Kinh tế

Nhiều dự án chậm do vướng thu hồi đất

Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, Đồng Nai có 644 dự án phải thu hồi đất với diện tích gần 5.700 hécta. Thu hồi đất ở những dự án lớn thường kéo dài, dẫn đến nhiều công trình triển khai chậm.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, nguyên nhân chính dẫn đến việc thu hồi đất cho các dự án kéo dài là do: thiếu vốn để bồi thường giải phóng mặt bằng; các địa phương đăng ký nhiều dự án nhưng không triển khai thực hiện được; quản lý đất đai ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, dẫn đến việc sử dụng đất trái quy hoạch, hoặc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nên khi bồi thường thu hồi đất rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều dự án người dân không đồng thuận dẫn đến thu hồi đất chậm.

Kéo dài nhiều năm

Một số chủ dự án cho biết, các dự án phải thu hồi diện tích đất lớn thường kéo dài nhiều năm, vì quá trình thực hiện bồi thường, tái định cư khá lâu. Trong số 644 dự án, công trình phải thu hồi đất, đến đầu tháng 9-2016 toàn tỉnh vẫn còn khoảng 35% các dự án chưa triển khai thu hồi đất (tương đương hơn 220 dự án). Số dự án đang tiến hành thu hồi đất cũng diễn ra chậm so với tiến độ. Những địa bàn có nhiều dự án chưa thu hồi đất để thực hiện là: TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu.

Dự án khu dân cư ngay trung tâm huyện Nhơn Trạch kéo dài nhiều năm do chủ đầu tư chưa bồi thường, thu hồi đất (ảnh nhỏ).
Dự án khu dân cư ngay trung tâm huyện Nhơn Trạch kéo dài nhiều năm do chủ đầu tư chưa bồi thường, thu hồi đất (ảnh nhỏ).

Ông Nguyễn Tấn Long, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho hay: “Nhiều dự án thu hồi đất kéo dài là vì người dân không đồng tình nên đã khiếu nại. Bên cạnh đó, những hộ dân bị thu hồi đất hầu hết yêu cầu được bố trí tái định cư gần khu vực mình đang sinh sống. Thế nhưng, quỹ đất tái định cư tại các phường nội ô của thành phố không còn”. Thực tế, yêu cầu của người dân bị thu hồi đất như vậy là chính đáng, vì nhiều hộ gia đình đang sống yên ổn ở những phường nội ô, đi lại làm việc, học tập cho con cái và các sinh hoạt khác đều thuận lợi. Song do thực hiện các dự án, họ phải giao đất chuyển đến nơi ở mới nhưng nơi đó khá xa trung tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, rất ít hộ đồng tình.

Ông Nguyễn Văn Hùng ngụ ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) nói: “Dân chúng tôi ủng hộ Nhà nước làm các dự án và sẵn sàng giao đất khi Nhà nước thu hồi, song phải đảm bảo tiền bồi thường tương đương với giá trị đất hiện tại. Nếu thu hồi hết đất, nơi bố trí tái định cư phải gần khu vực đang sinh sống để bớt ảnh hưởng đến đời sống của người dân”.

Rà lại các dự án

Tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu... cũng có những dự án thu hồi đất kéo dài 4-6 năm chưa hoàn thành do vướng bồi thường, tái định cư nên người dân không chịu giao đất. Theo ông Phạm Hoàn An, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Nhơn Trạch, huyện đang cần thu hồi đất của 87 dự án có diện tích gần 2.100 hécta. Các dự án đang triển khai thực hiện phần lớn là có quy mô lớn, đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để thực hiện thu hồi đất, giao đất hoặc thuê đất. Việc thực hiện các thủ tục với các dự án sử dụng đất có quy mô lớn rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

Ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết: “Tới đây, sở sẽ phối hợp với các địa phương rà soát lại tất cả các dự án phải thu hồi đất để có hướng giải quyết cụ thể. Những dự án kéo dài do chủ đầu tư không đủ khả năng sẽ rút giấy phép. Đồng thời, các địa phương cũng phải rà soát lại những dự án, công trình đủ khả năng thực hiện mới đưa vào quy hoạch, tránh quy hoạch tràn lan ảnh hưởng đến người dân”.

“Những dự án, công trình thu hồi đất kéo dài trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều. Do đó, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát lại từng dự án, tham mưu cho tỉnh cách giải quyết để đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, để nhà đầu tư có đất sạch làm dự án. Các quy định về bồi thường, tái định cư, thu hồi đất phải công khai rõ ràng để người dân biết. Như vậy, sẽ giảm được tình trạng khiếu nại” - ông Lại Thế Thông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói.

Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhận xét: “Những dự án, công trình triển khai chậm luôn là vấn đề được đông đảo người dân trong tỉnh quan tâm, vì thế các địa phương phải giám sát các dự án liên tục. Nếu phát hiện nhà đầu tư không đủ năng lực, đề nghị tỉnh xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Khánh Minh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,266,343       1,194