghề và mở cơ sở riêng. Sản phẩm khá đa dạng, từ những sản phẩm gia dụng như: tôn, xô, thau, nồi, máng xối cho đến những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao như: đèn chùm, chậu cây kiểng, bình đựng hoa đều được làm thủ công.

Tuy không phát triển như trước nhưng những thợ gò tôn ở Kim Bích vẫn có cuộc sống ổn định, thu nhập khá. Hiện nhiều công đoạn được cơ giới hóa bằng máy cắt, máy hàn, máy dập nên thợ gò không còn vất vả như trước. Hiện có khoảng 200 gia đình làm nghề, mỗi hộ trung bình có từ 5-20 thợ, hầu hết là người dân địa phương. Trong đó, 30% cơ sở làm hàng xuất khẩu đi các nước phương Tây, còn lại gia công và sản xuất hàng gia dụng trong nước.

Xứ Trung Nghĩa (gồm KP.2, KP.3 phường Tân Biên và một phần phường Hố Nai) là nơi hình thành nghề làm bún khô (bún gạo khô, bánh phở, hủ tiếu) từ những năm 50 thế kỷ trước. Nghề làm bún khô đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của những người vào Nam lập nghiệp.

Thợ đang mài đá tại làng đá Bửu Long
Thợ đang mài đá tại làng đá Bửu Long. Ảnh:L.An

Những năm trước giải phóng, ở Trung Nghĩa chỉ có một vài hộ dân làm bún khô, người lớn, trẻ con trong làng đều tập trung về các lò để phụ cuộn bún, vắt bột, đóng gói. Theo thời gian, nghề làm bún khô ngày càng phát triển. Thời kỳ cao điểm, ở KP.2, phường Tân Biên có gần 100 lò làm bún khô, người người làm bún, nhà nhà làm bún. Nay còn trên dưới 20 lò, nhưng số lượng thành phẩm thì nhiều hơn trước, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn bởi các lò đã đầu tư hệ thống máy móc, cơ giới hóa nhiều công đoạn như: xay bột, cắt sợi, cuộn bún.

Bún khô ở đây có độ mềm, độ dai vừa phải, sợi bún trắng, ăn thơm mùi gạo chứ không có vị chua. Đây là lý do nhiều hàng, quán uy tín và những người sành ăn vẫn tin dùng, dù giá cao hơn so với thị trường. Hiện tại, bún khô ở Trung Nghĩa đang được xuất bán ở nhiều nơi, nhưng bỏ mối sỉ lớn nhất ở chợ Sặt (phường Tân Biên).

Bên cạnh các sản phẩm bún khô làm từ gạo có truyền thống lâu đời,  người làm bún sau này còn chế biến nhiều loại sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường như bún khô làm từ bột củ dong, củ mì, củ chuối. Sản phẩm này được tiêu thụ nhiều ở các tỉnh miền Tây và nước bạn Campuchia.

So với nhiều ngành nghề khác, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống trên địa bàn TP.Biên Hòa chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu giá trị kinh tế, song nó mang nhiều giá trị về mặt xã hội và văn hóa, thậm chí có thể gắn kết và thúc đẩy thương mại, du lịch phát triển nếu được đầu tư khai thác đúng mức.

Lê An

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,094,371       439