Việc ký và triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) được cho là sẽ làm môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trở nên thuận lợi hơn, cạnh tranh ở tầm mức cao hơn, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức cho người nông dân khi mở rộng cửa cho thị trường nhập khẩu nông sản.
Nông dân xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) cưa bỏ vườn tiêu ngay trong mùa thu hoạch vì giá tiêu xuống thấp. |
Nhưng khi thị trường nông sản không còn một mình một sân, nông dân bị tác động ra sao và cần phải làm gì để không bị chìm khi “bơi ra biển lớn”, là một câu hỏi không dễ trả lời.
Vài năm trở lại đây, thị trường nông sản phải đối mặt với hàng loạt cơn sóng lớn. Nông dân rơi vào thế chới với bị động chờ giải cứu, từ cứu heo đến cứu chuối và gần đây nhất là ngành mía đường đang rơi vào cảnh chờ chết.
Thực tế khó khăn nhất hiện nay là sau những cơn chìm nổi trong sóng lớn, nông dân vẫn rất lúng túng chưa thể thoát ra vòng luẩn quẩn chặt - trồng, trồng - chặt.
* Điệp khúc “giải cứu”
Đồng Nai là tỉnh đứng đầu cả nước về chăn nuôi heo. Đây cũng là một trong những vật nuôi chủ lực của tỉnh. Theo quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ đạt tổng đàn heo khoảng 2 triệu con. Nhưng đến năm 2017, tổng đàn heo đã vượt qua con số trên do thời gian trước đó giá heo hơi liên tục đạt mức cao khiến ngành này tăng trưởng nóng. Và khi con heo lại rơi vào cảnh cần giải cứu vì khủng hoảng thừa, người nuôi phá sản hàng loạt.
Chuối xuất khẩu vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Đóng chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom). |
Giá heo hơi đột ngột tăng cao vào giữa tháng 4-2018 cho thấy nguồn cung đã giảm mạnh do người nuôi đồng loạt bỏ đàn. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhận xét: “Việc phá sản trong chăn nuôi thời gian qua không chỉ diễn ra ở các hộ nhỏ, lẻ mà các trang trại lớn cũng lỗ tiền tỷ mỗi chu kỳ nuôi. Người chăn nuôi phá sản kéo theo sự vỡ nợ của rất nhiều đại lý cám. Đến khi giá heo khởi sắc, chăn nuôi tư nhân cũng rất khó tái đầu tư vì không còn vốn. Chăn nuôi hiện chỉ tăng trưởng ở khu vực các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”.
Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn: “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp của chúng ta là đúng hướng vì căn cứ trên việc tính toán nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Nguyên nhân chính của tình trạng cung vượt cầu là do người dân vẫn chạy theo phong trào trong sản xuất. Chính vì vậy, nội dung quan trọng của tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện nay là cần rà soát lại để định hướng phát triển cây, con chủ lực theo sát nhu cầu thị trường bằng cách xây dựng được những chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. |
Nhờ lợi nhuận tích lũy từ nuôi heo mà gia đình ông Nguyễn Văn Chiểu tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) đã tăng đàn từ vài chục con lên hàng trăm heo nái và hàng ngàn heo thịt với hệ thống trại lạnh rộng hơn 7 ngàn m2, tạo việc làm cho cả chục lao động tại địa phương. Ông Chiểu cũng rất tích cực ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhưng vì liên tục thua lỗ suốt thời gian dài do heo hơi rớt giá, ông Chiểu buộc giảm tổng đàn chỉ còn một nửa so với trước. “Tôi không biết còn có thể duy trì được đàn heo thêm bao lâu với tình trạng càng nuôi càng lỗ như hiện nay. Việc thay đổi hay đầu tư theo yêu cầu tăng sức cạnh tranh của chăn nuôi trong hội nhập là điều quá xa vời với người chăn nuôi chúng tôi trong cảnh kiệt quệ hiện nay” - ông Chiểu nói.
Về lĩnh vực cây trồng, dù Đồng Nai đã sớm lập quy hoạch phát triển cây trồng chủ lực từ rất sớm với mục tiêu phát triển bền vững, nhưng thực tế hết chuối rồi đến xoài, hồ tiêu... đều cần giải cứu vì sản xuất không đi theo nhu cầu của thị trường. Trong đó, câu chuyện thời sự nóng nhất hiện nay là nông dân đua nhau chặt bỏ cây tiêu cũng vì nguyên nhân hồ tiêu gặp khủng hoảng thừa nên rớt giá. Vì theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 diện tích hồ tiêu đạt từ 9-10 ngàn hécta. Nhưng mới đến năm 2017, diện tích này đã tăng lên gần 18 ngàn hécta, vượt gấp đôi so với quy hoạch đề ra.
Vài năm trở lại đây, xuất khẩu trái cây tăng trưởng mạnh. Nhưng sự ổn định về thị trường cho nhiều loại trái cây giàu tiềm năng xuất khẩu như: bưởi, xoài, thanh long, sầu riêng... vẫn là bài toán khó. Cụ thể, trái xoài tuy đang “hot” trên thị trường xuất khẩu nhưng nông dân trồng xoài vẫn rơi vào cảnh chờ hỗ trợ. Năm 2016, nông dân trồng xoài Đồng Nai kêu cứu vì xoài đổ đống, bán rẻ như cho cũng không có người mua. Năm 2017, UBND tỉnh đã phải trích kinh phí trên 83 tỷ đồng hỗ trợ nông dân trồng xoài, trồng điều rơi vào cảnh trắng tay vì mất mùa. Nông dân trồng xoài đang tính chuyện chặt bỏ cây trồng này vì vụ thu hoạch năm nay xoài tiếp tục mất mùa nhưng giá vẫn thấp và khó bán vì không cạnh tranh lại với xoài keo giá rẻ nhập khẩu từ Campuchia.
* Luẩn quẩn chặt - trồng
Tiếp câu chuyện vòng luẩn quẩn chặt - trồng với cây xoài, toàn tỉnh hiện có trên 11 ngàn hécta xoài, chủ yếu là giống xoài ba mùa mưa. Trước đây, đầu ra của xoài ba mùa mưa tốt vì Trung Quốc nhập khẩu về làm nguyên liệu chế biến nước ép. Nhưng vài năm trở lại đây, xoài ba mùa mưa chỉ còn tiêu thụ nội địa nhưng ngày càng đuối sức vì khó cạnh tranh lại xoài Campuchia giá rẻ. Theo đó, nông dân lại đang ồ ạt bỏ xoài ba mùa mưa chuyển sang giống xoài Đài Loan hiện xuất khẩu tốt sang Trung Quốc.
Chuối xuất khẩu vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Đóng chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom). |
Ông Lê Thanh Phong, chủ vựa xoài tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), nhận xét: “Thất mùa, mất giá nên nông dân trồng xoài đang nợ tiền phân, tiền thuốc ở các đại lý rất nhiều; có người phải bán đất trả nợ. Nông dân nào còn khả năng đều tính chuyện chuyển đổi sang giống xoài Đài Loan dù không ít lần gặp cảnh ế hàng dội chợ khi Trung Quốc không mua”.
Năm 2017, Đồng Nai đã phải thành lập Ban giải cứu chuối vì vào vụ thu hoạch, trái chuối già xuất khẩu không có nơi tiêu thụ. Năm nay, chuối xuất khẩu bất ngờ sốt giá, nông dân lại đua nhau chặt bỏ cây tiêu đang rơi vào cảnh rớt giá để chuyển sang trồng chuối. Chỉ tính riêng tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), trên 70 hécta tiêu đã bị chặt bỏ để lấy đất trồng chuối. Ông Lâm Mã Phúc, nông dân xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), chặt bỏ 2 hécta tiêu hơn 6 năm tuổi đã đầu tư tiền tỷ vì: “Giá tiêu quá thấp, thu không đủ bù chi. Trong khi đó, mỗi hécta chuối đang thu lời hàng trăm triệu đồng, chi phí đầu tư ít hơn cây tiêu, lại nhanh cho thu hoạch”.
Trước tình trạng nông dân ồ ạt trồng chuối xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, chủ vựa chuyên đóng chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Tiềm năng thị trường của trái chuối xuất khẩu còn rất lớn vì Trung Quốc không chỉ nhập chuối bán cho dân nước họ mà còn đóng hàng xuất đi nhiều nước khác, nhưng xuất đi Trung Quốc luôn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, việc ồ ạt trồng chuối như hiện nay có thể sẽ tái diễn cảnh đổ bỏ chuối vì không có nơi tiêu thụ như đã từng xảy ra trước đó”.
Bình Nguyên - Kim Ngân
Bài 2: Thách thức lớn, tư duy vẫn nhỏ