Kinh tế

Đầu tư cho thủy lợi còn nhỏ giọt

Mùa khô vừa qua, nhiều địa phương của Đồng Nai bị ảnh hưởng nặng vì hạn hán. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, bão lụt đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Theo đó, việc đầu tư mạnh cho thủy lợi để cung cấp nguồn nước sản xuất nông nghiệp cũng như các dự án phòng chống lụt bão trong tỉnh ngày càng cấp thiết.

Nhiều dự án thủy lợi hiện hữu cũng cần được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp.  Trong ảnh: Đập thủy lợi Năm Sao (huyện Tân Phú).
Nhiều dự án thủy lợi hiện hữu cũng cần được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Trong ảnh: Đập thủy lợi Năm Sao (huyện Tân Phú).

Theo ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện chỉ mới phục vụ được 10% trên tổng diện tích đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, người dân tự đầu tư được khoảng 20% tổng diện tích, nhưng vẫn mang tính tạm bợ vì đầu tư cho thủy lợi cần nguồn vốn lớn. Đầu tư cho thủy lợi của tỉnh vẫn khá nhỏ giọt do khó khăn về vốn ngân sách đã diễn ra nhiều năm nay.

* Dân trông chờ thủy lợi

Đợt hạn vừa qua, nông dân trồng tiêu và các loại hoa màu khác tại các xã: Xuân Bắc, Xuân Thọ, Suối Cao (huyện Xuân Lộc) bị ảnh hưởng rất nhiều, có hộ cây tiêu bị chết hàng loạt do khô hạn. 10 năm qua, bà con luôn mong ngóng dự án thủy lợi lấy nước từ sông La Ngà được đầu tư, sẽ đáp ứng nguồn nước tưới cho khoảng 3.650 hécta cây trồng. Tỉnh, huyện liên tục kiến nghị được xúc tiến nhanh và hiện vẫn đang chờ do dự án này là của Trung ương đầu tư. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương ở Đồng Nai hiện nay.

UBND huyện Định Quán vừa kiến nghị UBND tỉnh xem xét sớm bố trí vốn cho địa phương triển khai sớm hơn một số dự án thủy lợi, trong đó có dự án hồ Cà Ròn (xã Gia Canh) cung cấp nguồn nước tưới cho khoảng 630 hécta. Toàn huyện Định Quán có 35 ngàn hécta đất nông nghiệp nhưng hiện chỉ khoảng 1.200 hécta được tưới bằng nguồn nước thủy lợi, chiếm tỷ lệ 3,4% tổng diện tích đất nông nghiệp. Ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, nhận xét: “Đầu tư cho thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức nhiều năm nay. Sản xuất chính của địa phương là nông nghiệp. Đảng bộ huyện xác định đầu tư cho thủy lợi là khâu đột phá, nhưng do nguồn vốn có hạn nên địa phương chỉ đầu tư một số dự án nhỏ, chủ yếu tập trung cho việc sửa chữa, nâng cấp những công trình đã có. Với tình hình hạn hán xảy ra ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, huyện rất trông chờ tỉnh, Trung ương sớm triển khai các dự án thủy lợi để gỡ khó cho nông dân”.

Không chỉ các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, như: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc... mới gặp khó khăn về thủy lợi, nông dân ở những địa phương có điều kiện thiên nhiêu ưu đãi hơn cũng trông chờ được Nhà nước quan tâm đầu tư hơn cho thủy lợi, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Bà Nguyễn Thị Nga, nông dân tại xã Suối Tre (TX.Long Khánh), chia sẻ: “Đợt hạn hán vừa qua, không ít nhà vườn ở Long Khánh mất mùa vì khô hạn, thời tiết thất thường. Nhiều năm nay, mỗi lần có cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương hay cấp huyện, cấp tỉnh, nông dân chúng tôi cũng bày tỏ mong muốn được quan tâm đầu tư thêm công trình thủy lợi cho bà con có nguồn nước ổn định, không phải thấp thỏm khi bước vào mùa khô”.  

* Khó về nguồn vốn

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết gần đây đầu tư cho thủy lợi đã có sự khởi sắc hơn so với trước. Trong đó, có nhiều dự án lớn đang được tập trung triển khai, như: dự án hồ chứa nước Gia Măng, dự án hồ Cầu Mới, dự án thủy lợi phục vụ tưới vùng mía Định Quán... Sở cũng kiến nghị ngoài đầu tư các dự án mới, tỉnh và các địa phương phải quan tâm trong công tác sửa chữa, nâng cấp những công trình hiện hữu. Sở cũng chủ động đưa vào kế hoạch hàng năm công tác chống hạn, phòng chống lụt bão... để chủ động hơn trong việc ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp hiện nay.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 78 dự án thủy lợi đang triển khai với tổng kinh phí theo kế hoạch được cấp năm 2016 gần 348 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nhu cầu vốn để thực hiện các công trình lại ở mức trên 487 tỷ đồng, cần bổ sung khoảng 140 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn kinh phí chi cho hoạt động hàng năm của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi cũng ở mức khá khiêm tốn. Cụ thể, tổng kinh phí thực hiện công tác phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh năm 2016 tuy đã tăng gần gấp đôi so với kế hoạch đề ra, nhưng chỉ ở mức 679 triệu đồng. Chi phí cho công tác sửa chữa thường xuyên cho các công trình thủy lợi trong năm là 2,3 tỷ đồng.

Tỉnh đã đặt ra vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư cho lĩnh vực này nhưng đây không phải là điều dễ. Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, cho hay: “Tuy địa phương tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư cho thủy lợi nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở việc vận động người dân góp đất khi xây dựng dự án. Thời gian gần đây có một số doanh nghiệp quan tâm đến các dự án nước sạch nông thôn, còn các dự án thủy lợi vẫn hoàn toàn trông chờ vào nguồn đầu tư từ kinh phí Nhà nước”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,021,691       178