Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa ra các giải pháp giảm suất đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, từ đó giảm giá cho thuê đất được xem là hướng đi để giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
(DNNVV).
Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, phường Tân Hạnh, TP.Biên Hòa đáp ứng mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp gốm sứ di dời khỏi các khu dân cư. Ảnh: P.Tùng |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Tăng quỹ đất cho thuê
Theo Quyết định 24 ngày 7-5-2018 của UBND tỉnh (sửa đổi bổ sung một số điều quy định trình tự, thủ tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển cụm công công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm Quyết định số 32-2016 của UBND tỉnh) mức hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được áp dụng cho cụm công nghiệp dưới 30 hécta là 15 tỷ đồng và trên 30 hécta là 20 tỷ đồng mỗi cụm. Tiền hỗ trợ sẽ được giải ngân theo khối lượng đầu tư. Cụ thể, hỗ trợ 20% tổng kinh phí khi đạt 20% tổng mức đầu tư của dự án được duyệt; hỗ trợ tiếp 20% tổng kinh phí khi tổng mức đầu tư đạt 40% và hỗ trợ phần còn lại khi đạt từ 60% tổng mức vốn đầu tư của dự án được duyệt. Chủ đầu tư cũng có thể nhận hỗ trợ một lần khi khối lượng đầu tư đạt từ 60% trở lên trong tổng mức vốn đầu tư của dự án được duyệt. |
Theo Sở Công thương, Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch, tuy nhiên phần lớn đều chưa hoàn thành xây dựng hạ tầng. Nguyên nhân chính là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, tăng quỹ đất cho thuê đối với các doanh nghiệp, mới đây Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các địa phương rà soát lại hiệu quả đầu tư của các cụm công nghiệp. Đối với những khu vực có nhu cầu lớn, thực sự cần thiết sẽ ưu tiên đầu tư. Những dự án cụm công nghiệp mà doanh nghiệp đã được giao đất nhưng chậm triển khai thì kiên quyết thu hồi. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, cần triển khai gấp những giải pháp mạnh tay để thúc đẩy tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, mục tiêu của các cụm công nghiệp là phục vụ mặt bằng sản xuất cho các DNNVV di dời khỏi các khu dân cư. Do đó, yêu cầu đặt ra, việc tiếp cận và thuê đất đối với các doanh nghiệp phải dễ hơn so với vào các khu công nghiệp. Đặc biệt, giá thuê đất trong cụm công nghiệp phải thấp hơn trong khu công nghiệp.
Bà Nguyễn Hoàng Quyên, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết, từ năm 2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 32/2016 hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, từ đó giảm giá cho thuê đất. Cụ thể, đối với cụm công nghiệp có diện tích dưới 30 hécta, sẽ được hỗ 15 tỷ đồng mỗi cụm; đối với cụm công nghiệp có diện tích trên 30 hécta, mức hỗ trợ là 20 tỷ đồng mỗi cụm.
Ngoài ra, UBND tỉnh hiện nay cũng đang giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính và Sở Công thương rà soát lại suất vốn đầu tư xây dựng hạ tầng để “gỡ khó” cho các doanh nghiệp đầu tư.
Trước năm 2018, Sở Tài chính thẩm định năng lực chủ đầu tư dựa trên cơ sở đăng ký của doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2019, theo quyết định của Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư áp dụng cho cụm công nghiệp dưới 100 hécta tăng lên mức 8,9 tỷ đồng/hécta. Việc áp dụng suất vốn đầu tư như trên, đặc biệt là tại một số cụm công nghiệp có doanh nghiệp hoạt động sẽ gặp khó khăn. Nguyên nhân là bởi các cụm công nghiệp này được giao cho địa phương đầu tư, vấn đề kêu gọi đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất trong cụm không dễ dàng, do đó kéo dài quá trình xây dựng hạ tầng. “Hướng thực hiện sẽ theo 2 giải pháp là tính suất đầu tư theo thiết kế sơ bộ dự án hoặc tính theo công trình tương đương đã có trước đó”- bà Nguyễn Hoàng Quyên cho hay.
Công nhân sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ tại một doanh nghiệp hoạt động trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Tùng |
Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, bên cạnh việc rà soát, thu hồi các dự án cụm công nghiệp chậm thực hiện, kém hiệu quả thì tỉnh cũng nên bố trí thêm quỹ đất, quy hoạch phát triển thêm các cụm công nghiệp mới. Bởi, hiện nay nhu cầu thuê đất của các DNNVV vẫn rất lớn. “Quy hoạch cụm công nghiệp cũng cần tính toán vị trí phù hợp, gần các trung tâm sản xuất lớn chứ quy hoạch xa quá cũng rất khó thu hút doanh nghiệp đến thuê đất”- ông Châu Minh Nguyện đề xuất.
Đối với giải pháp để giảm giá thuê đất tại các cụm công nghiệp, cơ quan chức năng cũng nên xem xét cách thức kêu gọi đầu tư hạ tầng theo từng gói. Theo ông Nguyện, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng chỉ đầu tư hạ tầng cơ bản như: đường, hệ thống thoát nước. Đối với các hạ tầng khác như: điện, nước, viễn thông nên để các ngành này đầu tư đến cổng cụm công nghiệp, phần còn lại sẽ do doanh nghiệp thuê đất đầu tư tiếp. “Làm như vậy, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp giảm được vốn đầu tư nên giá thuê đất cũng sẽ giảm đi rất nhiều” - ông Châu Minh Nguyện nói.
* Cần thêm cụm công nghiệp chuyên ngành
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số cụm công nghiệp chuyên ngành như Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, vật liệu xây dựng Hố Nai đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, một số cụm công nghiệp chuyên ngành khác như: gỗ, chế biến nông sản cũng đang được đầu tư xây dựng.
Ông Phạm Văn Sinh, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom cho rằng, xu thế hiện nay các doanh nghiệp không sản xuất hoàn thiện một sản phẩm nhất định. Thay vào đó, mỗi doanh nghiệp thường sản xuất một số chi tiết của sản phẩm. Doanh nghiệp cuối cùng của chuỗi sẽ chịu trách nhiệm lắp ráp, tiêu thụ. Do đó, việc có cụm công nghiệp chuyên ngành sẽ giúp cho các doanh nghiệp “vệ tinh” hoạt động sát nhau, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất và hoàn thiện sản phẩm.
Không chỉ tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất, ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ tỉnh đánh giá, cụm công nghiệp chuyên ngành cũng sẽ hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp thực hiện các quy định của Nhà nước về môi trường, phòng cháy, chữa cháy… “Ngành gỗ yêu cầu cao về phòng cháy, chữa cháy, do đó khi xây dựng hạ tầng cho cụm công nghiệp chuyên ngành gỗ nhà đầu tư cũng sẽ chú trọng đầu tư cho công tác này hơn bình thường” - ông Phan Văn Bình phân tích.
Thực tế, trong xu thế hiện nay, cụm công nghiệp chuyên ngành không chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất mà còn là “động lực” thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Bởi, cụm công nghiệp chuyên ngành sẽ thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong một lĩnh vực nào đó để tạo thành chuỗi sản xuất. Chẳng hạn, ở lĩnh vực cơ khí, DNNVV khó có thể đầu tư để sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh. Một doanh nghiệp sản xuất linh kiện thì sẽ có doanh nghiệp khác làm khâu xi mạ... Do đó, nếu kết nối các doanh nghiệp này vào một cụm thì rất thuận lợi trong hoạt động. Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm các chi tiết phụ tùng từ các doanh nghiệp phụ trợ trong nước cũng thuận lợi. Muốn tìm phụ tùng của ngành nào thì đến ngay cụm công nghiệp ngành đó chứ không phải đi khắp nơi tìm kiếm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, thực tế hiện nay, vấn đề đất sản xuất hỗ trợ cho DNNVV là một điểm khó. Trước đây, Đồng Nai quy hoạch hơn 40 cụm công nghiệp, tuy nhiên sau khi rà soát thì hiện nay còn giữ quy hoạch 27 cụm. Hiện nay việc mở thêm cụm công nghiệp là do ngành Công thương đề xuất. Sở Công thương cũng cần tổng hợp lại ý kiến về nhu cầu của các doanh nghiệp để xem xét. Năm 2020, Đồng Nai sẽ bắt đầu làm quy hoạch tỉnh, trong đó có quy hoạch sử dụng đất. Do đó, cần xác định nhu cầu của các DNNVV về mặt bằng sản xuất là bao nhiêu để có thể cân đối, xem xét vị trí bố trí quy hoạch thêm các cụm công nghiệp. Bởi hiện nay các cụm công nghiệp nằm ở các địa phương như: Định Quán, Tân Phú thì rất ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào bởi khoảng cách xa, vận chuyển nguyên liệu hàng hóa khó khăn. Do đó, nếu quy hoạch mới cũng phải theo hướng tập trung ở những vùng thuận lợi về giao thông, gần các trung tâm kinh tế. |
Phạm Tùng