Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) là một trong số ít hợp tác xã thực hiện thành công dự án cánh đồng lớn tại Đồng Nai. Hiện dự án cánh đồng lớn liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng do hợp tác xã đầu tư đã có gần 60 hécta được chứng nhận VietGAP, được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt.
Bà Đặng Thị Thúy Nga (bìa phải) giới thiệu các sản phẩm trái cây đặc sản của Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định tại hội thảo xây dựng và phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản do Đồng Nai tổ chức. |
Điều đặc biệt là người cầm lái cho đơn vị tập thể này là một nữ giám đốc nhanh nhạy về thị trường.
* Gắn kết với nông dân
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định, chia sẻ: “Gia đình có vườn cây trồng chôm chôm và sầu riêng. Tôi ở ngay vùng trái cây nên mở thêm vựa thu mua, đóng hàng trái cây cung cấp đi khắp nơi”.
Để đủ nguồn hàng cung cấp đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước, ngay từ đầu mùa, bà thường mua “mão” cả vườn của nông dân hoặc ứng vốn trước cho nông dân đầu tư.
“Hơn 30 năm kinh doanh mặt hàng trái cây, tôi không chỉ quan tâm xây dựng mạng lưới bạn hàng tiêu thụ mà còn làm bạn cùng nông dân, được họ tin tưởng, gắn bó. Nhờ đó, tôi luôn nắm rõ đặc điểm, tình hình của từng vùng cây trái mỗi vụ thu hoạch” - bà Nga nói.
Khoảng 5-7 năm trở lại đây, mặt hàng sầu riêng lên ngôi, cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều hút hàng nên là một trong những loại trái đặc sản đứng tốp đầu về lợi nhuận. Bà Nga cũng nhanh nhạy chuyển đổi, vừa cho trồng thêm sầu riêng trong diện tích vườn nhà, vừa đưa trái sầu riêng thành mặt hàng chủ lực trong kinh doanh.
* Xây dựng chuỗi liên kết
Năm 2014, bà Nga tiếp quản vị trí Chủ nhiệm hợp tác xã, bắt tay vào xây dựng dự án cánh đồng lớn cho cây sầu riêng. Ngay năm đầu, Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định đã tiêu thụ được hàng trăm tấn sầu riêng cho nông dân. Bà Nga tâm sự: “Khi bắt tay vào làm mới thấy đủ thứ phải học, phải làm. Trong đó, khó nhất vẫn là các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục để được hỗ trợ khi triển khai dự án cánh đồng lớn. Tôi bận tối mặt, khi thì tham gia các buổi họp hành, khi đi xúc tiến thương mại...”.
Bà Nga tự bỏ tiền túi đi học kinh nghiệm từ các hợp tác xã làm ăn hiệu quả; bỏ công, bỏ của tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại... Mong muốn của bà là quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Xuân Định, trong đó có đặc sản trái sầu riêng. Bà cũng nhờ doanh nghiệp tư vấn, kế toán viên chuyên nghiệp lập hồ sơ, giấy tờ để hợp tác xã vận hành như một doanh nghiệp.
Theo bà Nga, đầu năm nay, hợp tác xã đã thành lập được tổ dịch vụ vật tư nông nghiệp nhằm cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá tốt cho xã viên. Các xã viên tham gia dự án được hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng VietGAP, được hỗ trợ về vật tư nông nghiệp theo chính sách cánh đồng mẫu lớn... Mới đây, hợp tác xã đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sầu riêng xuất khẩu với giá tốt hơn mặt bằng chung ngoài thị trường, một số sản phẩm trái cây của hợp tác xã đã vào được kênh tiêu thụ của siêu thị.
Bình Nguyên