Kinh tế

Huyện Cẩm Mỹ: Đầu tư cho hồ tiêu sạch

Mô hình trồng cây hồ tiêu sạch, hồ tiêu theo hướng hữu cơ đang được nhiều nông dân huyện Cẩm Mỹ lựa chọn. Đây được xem là hướng đi đúng đắn giúp nâng cao giá trị cây hồ tiêu, tăng lợi nhuận cho nông dân sau một thời gian dài giá tiêu giảm mạnh.

Vườn tiêu hữu cơ của nông dân Chí Nhịt Và, ấp 4, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ
Vườn tiêu hữu cơ của nông dân Chí Nhịt Và, ấp 4, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ

Với diện tích trên 4,7 ngàn hécta, Cẩm Mỹ là địa phương có diện tích đất trồng tiêu lớn nhất và chiếm gần 1/3 diện tích cây tiêu toàn tỉnh. Nhân rộng mô hình sản xuất hồ tiêu hữu cơ kết hợp mở rộng thị trường tiêu thụ ra thế giới là những giải pháp được huyện quan tâm, nhằm nâng cao giá trị nông sản.

* Trồng tiêu theo hướng hữu cơ

Các chuyên gia trong ngành nông nghiệp khuyến cáo, để nâng cao giá trị hồ tiêu, giảm khủng hoảng thừa, các địa phương cần kiểm soát tốt diện tích hồ tiêu, tuyên truyền để nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tránh tình trạng chạy theo năng suất mà bỏ qua chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết trong trồng - chế biến - tiêu thụ.

Gia đình anh Lê Văn Tình, ấp 4, xã Lâm San có thâm niên trồng hồ tiêu gần 20 năm. Vài năm gần đây, anh chuyển hơn 2 hécta tiêu chăm sóc theo cách truyền thống sang áp dụng nghiêm ngặt quy trình trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Đồng thời đăng ký là thành viên của một hợp tác xã chuyên thu mua và xuất khẩu tiêu.

“Gần 20 năm gắn bó với “vàng đen” nên tôi hiểu, trước mỗi vụ tiêu, người trồng luôn có tâm trạng âu lo về giá cả, đầu ra… Từ khi sản xuất tiêu hữu cơ, tôi phần nào yên tâm hơn” - anh Tình nói.

Theo anh Tình, sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ tuy năng suất không cao như trồng tiêu theo cách truyền thống do không sử dụng nhiều phân bón hóa học, không sử dụng chất kích thích và giống biến đổi gen, nhưng bù lại, đất đai màu mỡ, cây trồng không bị “kiệt sức”, sức khỏe người nông dân cũng được đảm bảo và quan trọng hơn là đầu ra ổn định.

Hai năm trước, gia đình anh Trương Đình Cừ, ấp 6, xã Lâm San cũng mạnh dạn chuyển đổi 1 hécta tiêu truyền thống sang sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc nên vườn tiêu của gia đình anh Cừ sinh trưởng và phát triển chậm, nhiều cây bị sâu bệnh chết. Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật của phòng nông nghiệp, của hợp tác xã thu mua tiêu, gia đình anh Cừ đã có được những kiến thức cơ bản, cần thiết trong việc chăm sóc cây tiêu để đạt hiệu quả, cho năng suất cao, đồng thời biết cách phòng trừ những loại sâu bệnh thường gặp.

“Từ khi chuyển sang trồng tiêu theo hướng hữu cơ, vườn tiêu nhà tôi không bị bệnh vàng lá, chết nhanh, chết chậm. Năng suất vụ trước đạt 4,5 tấn/hécta, cao hơn hẳn các vườn khác. Sắp tới tôi sẽ chuyển gần 1 hécta còn lại sang làm theo hướng hữu cơ. Hy vọng tương lai gần, “vàng đen” sẽ phục hồi” - anh Cừ nói.

Sở dĩ vườn tiêu của anh Cừ có năng suất vượt trội so với các vườn khác vì được áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ ngay khi cây ra trái mùa đầu tiên, trồng tiêu trên trụ “sống”, sử dụng phân dê ủ để bón cây.

Chia sẻ về đầu ra của tiêu hữu cơ, ông Chí Nhịt Và, ấp 4, xã Lâm San, cho rằng, khi giá hồ tiêu xuống đáy, không có người mua, người trồng nản chí, thì tiêu hữu cơ vẫn tiêu thụ bình thường với mức giá cao hơn giá thị trường từ
10-20%. “Giá cả và đầu ra là hai yếu tố quan trọng để người dân yên tâm đầu tư cho tiêu hữu cơ” - ông Và nói.

* Hướng đi an toàn, bền vững

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, địa phương có diện tích trồng tiêu lớn nhất huyện Cẩm Mỹ, cho biết, hồ tiêu là cây trồng chủ lực ở xã nhiều năm qua. Nhờ cây tiêu, hàng trăm nông dân đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu. Hiện tại, hồ tiêu vẫn là cây trồng chính nhưng đã có sự thay đổi trong thói quen canh tác của người nông dân. Thay vì phát triển đại trà, chạy theo năng suất, những người nông dân đã liên kết lại với nhau thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất tiêu sạch, tiêu an toàn và từng bước chuyển sang hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, các chất biến đổi gen.

 Hiện nay diện tích tiêu ở xã Lâm San là hơn 1,6 ngàn hécta, trong đó hơn 1,2 ngàn hécta hồ tiêu sản xuất sạch, khoảng 300 hécta hồ tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ. Xã Lâm San cũng đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ chuyển khoảng 50% diện tích trồng hồ tiêu sạch sang sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, cho rằng, mặc dù hiện nay, sản phẩm tiêu của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với tiêu từ các nước khác như: Brasil, Indonesia… nhưng đầu ra cho hồ tiêu thông qua kết nối thị trường châu Âu vẫn rất tốt. Vấn đề chính là ở chất lượng, còn giá cả phải tuân theo quy luật thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết, trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung với các loại cây, con chủ lực, trong đó có cây hồ tiêu tại các xã Lâm San, Sông Ray, Xuân Tây, Bảo Bình. Địa phương cũng tuyên truyền và vận động nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để thu mua, sơ chế và xuất khẩu tiêu ra nước ngoài.

“Nhiều hộ nông dân sản xuất tiêu theo phương pháp hữu cơ cho sản lượng rất cao, năng suất đạt 4-5 tấn/hécta, cao hơn mức bình quân. Bên cạnh các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng có nhiều thương lái từ các tỉnh, thành về đây “săn” tiêu sạch. Do đó, nông dân đừng quá lo lắng đầu ra” - ông Thắng nói.

Ông Cao Văn Quang, Bí thư huyện Cẩm Mỹ cũng cho rằng, phát triển nông nghiệp là thế mạnh của huyện. Ngoài các cơ chế chính sách ưu đãi cho cây trồng chủ lực theo quy định, địa phương đang tiếp tục xây dựng các mối liên kết, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, phục vụ chế biến, xuất khẩu. Người nông dân cần thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng sạch, an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, có đầu ra bền vững.

Lê An

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,099,843       919