Thị trường phân bón được cho là sẽ được chuẩn hóa, lành mạnh hơn sau khi Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón có hiệu lực từ ngày đầu tháng 2-2016.
Sau ngày này, sản phẩm của những doanh nghiệp (DN) chưa được cấp phép sẽ không được lưu hành trên thị trường. Song hiện thị trường vẫn trong cảnh “bình mới rượu cũ”.
Sản xuất phân bón tại Công ty TNHH một thành viên An Điền (huyện Vĩnh Cửu). |
Những DN tuân thủ tốt nên đủ điều kiện được cấp phép theo quy định mới lại chịu thiệt thòi khi thị trường phân bón vẫn tràn lan các sản phẩm của những cơ sở sản xuất không phép.
Có hiệu lực, vẫn nằm trên giấy
Số liệu từ Cục Trồng trọt cho thấy, tính đến đầu tháng 9, cả nước có 89 DN, cơ sở sản xuất được cấp phép với 268 loại phân bón hữu cơ và phân bón khác đã công bố hợp quy. Như vậy, sau hơn 7 tháng từ khi Nghị định 202 có hiệu lực, số đơn vị sản xuất phân bón được cấp phép chiếm chưa đến 10%. Đồng Nai cũng chỉ có 13/37 cơ sở, DN sản xuất phân bón được cấp phép chiếm tỷ lệ trên 35%.
Theo một số DN sản xuất phân bón đã được cấp phép, việc hoàn thiện thủ tục theo Nghị định 202 rất khó khăn, phức tạp. Kỳ vọng nghị định mới sẽ góp phần chuẩn hóa, sàng lọc thị trường phân bón vẫn “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay. DN chấp nhận đầu tư chi phí cải tạo từ khâu sản xuất, nhân lực đến thuê dịch vụ hoàn tất về mặt hồ sơ, thủ tục...
Ông Bùi Khôi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên An Điền (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “Trên lý thuyết, khi nghị định này có hiệu lực, những DN không có phép sẽ không được tham gia vào thị trường. Nhưng thực tế họ vẫn chiếm số lượng áp đảo và vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường”.
Doanh nghiệp đề nghị kiểm soát mạnh
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Nai, đơn vị đã gửi văn bản kiến nghị lên Cục Trồng trọt tạo điều kiện để nhanh chóng cấp phép cho các đơn vị sản xuất phân bón. Thời gian tới, chi cục cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón. |
Theo ông Khôi, tình trạng này gây thiệt thòi rất lớn cho các DN làm đúng. Vì những DN sản xuất thủ công theo kiểu trộn phân bằng cuốc, xẻng không có phép vẫn được tham gia vào thị trường, cạnh tranh không lành mạnh bằng giá rẻ. Đây cũng chính là những kẽ hở khiến thị trường phân bón khó minh bạch và vẫn tồn tại cảnh “vàng thau lẫn lộn”.
Cùng quan điểm, đại diện Công ty TNHH phân bón hữu cơ Bách Tùng (TX.Long Khánh) cũng cho rằng việc nghị định đã có hiệu lực nhưng chưa đi vào thực tế đang đẩy những thiệt thòi cho DN làm tốt. Vị đại diện này so sánh: “Chúng tôi đi chào sản phẩm ra thị trường, chỉ một số đại lý lớn mới quan tâm đến việc DN có phép hay không. Trong khi đó, mạng lưới các đại lý nhỏ lẻ phủ sóng khắp các xã, các ấp lại chẳng mấy quan tâm, họ chuộng sản phẩm rẻ vì cho lợi nhuận cao chứ không phải là uy tín, chất lượng”.
Theo các nhà sản xuất, khâu quản lý thị trường phân bón còn nhiều kẽ hở chính là nguyên nhân dẫn đến nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Trong đó, tình trạng cung ứng chồng chéo của thị trường phân bón, hệ thống đại lý tiêu thụ có quá nhiều cấp cũng gây khó khăn trong quản lý và là nguyên nhân đội giá thành sản phẩm của mặt hàng này.
Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Nai, cho biết: “Theo quy định mới, chi cục hiện chỉ quản lý hoạt động sản xuất của một số DN sản xuất phân bón hữu cơ của địa phương. Trong khi đó, nguồn phân bón do các DN sản xuất ngoài tỉnh bán tại Đồng Nai rất đa dạng nhưng công tác quản lý chủ yếu thông qua phần ngọn là các đại lý kinh doanh còn nhiều hạn chế. Đây cũng là những kẽ hở cho nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn ra thị trường”.
Bình Nguyên