Kinh tế

Chủ động ứng phó trước thiên tai

Theo dự báo, năm 2018 tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đã xuất hiện cơn bão số 1; trong tháng 1 và tháng 3 xuất hiện các đợt mưa trái mùa diện rộng kéo dài, nhiều khu vực xuất hiện mưa to.

Vụ thu hoạch năm nay, cây xoài lại tiếp tục mất mùa do ảnh hưởng thời tiết thất thường. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).
Vụ thu hoạch năm nay, cây xoài lại tiếp tục mất mùa do ảnh hưởng thời tiết thất thường. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).

Theo đó, từ tỉnh đến các địa phương trên địa bàn Đồng Nai đã chủ động xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó.

* Biến động thất thường

Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Trong những tháng đầu năm, nền nhiệt độ trung bình trên khu vực cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4-0,80C. Cuối tháng 4 và đầu tháng 5 tiếp tục là thời kỳ nắng nóng cao điểm với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-380C. Đây cũng là thời điểm xuất hiện mưa chuyển mùa, cần đề phòng lốc xoáy, dông, sét. Lũ đầu mùa có thể xảy ra vào cuối tháng 6, lũ chính vụ xuất hiện vào các tháng 8, 9”.

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch năm 2018 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn cho các công trình trọng điểm, các đập chứa nước có quy mô lớn, nhất là các đập đầu nguồn. Các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền để người dân chủ động trong phòng, chống thiên tai.

Sản xuất nông nghiệp thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, thời tiết thất thường. Bà Đặng Thị Lành, nông dân trồng xoài tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), than thở: “Mưa trái mùa thất thường rồi sương muối xuất hiện vào giai đoạn xoài ra bông, đậu trái non, nên vụ này hơn 6 sào đất trồng xoài của tôi chỉ thu được vài tạ trái. Tiền thu về không đủ bù tiền phân, tiền thuốc chứ chưa tính công sức cả năm chăm sóc”.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh), nhận xét: “Mưa trái mùa khiến vụ trái cây hè năm nay đến muộn hơn mọi năm. Trong đó, chôm chôm nhiều vùng bây giờ mới ra bông thì phải đến rằm tháng 8 mới cho thu hoạch, trễ hơn 3 tháng so với mọi năm. Vườn nào sớm hơn cũng trễ hơn 2 tháng. Sầu riêng cũng trễ vụ cả tháng”.

Theo ông Tâm, trễ vụ nhưng năng suất sầu riêng, chôm chôm vẫn khá tốt. Nhưng sự thay đổi quá thất thường về mùa vụ thì vấn đề giá bán trái cây đang là nỗi bất an lớn nhất với nông dân hiện nay.

* Sẵn sàng ứng phó

Trước dự báo diễn biến phức tạp của thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động triển khai kế hoạch hoạt động ngay từ đầu năm 2018. Trong đó, nội dung phòng thiên tai được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Hữu Khánh Ngọc, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty thủy điện Trị An, cho biết trong mùa mưa lũ năm 2018, công ty đã lập kế hoạch quản lý và phòng, chống thiên tai cho  đập thủy điện Trị An. “Trong quá trình điều tiết nước hồ chứa, công ty sẽ thường xuyên thông báo lưu lượng xả nước từ hồ Trị An, trao đổi thông tin từ mực nước hồ, lưu lượng và tình hình mưa trên lưu vực hồ chứa đến các địa phương và các cơ quan có liên quan” - ông Ngọc nói.

Trước khi vào mùa mưa lũ, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cũng đã tập trung kiểm tra các công trình thủy lợi nhằm đánh giá lại tình trạng và năng lực của từng công trình để có kế hoạch tu sửa. Ông Lê Văn Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, cho hay: “Công ty sẽ tổ chức trực ban tại văn phòng công ty, tại các trạm thủy lợi ở địa phương và các công trình trọng yếu từ tháng 5 đến tháng 12. Những ngày thời tiết xấu, mưa bão, thời kỳ cao điểm của mùa mưa, hoạt động trực ban này được thực hiện 24/24 giờ tại tất cả các điểm trực; thường xuyên kiểm tra công trình và báo cáo diễn biến mực nước”.

Năm nay, các địa phương cũng chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai. TX.Long Khánh thường xảy ra lốc xoáy vào đầu mùa mưa và ngập úng cục bộ tại một số khu vực khi xảy ra mưa lớn.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó trưởng phòng Kinh tế TX.Long Khánh, chia sẻ: “Ngay từ đầu năm, UBND thị xã đã chỉ đạo cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn thị xã, UBND các phường, xã, các cơ quan, đơn vị hướng dẫn người dân gia cố, neo cột mái nhà, trường học, trụ sở... để hạn chế thiệt hại do lốc xoáy; tổ chức chặt tỉa, đốn hạ cây xanh mục ruỗng, sâu bệnh, dễ đổ ngã, đảm bảo an toàn thông suốt trên các tuyến đường; kiểm tra các công trình điện trên địa bàn...”.

Lê Quyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,995,017       554