Xu thế hội nhập sâu rộng và nền kinh tế mở cũng như yêu cầu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Sản xuất tại Công ty TNHH Tương Lai. Ảnh: V.Gia |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Luôn học hỏi và làm mới mình
Ngoài các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tập đoàn lớn có chi nhánh tại Đồng Nai và một số ít doanh nghiệp nhà nước thì hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ, năng lực sản xuất, chất lượng cạnh tranh của sản phẩm không cao dẫn đến yếu thế về nhiều mặt.
Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh nhận định, muốn vượt qua khó khăn, doanh nghiệp buộc phải tự đào tạo, tự đổi mới mình để thích nghi với thời cuộc.
Doanh nghiệp cần tăng cường tính liên kết, tự nâng cao trình độ, đặc biệt là cần hiểu rõ về các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, khu vực trên thế giới mà Việt Nam tham gia. Qua đó nắm bắt các cơ hội, nhận diện những rủi ro, thách thức, rào cản về hội nhập quốc tế.
Cùng quan điểm, ThS.Huỳnh Kim Tôn, Giảng viên quản trị chiến lược và đổi mới sáng tạo, đại học mở TP.Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều thách thức, trong đó có vấn đề quản trị doanh nghiệp. “Doanh nghiệp cần mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng số hóa và tự động hóa; đồng thời thiết lập được đội ngũ nhân sự chất lượng, quản lý họ từ xa, dựa trên hiệu quả công việc nhằm tận dụng hiệu quả chất xám của nhân viên” - ThS.Huỳnh Kim Tôn khuyến nghị.
Về phía doanh nghiệp, sự thay đổi về tư duy sản xuất là điều bắt buộc nếu muốn tồn tại và phát triển. Một dẫn chứng cho sự thành công trong việc mở rộng tầm nhìn là Công ty TNHH Tương Lai (huyện Long Thành), doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm nhựa, cao su, hàng phụ trợ cho doanh nghiệp cơ khí, chế tạo…
Ông Trương Quốc Cường, Giám đốc công ty cho hay, một khi có cơ hội hợp tác với đối tác quốc tế, cần phải nhạy bén để nắm bắt, không nên có tâm lý tự ti, do dự. “Từ mạnh dạn nắm bắt cơ hội, tự tin hợp tác với đối tác lớn nước ngoài mà hiện công ty đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc chương trình do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự kiến sau 2 năm nữa, chúng tôi có thể đạt được các yêu cầu của chương trình và trở thành một trong 25 nhà cung cấp chuyên nghiệp của Việt Nam cho các tập đoàn lớn” - ông Trương Quốc Cường nói.
* Cần thêm trợ lực trong hội nhập
Mặc dù Nhà nước đã xây dựng được những chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng công nghệ cao... tuy nhiên, nhiều chính sách khi áp dụng vào thực tế hiệu quả không được như kỳ vọng.
Do đó, theo nhiều doanh nhân, trước các cuộc chiến thương mại, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và những hạn chế của sự thu hút vốn FDI, các địa phương cần có sự cân nhắc và coi trọng, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trong nước. Bởi chính đây mới là đội ngũ nòng cốt, nguồn lực trụ cột đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Đi sâu vào chi tiết, Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành) kiến nghị các chương trình xúc tiến thương mại hằng năm cần phải được triển khai sớm theo lộ trình sản xuất của doanh nghiệp. Việc tham gia các hội chợ quốc tế nếu diễn ra muộn sẽ gây bất cập, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch quảng bá sản phẩm của mình. Thay vì chạy theo số lượng nhưng hiệu quả chưa cao, công tác xúc tiến thương mại nên chú trọng đến nhu cầu của doanh nghiệp, có dự báo tình hình thị trường để từng doanh nghiệp có kế hoạch quảng bá sản phẩm phù hợp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (Khu công nghiệp Hố Nai), chuyên xuất khẩu đèn trang trí mỹ nghệ sang Mỹ, châu Âu mong muốn việc quảng bá thông tin về các FTA mà Việt Nam tham gia đến sâu rộng hơn trong đông đảo doanh nghiệp. Không chỉ thông tin riêng về quy định trong các hiệp định mà Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng hơn trong việc dẫn dắt doanh nghiệp hiểu thị trường, nhu cầu thế giới, tránh việc doanh nghiệp “tự bơi”, tốn nhiều thời gian, công sức và đôi khi là vuột mất cơ hội.
“Là doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu nên chúng tôi hiếm khi bỏ lỡ những hội thảo về đầu tư, thương mại nhằm tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ nhận thức chưa đầy đủ vấn đề này do kỹ năng còn hạn chế. Đây cũng chính là lúc vai trò định hướng của Nhà nước trở nên quan trọng, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn hội nhập với thế giới, đưa sản phẩm Việt ra quốc tế” - ông Nguyễn Đức Tuấn Hải kỳ vọng.
Văn Gia - Vân Nam