Tại Đồng Nai 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ, song số lượng chưa nhiều.
Bưởi Tân Triều là một trong 2 đặc sản của tỉnh được đăng ký chỉ dẫn địa lý. |
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo khi Việt Nam đã hội nhập sâu, các cá nhân, doanh nghiệp có những sáng chế, nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp... không đăng ký sở hữu trí tuệ rất dễ bị đánh cắp. Theo Cục Quản lý thị trường Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, đã phát hiện 1.342 vụ vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, trong đó gồm: giả nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tem, nhãn, bao bì hàng hóa. Những vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi và phức tạp nên cá nhân và doanh nghiệp có những sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp nếu không chú ý đăng ký nhanh thì khi xảy ra tranh chấp, làm giả nhãn hiệu, rất khó bảo vệ quyền lợi của mình.
* Ngại thủ tục
Phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đều biết tham gia vào hội nhập sâu, những sản phẩm tốt, nổi tiếng không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp khi bị xâm phạm sẽ bị thua trắng tay. Biết, nhưng vì ngại các thủ tục rườm rà nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn chưa đăng ký. Theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ), xin đăng ký sở hữu trí tuệ nếu hồ sơ đầy đủ thì thời gian chờ đợi khoảng 1 năm.
Ông Nguyễn Quang Hòe, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tiểu thủ công nghiệp Long Khánh (TX.Long Khánh), cho hay: “Hợp tác xã chuyên sản xuất các loại nấm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu với số lượng cả ngàn tấn/năm. Nấm của Long Khánh nổi tiếng khu vực phía Nam, song hợp tác xã vẫn chưa đăng ký được nhãn hiệu hàng hóa vì ngại thủ tục rườm rà, đi lại nhiều mất thời gian và tốn kém chi phí”.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Nhân, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Sản phẩm gỗ mỹ nghệ của cơ sở đã xuất khẩu sang được gần 10 nước trên thế giới, nhưng cũng chưa đăng ký được nhãn hiệu hàng hóa vì thủ tục đòi hỏi khá phức tạp. Vừa qua, cũng có một số cơ sở làm giả sản phẩm gắn nhãn mác Thành Nhân để xuất khẩu. Do đó, tôi đang tiến hành làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu nhanh vì sợ bị mất”.
* Cần đơn giản trình tự
Ông Nishiyama Tomohiro, Cố vấn trưởng Dự án JICA, người mới được cử sang Việt Nam để hỗ trợ thực hiện dự án bảo vệ, nâng cao thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cho biết: “Hàng giả nhãn hiệu thường là kém chất lượng nên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, các tỉnh, thành nên chú ý tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để họ không mua hàng giả nhãn hiệu và vi phạm sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp nên đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm của mình và khi phát hiện bị làm giả, đánh cắp nhãn hiệu có thể kiện đòi lại quyền lợi”. |
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh cũng như cả nước có sản phẩm chưa đăng ký nhãn hàng hóa mong muốn Cục Sở hữu trí tuệ sẽ rút ngắn thời gian và đơn giản thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ để tiết kiệm thời gian và chi phí. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, nhận định: “Thời gian đăng ký cấp quyền sở hữu trí tuệ kéo dài là vì lượng đơn đăng ký còn tồn lại khá nhiều và Cục đang thiếu cả kinh phí lẫn nguồn lực để thực hiện. Thời gian tới, Cục sẽ rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, song trước khi cấp phải tra cứu kỹ tránh bị chồng lấn”. Ông Lâm cũng lưu ý các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm phải đăng ký sở hữu trí tuệ. Thời gian qua, nhiều thương hiệu lớn đã bị “thua đau”, như: nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, cà phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre, phở Việt Nam... cũng vì lơ là đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại thị trường đang và dự tính sẽ xuất khẩu.
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học - công nghệ), nói: “Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân muốn đăng ký sở hữu trí tuệ có thể liên hệ với phòng để được hướng dẫn làm hồ sơ cho đầy đủ. Như vậy, khi đưa về Cục Sở hữu trí tuệ đỡ mất thời gian đi lại”. Cũng theo ông Trường, gần đây nhiều cá nhân, doanh nghiệp Đồng Nai đã chú ý đến đăng ký sở hữu trí tuệ, vì lượng đơn những năm trước xin cấp chứng nhận nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp chỉ hơn 200 đơn/năm, song từ năm 2015 đã tăng lên hơn 500 đơn/năm.
Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), cho biết: “Bên cạnh việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi của mình, các doanh nghiệp lưu ý không dùng những sản phẩm vi phạm về sở hữu trí tuệ vì có thể bị phạt tù đến 3 năm. Năm 2015, công an phát hiện 800 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, khởi tố 100 vụ thì 6 tháng đầu năm 2016 phát hiện có 300 vụ nhưng khởi tố nhiều hơn”.
Hương Giang