Kinh tế

Metro sẽ nối về đâu?

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản vừa đề xuất 2 phương án hướng tuyến metro (đường sắt đô thị) số 1 Bến Thành - Suối Tiên kéo dài đến TP.Biên Hòa.

Tuy nhiên, đề xuất hướng tuyến mà nhóm nghiên cứu đưa ra gặp phải bất ổn trong quy hoạch giao thông, đô thị của TP.Biên Hòa.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được thi công.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được thi công.

Theo dự kiến, từ ga cuối Suối Tiên sẽ xây đường tách khỏi quốc lộ 1 kéo dài về phía Bắc khoảng 2km gần giáp ranh với Bình Dương và Đồng Nai để xây dựng một ga nút giao. Theo phương án 1, từ ga nút giao này đến Dĩ An, Bình Dương sẽ xây đường trục chạy dọc đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến Dĩ An hoặc phương án 2 đi qua khu trung tâm TX.Dĩ An. Từ ga nút giao đi TP.Biên Hòa cũng theo 2 phương án là kéo dài qua cù lao Hiệp Hòa đến trung tâm TP. Biên Hòa hoặc đến ngã tư Vũng Tàu.

* Sợ “vết xe đổ”

Ông Tatsuya Masuzawa, Giám đốc dự án xây dựng metro tuyến số 1, cho biết dựa trên đề xuất của 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nhằm kéo dài tuyến metro số 1 đến 2 địa phương, UBND TP.Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Cuối tháng 5-2016, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho khảo sát nghiên cứu tiền khả thi tuyến metro số 1 kéo dài. Chi phí nghiên cứu tiền khả thi do phía Nhật Bản tài trợ.

Sau khi khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các hướng tuyến dự kiến. Theo ông Koichi Tanuma, kỹ sư trưởng dự án, sở dĩ nhóm nghiên cứu đề xuất đoạn kéo dài tách khỏi quốc lộ 1 đi ngược lên phía Bắc khoảng 2km để tránh áp lực giải phóng mặt bằng dễ gây chậm tiến độ, không lặp lại tình trạng như đoạn đang xây dựng. Bên cạnh đó, phương án này góp phần phát triển được các cụm đô thị ở khu vực đất còn trống gần các mỏ đá đã khai thác.

Cũng theo ông Koichi Tanuma, nếu bám sát quốc lộ 1 sẽ không có đủ diện tích đất để xây dựng quảng trường nhà ga giúp các phương tiện khác kết nối. Vấn đề này đang gặp phải ở tuyến metro số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên. “Bên ngoài là quốc lộ 1, bên trong là đường song hành chỉ còn vừa đủ quỹ đất xây dựng nhà ga cho hành khách lên xuống. Theo đúng nguyên tắc phải có quảng trường nhà ga để những phương tiện khác kết nối vào mới tăng được tính hiệu quả” - ông Koichi Tanuma nói.

Ông Tatsuya Masuzawa cho biết thêm, tiến độ ban đầu của tuyến metro số 1 dự kiến thời gian hoàn thành dự án vào cuối năm 2015. Nhưng do vướng mặt bằng, công trình bị trễ thêm 5 năm và phải đến năm 2020 mới đi vào khai thác. Ông Tatsuya Masuzawa ngao ngán chia sẻ: “Đúng ra đến nay tuyến metro phải đi vào hoạt động rồi. Nhưng thực tế hiện nay khối lượng công trình mới đạt được khoảng 70%, rồi còn xảy ra khiếu kiện giữa nhà thầu và chủ đầu tư do không có mặt bằng thi công, bị trễ tiến độ”.

* Băn khoăn hướng, tuyến

Các cơ quan chuyên môn của tỉnh phân tích, việc hướng tuyến như nhóm nghiên cứu đề xuất xem ra không hợp lý, bởi như vậy sẽ vướng vào rất nhiều quy hoạch. Đại diện Sở Xây dựng cho biết hướng tuyến như vậy, metro sẽ phải đi qua 2 cù lao là Tân Vạn và Hiệp Hòa. Trong khi cù lao Hiệp Hòa được quy hoạch là “lá phổi” cho trung tâm TP.Biên Hòa nên xây dựng nhà ga tại đây không phù hợp; với cù lao Tân Vạn, đã có dự án chủ đầu tư đang chuẩn bị triển khai nên không thể thu hồi.

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cho rằng nhóm nghiên cứu cần phải xem xét lại về hướng tuyến vì tuyến metro này sẽ có tác động rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế của TP.Biên Hòa sau này. “Nếu buộc phải đi qua cù lao Hiệp Hòa cũng cần tính toán đi vào cù lao này một cách ít nhất có thể và không xây dựng nhà ga nơi đây” - ông Bình nói. Cũng theo ông Bình, nhà ga trung tâm của metro ở TP.Biên Hòa cũng không nên đặt tại ngã tư Vũng Tàu như quy hoạch cũ vì nơi đây là điểm nóng về kẹt xe. Sở Giao thông - vận tải giữ quan điểm tuyến metro nên đi theo quốc lộ 1 vì từ ga cuối hiện nay đến Đồng Nai chỉ hơn 4km và phù hợp với quy hoạch giao thông, không phải xin điều chỉnh quy hoạch, mất nhiều thời gian.

Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, đã đề nghị nhóm nghiên cứu khảo sát hướng tuyến đưa nhà ga trung tâm đặt tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, từ đây nối các tuyến tiếp theo vào trung tâm thành phố và lên khu vực chợ Sặt. Như vậy, vừa đảm bảo có quỹ đất đủ rộng để xây dựng, đồng thời thuận tiện cho người dân đi lại và các tuyến xe công cộng kết nối.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,245,766       536