Kinh tế

Chuyện nghề của thợ gò tôn

Dù mức thu nhập bình quân chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, nhưng ông Đinh Thanh Thỏa ở KP.3, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) vẫn cần mẫn với nghề gò tôn học được từ nhỏ. 39 tuổi, nhưng ông đã có đến 26 năm theo nghề gò tôn.

Từ nhỏ, cậu bé Thỏa đã tay kìm, tay búa theo cha học nghề gò tôn. Cái nghề vất vả, nguy hiểm, chỉ cần sơ suất một chút là có thể bị trầy da, đứt tay nhưng ông lại say mê.

Ông Đinh Thanh Thỏa bên các sản phẩm làm theo đơn đặt hàng của khách.
Ông Đinh Thanh Thỏa bên các sản phẩm làm theo đơn đặt hàng của khách.

Gò tôn là nghề truyền thống lâu đời ở vùng Hố Nai được những người dân ở Bắc di cư vào Nam mang theo. Ông Thỏa là đời thứ 3 theo nghề gò tôn tại phường Hố Nai. Vào giai đoạn 1996-2006, nghề gò tôn ở phường Hố Nai rất thịnh và cho thu nhập cao nên rất nhiều người theo học và làm nghề gò tôn gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng sau đó, nghề gò tôn thoái trào, công việc ít, nhiều thợ gò tôn đã phải bỏ nghề, chỉ những người thực sự yêu nghề mới gắng giữ nghề. Ông Thỏa là một trong số ít thợ vượt qua thăng trầm để giữ nghề. Để giữ và phát triển nghề, ông bắt đầu đa dạng sản phẩm và không chỉ gò tôn mà khi khách hàng yêu cầu có thể gò cả nhôm và inox.

Ông Thỏa chia sẻ: “Thu nhập của nghề gò tôn bình quân chỉ 150-200 ngàn đồng/ngày, nhưng tôi vẫn làm. Từ nhỏ tôi đã quen tay kìm, tay búa cắt gọt, tạo nên hình dáng các sản phẩm từ đơn sơ đến tinh xảo, và mỗi lần nhìn khách hàng thỏa mãn với sản phẩm mình đặt làm là tôi thấy rất vui. Có lẽ chính những điều đó đã giữ tôi gắn bó với nghề”. Những sản phẩm của ông Thỏa thường được làm rất tỉ mỉ và cẩn thận nên khách hàng hài lòng và quay trở lại khi cần. Theo ông Thỏa, nghề gò tôn tuy không cho thu nhập cao, nhưng cũng cho ông cuộc sống đạm bạc tạm ổn. Và điều thôi thúc ông là muốn giữ lại nghề truyền thống đang dần mai một.

Khánh Minh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,274,885       1,322