Thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư và triển khai các dự án cánh đồng lớn là yêu cầu tất yếu để tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp. Thực tế, không thiếu nhà đầu tư có nhu cầu làm dự án cánh đồng lớn lại gặp khó khăn vì rào cản về đất đai.
Doanh nghiệp mong hỗ trợ về mặt chính sách để xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho cây chuối xuất khẩu. Trong ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại huyện Trảng Bom. |
Theo nhiều DN, khó khăn chủ yếu hiện nay về đất đai, gồm: giá đất nông nghiệp quá cao, diện tích manh mún, nhỏ lẻ; những chính sách ưu đãi cho nông nghiệp vẫn chưa đi vào thực tế...
Đất nông nghiệp “sốt” ảo
Dự án Khu liên hiệp công nông nghiệp Dofico (Agropark) do Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai làm chủ đầu tư là dự án trọng điểm về nông nghiệp của Đồng Nai, nhưng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai. Một trong những nguyên nhân chính là chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án nông nghiệp này được áp dụng như với dự án khu công nghiệp. Nguyên nhân chính này khiến giá đất bồi thường cho đất của dân rất cao, khiến giá đất cho thuê của dự án cao gấp 2-3 lần so với giá thực tế tại địa phương.
Thời gian qua, Công ty cổ phần đầu tư Thành Thành Công đẩy mạnh việc xây dựng những vùng chuyên canh lớn cho cây mía, đưa cơ giới hóa, công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh cho cây trồng này trong hội nhập. DN này mong muốn địa phương hỗ trợ về quỹ đất với quy mô hàng ngàn hécta để xây dựng những cánh đồng lớn cho cây mía. Tuy nhiên, diện tích thực tế chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu của DN.
Đất nông nghiệp tại Đồng Nai được đánh giá là đứng ở tốp đầu về mức giá so với nhiều tỉnh, thành lân cận. Trong đó, có thực tế là tình trạng “sốt” giá ảo và nhất là thời gian gần đây ngày càng nóng tình trạng đất nông nghiệp ăn theo các dự án công nghiệp và đô thị được phân lô bán nền khiến 1 hécta đất nông nghiệp có thời điểm bị đẩy lên cả chục tỷ đồng. Điều này càng gây khó khăn cho DN trong việc triển khai các dự án cần quỹ đất lớn. Ông Phan Đình Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên nông sản Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), nhận xét: “Hiện DN không thiếu các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vấn đề liên kết, rót vốn để xây dựng vùng nguyên liệu chuối già xuất khẩu. Nhưng chúng tôi vẫn chưa triển khai được dự án nào tại Đồng Nai mà phải lặn lội đi các tỉnh, thành khác để làm dự án”. Theo ông Khoa, nguyên nhân chính là quỹ đất nông nghiệp của Đồng Nai không còn nhiều. Nhưng cái khó nhất hiện nay là mặt bằng chung của giá đất nông nghiệp quá cao do ăn theo đất công nghiệp, đất đô thị. DN muốn thuê đất với diện tích lớn thường phải chấp nhận mức giá cao, trả trước 1 lần; ngay cả quỹ đất của Nhà nước thì cũng phải thuê qua các đơn vị trung gian nên DN không tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Cần chính sách liên kết
Ông Khoa cho biết thêm, riêng về cây chuối, tại 2 huyện Thống Nhất và Trảng Bom đã hình thành những vùng chuyên canh. Đây là tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng chuỗi liên kết giữa DN và nông dân để hình thành các dự án cánh đồng lớn cho cây trồng này. “Chuỗi liên kết giữa DN và nông dân dễ dàng bị phá vỡ ở cả 2 phía do chưa xây dựng được lòng tin giữa DN và nông dân, và ràng buộc về mặt pháp lý cũng còn lỏng lẻo” - ông Khoa nói.
Cùng gặp phải những khó khăn trên, bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Chúng tôi rất tâm huyết với việc đầu tư xây dựng những dự án cánh đồng lớn cho cây lúa và cây chuối phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Chúng tôi cũng đã ký kết được những hợp đồng lâu dài xuất khẩu vào những thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Nhưng hiện DN chỉ mới thuê đất triển khai được những dự án trồng lúa, trồng mía với quy mô chỉ vài chục hécta, đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu xuất khẩu hiện nay”. Theo bà Nhung, DN rất mong tạo được liên kết với nông dân để hình thành được những cánh đồng thực sự lớn. Tuy nhiên, để giải bài toán, DN rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tháo gỡ những vướng mắc về: đất đai, nguồn vốn, xây dựng chuỗi liên kết.
Bình Nguyên