Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không nên cho phép nhiều đơn vị triển khai dịch vụ, công nghệ thu phí tự động không dừng, chỉ nên giới hạn 2-3 đơn vị.
|
Hệ thống trạm thu phí không dừng đối với các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Thông tin này được đưa ra tại báo cáo tổng thể công tác xây dựng biện pháp quản lý, kiểm soát, giám sát chống thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí BOT trên các tuyến Quốc lộ của Tổng cục Đường bộ.
Về triển khai công nghệ thu phí tự động không dừng, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng đã triển khai các thủ tục lựa chọn các nhà thầu tư vấn, nhà thầu công nghệ thông tin, lắp đặt thiết bị... đặc biệt, đã triển khai khảo sát thiết kế 24/28 trạm; chưa khảo sát được 4/28 trạm do chưa có mặt bằng trạm thu phí (thuộc các dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, BOT tuyến tránh Sóc Trăng, BOT Quốc lộ 1 Bạc Liêu).
Phía nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng cũng lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí ETC tại 5 trạm gồm Quảng Đông (Quảng Bình), Toàn Mỹ (Đăk Nông), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Đăk Đoa (Gia Lai), Chư Pưh (Gia Lai); hoàn thành lắp đặt thiết bị thu phí ETC tại 2 trạm là Hòa Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam).
“Còn lại 17/28 trạm đang chờ chấp thuận của các nhà đầu tư BOT để tiếp nhận bàn giao mặt bằng, trong đó có 7/28 trạm nhà đầu tư đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần CadPro và Công ty Thiên An để lắp đặt và 04/28 trạm chưa xây dựng trạm thu phí. Nhà đầu tư dự kiến tháng Tám lắp đặt 5 trạm, tháng Chín lắp đặt 7 trạm và tháng 10 lắp đặt 9 trạm còn lại,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ tiết lộ.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổng cục, nhà đầu tư đã phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai phát hành thẻ Etag đến nay đã dán được hơn 10.000 thẻ. Dự kiến, đến cuối 2016 dán được 500.000 thẻ.
Liên quan đến công tác tổ chức thanh kiểm tra, giám sát các trạm thu phí, Tổng cục Đường bộ đã triển khai kiểm tra giám sát thu phí 10 ngày liên tục tại các trạm thu phí của dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ thành phố Hà Nội theo hình thức hợp đồng BOT đồng thời triển khai kiểm tra công tác thu phí của toàn bộ các dự án BOT đang trong giai đoạn kinh doanh khai thác.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ đang kiểm tra giám sát thu phí 10 ngày liên tục tại trạm thu phí Đại Yên Quốc lộ 18 (từ ngày 21/8 đến ngày 31/8) và trạm thu phí số 2 Quốc lộ 5 (từ ngày 15/8 đến ngày 25/8).
Qua công tác kiểm tra, Tổng cục Đường bộ đã kịp thời chấn chỉnh đôn đốc nhà đầu tư thực hiện khai thác dự án đúng quy định của pháp luật và hợp đồng dự án; trình Bộ Giao thông Vận tải đề án “Tăng cường giám sát và công khai minh bạch doanh thu thu phí đối với các dự án đường bộ có thu phí do Bộ Giao thông vận tải quản lý” và đã được Bộ Giao thông Vận tải cho phép xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát công tác thu phí; rà soát, điều chỉnh phương án tài chính theo quy định tại Hợp đồng dự án trình Bộ Giao thông vận tải; đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí điện tử không dừng.
Đối với các Hợp đồng dự án ký kết trước ngày Thông tư 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 có hiệu lực, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Tài chính ban hành quy định 3 ngân hàng cụ thể trong việc lấy thông tin lãi suất so sánh khi xác định lãi suất vay của hợp đồng BOT là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Trước đó, năm 2015, Tổng cục đã kiểm tra 4 dự án gồm xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa; sửa chữa nâng cấp một số đoạn qua các thị trấn trên Quốc lộ 20; xây dựng mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Phan Rang-Tháp Chàm); kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông, công tác thu phí trong dịp Tết Nguyên đán năm 2016 tại các trạm thu phí của 6 dự án BOT./.