Kinh tế

Siết chặt phân lô, bán nền và xây dựng trái phép

Gần đây, tại Đồng Nai liên tục diễn ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp và dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép tràn lan, gây nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh...

Gần đây, tại Đồng Nai liên tục diễn ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép tràn lan, gây nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm tình trạng trên.

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu.
Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu.

Theo Sở Xây dựng, 5 địa phương đang rất “nóng” trong việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép là: TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu.

* Ảnh hưởng lớn đến quy hoạch

Chính quyền địa phương nằm trong các khu vực đang “nóng” về phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xảy ra tình trạng xây dựng trái phép nhiều khẳng định, thời gian qua xuất hiện những nhóm người mua gom đất nông nghiệp ở những khu đông dân cư, sau đó xin phép cải tạo đất nông nghiệp rồi tiến hành san lấp mặt bằng, phân lô, bán nền, dẫn đến xây dựng trái phép tràn lan khó kiểm soát. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch chung của tỉnh cũng như các địa phương.

Theo Sở Xây dựng, trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 1.200 công trình xây dựng vi phạm trong xây dựng và buộc tháo dỡ gần 420 công trình. Trong quý I-2018 có 247 công trình vi phạm về xây dựng và buộc tháo dỡ 116 công trình.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho hay, thời gian tới Đồng Nai sẽ triển khai nhiều dự án giao thông lớn như: đường vành đai 3, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Nếu các địa phương không quản lý chặt, sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp nhiều hơn.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho hay: “Thời gian qua, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp trên địa bàn huyện diễn ra rất phức tạp. Một số doanh nghiệp, nhóm người tổ chức hàng đoàn xe ô tô chở người dân xuống nơi có đất xem qua một chút rồi chở đi luôn. Sau đó về họ tự giao dịch mua bán với nhau nên việc quản lý rất khó khăn”.

Cũng theo ông Hưng, khó quản lý nhất vẫn là tình trạng rao bán đất nông nghiệp đầy trên mạng và hiện chưa có biện pháp xử lý dứt dạt vấn đề trên.

Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Doãn Văn Đồng nhận định: “Một số nơi tại TP.Biên Hòa như: Phước Tân, Tam Phước nhiều thửa đất đã bị tách nát. Thành phố đã xử lý nghiêm những cán bộ quản lý xã, phường để xảy ra phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép nhiều nhưng vẫn còn xảy ra”.

Tương tự, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lương Thị Lan cho hay: “Tại huyện Trảng Bom đã xuất hiện những nhóm người mua gom đất nông nghiệp rồi phân lô bán, khi xã phát hiện đến kiểm tra thì có những người xăm trổ, hung hãn cản trở gây khó khăn. Việc này huyện đã yêu cầu công an can thiệp để xử lý”.

* Xử lý nghiêm người đứng đầu

TP.Biên Hòa là nơi đông dân cư nên nhu cầu về đất ở nhiều, song đất dự án trong gần 2 năm qua giá bị thổi lên cao ngất từ 800 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/nền nên những người có thu nhập thấp không đủ khả năng để mua. Do đó, các đầu nậu mới có nhiều cơ hội phân lô, bán nền đất nông nghiệp. Nhiều người dân vì không đủ khả năng mua đất đầy đủ giấy tờ đã “liều” mua đất nông nghiệp và xây dựng nhà trái phép.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết: “Thành phố đã xử lý 9 cán bộ phường, xã và nhiều cán bộ địa chính để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép nhiều. Đồng thời, Biên Hòa cũng giao cho công an điều tra các nhóm phân lô, bán nền đất nông nghiệp, bảo kê xây dựng trái phép để xử lý”. Ông Dũng cũng nhấn mạnh, tới đây TP.Biên Hòa sẽ tiếp tục xử lý nghiêm cán bộ đứng đầu xã, phường để xảy ra những vi phạm trên.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, nói: “Quy định về san lấp mặt bằng khá rõ, các địa phương có thể căn cứ vào đó xử phạt nghiêm các trường hợp biến tướng để ngăn chặn ngay từ đầu không để xảy ra phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép”.

Theo ông Đỗ Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, tình hình xây dựng trái phép từ năm 2017 đến nay tăng khá cao. Tuy các địa phương đã tiến hành phá dỡ hàng trăm công trình nhưng xây dựng trái phép tại các địa phương đông dân cư vẫn diễn ra. Vì thế, Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Xây dựng phối hợp các địa phương kiểm tra, thanh tra các xã, phường đang nóng về đất đai và xử lý theo đúng pháp luật. Những xã, phường còn để xảy ra tình trạng trên thì chủ tịch UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,995,021       555