Kinh tế

Đồng Nai dẫn đầu nông thôn mới nâng cao

Vùng Đông Nam bộ hiện có 311/445 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt gần 70%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (50,8%). Trong đó, Đồng Nai đứng đầu trong xây dựng NTM nâng cao...

Hội nghị tổng kết 10 năm (2010-2019) vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) vừa diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu vào ngày 14-9. Vùng Đông Nam bộ hiện có 311/445 xã đạt chuẩn NTM (đạt gần 70%, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước là 50,8%).

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở Đồng Nai được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Trong ảnh: Tuyến đường giao thông sạch đẹp tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở Đồng Nai được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Trong ảnh: Tuyến đường giao thông sạch đẹp tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Riêng 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, Đồng Nai đứng đầu cả nước trong xây dựng NTM nâng cao với 31 xã đã được công nhận đạt chuẩn.

* Không có “điểm dừng”

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, năm 2019, Đồng Nai tập trung xây dựng NTM nâng cao. Những xã đạt NTM nâng cao sẽ tiếp tục nâng chất đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bằng cách xây dựng NTM kiểu mẫu.    

Về đích sớm trong mục tiêu tỉnh NTM vào năm 2019 nhưng Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai luôn xác định NTM chỉ bền vững khi những yếu tố “nâng chất” đời sống người dân được đặt lên hàng đầu.

Chính vì vậy, ngay sau khi Trung ương ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đồng Nai đã kịp thời cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình và bộ tiêu chí NTM các giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 của tỉnh để tổ chức thực hiện. So với Trung ương, Bộ tiêu chí của Đồng Nai nhiều hơn về số lượng chỉ tiêu và có một số chỉ tiêu yêu cầu đạt ở mức cao hơn. Tỉnh cũng đã chủ động ban hành sớm Bộ tiêu chí NTM nâng cao nhằm tránh tình trạng bằng lòng, thỏa mãn sau đạt chuẩn. Đây cũng là cơ sở để các địa phương giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, đảm bảo tính bền vững, thúc đẩy phong trào phát triển ở trình độ, chất lượng cao hơn.

Trang trại bò Úc tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: Bình Nguyên
Trang trại bò Úc tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: Bình Nguyên

Khi trực tiếp về Đồng Nai khảo sát, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NG/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 25-8-2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhận xét: “Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Trong tái cơ cấu nông nghiệp và việc triển khai chính sách phát triển nông nghiệp, tỉnh cũng có những bước đột phá. Tỉnh cũng đã tạo được cơ chế để thu hút nguồn đầu tư mới, tạo nên sức bật mới từ tiềm năng đã có; nhất là thu hút được doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao”.

Bộ mặt nông thôn đổi mới nhờ được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng từ đường giao thông, trường học, bệnh viện đến các cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí. Cụ thể, hệ thống trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; hệ thống y tế đạt chuẩn; môi trường sinh thái từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh...

Trong đó, vai trò của nông dân vừa là người được thụ hưởng vừa là lực lượng chính tạo nên sự thay đổi lớn này. Ông Thổ Đực, già làng dân tộc Chơro tại xã Bàu Trâm
(TP.Long Khánh) nhớ lại, xã Bàu Trâm tập trung đông đồng bào dân tộc, đời sống khó khăn. Trước đây, đường vào ấp, xóm đều là đường đất, vào mùa thu hoạch, nông dân phải lội sình đội từng bao lúa. Nay các tuyến đường liên xã, liên ấp tại những khu vực có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống đều được đổ bê tông, đi lại rất thuận tiện. “Điểm nổi bật là việc đầu tư các tuyến đường giao thông hoàn toàn từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó có phần do người dân chủ động đóng góp. Việc vận động người dân cũng được vận dụng rất linh hoạt, tùy vào sức dân theo kiểu người có công góp công, người khá “gánh” bớt cho hộ khó khăn hơn” - ông Thổ Đực nói.

* Tập trung sản xuất 

Nền tảng để Đồng Nai xây dựng NTM nâng cao là phát triến sản xuất. Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết: “Xuân Lộc là một trong 4 huyện được chọn xây dựng mô hình điểm về huyện NTM kiểu mẫu của cả nước, nhưng địa phương luôn xác định rõ điều kiện thực tế để đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng vì chú trọng đi vào chất lượng và tính bền vững. Huyện chú trọng vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Cụ thể, Xuân Lộc đặt ra mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/người/năm vào năm 2020, trên 95 triệu đồng/người/năm vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã quan tâm thu hút nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Huyện cũng đã hình thành được các vùng chuyên canh có khả năng xuất khẩu, đạt giá trị cao như: vùng sản xuất xoài 1,4 ngàn hécta; hồ tiêu 2,2 ngàn hécta; 1,4 ngàn hécta chôm chôm; 500 hécta thanh long ruột đỏ...

Nhiều địa phương khác của Đồng Nai cũng đạt kết quả cao trong ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển sản xuất. Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh dẫn chứng, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch như: mô hình trồng bưởi VietGAP cho thu nhập 1,2-2 tỷ đồng/hécta; nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 2,5-3 tỷ đồng/hécta...

 “Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 51,59 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3-4 lần so với 10 năm trước là kết quả của ngành nông nghiệp đã chuyển dịch theo đúng định hướng hiện đại hóa và bền vững” - ông Gọi cho hay.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,099,790       963