Kinh tế

Hàng Việt không dễ ra mặt tiền

Thị trường khắc nghiệt đã làm nên "luật bất thành văn" trong việc trưng bày hàng hóa, từ chợ lẻ đến siêu thị.

Thị trường khắc nghiệt đã làm nên “luật bất thành văn” trong việc trưng bày hàng hóa, từ chợ lẻ đến siêu thị. Theo đó, muốn được trưng bày ở những nơi “đắc địa”, đập ngay vào tầm mắt và tầm với của người tiêu dùng, nhà sản xuất phải chi thêm tiền hoặc bằng các hình thức chi phí khác bên ngoài tiền lãi bán hàng.

Sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam thường chiếm lĩnh những vị trí mặt tiền trong các siêu thị.
Sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam thường chiếm lĩnh những vị trí mặt tiền trong các siêu thị.

Trong thực tế, với quy mô nhỏ, vốn ít, kinh phí cho hoạt động thị trường không cao nên rất nhiều nhà sản xuất hàng hóa “thuần Việt” lâu nay phải ngậm ngùi nhường những vị trí đẹp nhất trên kệ hàng cho các tập đoàn đa quốc gia hoặc những thương hiệu mạnh.

* Chợ: khó ưu tiên hàng Việt

Có thể nói, chỉ cần quan sát một số đại lý, cửa hàng tạp hóa, sữa, bánh kẹo hay hàng tiêu dùng tại các khu chợ truyền thống là có thể tạm đánh giá xem những thương hiệu nào đang chiếm lĩnh thị trường.

Tìm hiểu tại các chợ TX.Long Khánh, Dầu Giây (huyện Thống Nhất), Long Thành (huyện Long Thành), chợ Tân Hiệp, Biên Hòa, Hóa An
(TP.Biên Hòa), những mặt hàng hóa mỹ phẩm, nước chấm, gia vị, bánh kẹo... ở những vị trí đẹp đều thuộc về hàng hóa của các tập đoàn đa quốc gia hoặc hàng nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN. Hàng “thuần Việt” chỉ góp mặt ở một số ít tên tuổi lớn: Vinamilk, TH True milk, Kinh Đô, Bibica, các nhãn hàng của Masan… Riêng các thương hiệu chưa mạnh của những nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ, mặt tiền quầy kệ dường như không dành cho họ.

Chủ một đại lý sữa, bánh kẹo, thực phẩm chế biến khu vực chợ Biên Hòa cho biết, không phải nhãn hàng nào cũng có khả năng “chi đậm” để xuất hiện ở mặt tiền. Nếu muốn trưng bày hàng theo ý, thậm chí có một quầy riêng cho sản phẩm, nhà sản xuất buộc phải mất thêm chi phí. Đó có thể là tiền trả thẳng cho phí trưng bày, có thể đổi bằng tỷ lệ chiết khấu hoặc hàng khuyến mãi tùy theo chính sách. Nhưng nôm na, mỗi nhãn hàng có thể mất thêm vài trăm đến cả triệu đồng/tháng để giành những vị trí đẹp mắt nhất, dễ bán nhất trên quầy kệ.

Chính vì vậy, nhiều năm nay chiếm lĩnh những vị trí trưng bày đẹp nhất tại các chợ truyền thống vẫn là hàng hóa của Unilever, P&G, Unza, Nestlé, PepsiCo, Abott... trải rộng ở các ngành hàng từ hóa mỹ phẩm đến bánh kẹo, thực phẩm chế biến, nước giải khát, bia rượu…

* “Ngại” vào siêu thị

Bánh kẹo bán tại chợ Long Thành (huyện Long Thành) xuất hiện nhiều mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN.
Bánh kẹo bán tại chợ Long Thành (huyện Long Thành) xuất hiện nhiều mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN.

Khảo sát tại các hệ thống siêu thị, như: Co.op mart Biên Hòa, Vincom, BigC, Lotte Mart, Metro, Hoàng Đức... trừ những mặt hàng tươi sống là thịt heo, rau, còn lại các sản phẩm khác của những doanh nghiệp trong nước rất ít. Những mặt tiền đẹp trên các kệ hàng phần lớn dành cho hàng hóa của các tập đoàn đa quốc gia, cụ thể là hàng hóa mỹ phẩm của Tập đoàn Unilever (Anh), P&G (Mỹ)...

Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Siêu thị Co.op Biên Hòa, cho hay: “Siêu thị luôn ưu tiên cho hàng hóa của các doanh nghiệp thuần Việt, nhưng nhiều dòng sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nên siêu thị đành phải đặt nhu cầu của khách hàng lên trên. Đơn cử, mặt hàng hóa mỹ phẩm như kem đánh răng, bột giặt, nước giặt, dầu gội, nước xả, kem dưỡng da, dưỡng tóc hầu hết là những thương hiệu của các tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh”. Cũng theo bà Uyên, siêu thị cũng từng ưu tiên cho hàng Việt ra mặt tiền nhưng lượng khách mua không nhiều, số đông thích chọn hàng hóa của các tập đoàn đa quốc gia vì mẫu mã đẹp, tiện lợi và thường có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi sâu. Ngoài ra, khâu quảng bá sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia làm bài bản, thường xuyên khá tốt trên mọi phương tiện nên người tiêu dùng thường chọn các dòng sản phẩm này.

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất chăn, drap, gối, nệm chia sẻ:  “Dù hàng của Thế Linh đã có thương hiệu và xuất khẩu sang được một số nước, nhưng ngại vào siêu thị vì các siêu thị thường thanh toán chậm và thủ tục đòi hỏi nhiều. Bên cạnh đó, các siêu thị yêu cầu mức chiết khấu cao và thường xuyên có những chương trình khuyến mãi giảm giá sâu cho khách hàng”. Cũng lý do như trên mà nhiều doanh nghiệp “thuần Việt” thừa nhận, hàng đưa vào siêu thị chỉ nhằm mục đích quảng bá cho thương hiệu, chứ số lượng bán rất ít, chi phí lại cao.

Ông Lưu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (huyện Định Quán), nói: “Công ty sản xuất các mặt hàng trái cây sấy khô từ năm 2009 đến nay và hàng tiêu thụ cả trong nước lẫn xuất khẩu, nhưng rất ít vào được hệ thống siêu thị. Vì các hệ thống siêu thị thường đòi hỏi thủ tục rất khắt khe và chi phí khá cao nên doanh nghiệp thuần Việt bán hàng trong đó lời rất ít, có khi chỉ huề vốn”.

Vi Lâm - Uyển Nhi

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,275,002       1,930