Kinh tế

Xây dựng nhiều mô hình tái định cư cho người dân nhường đất xây Sân bay Long Thành

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) ra đời từ đầu năm 2000. Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, năm 2015 Quốc hội đồng ý triển khai. Dù các cơ quan Trung ương đã quyết định thực hiện dự án, song đến nay sân bay vẫn chưa khởi công, người dân vùng dự án gặp khó khăn trong cuộc sống, sản xuất.

Để xây sân bay, Nhà nước sẽ thu hồi 5 ngàn hécta đất, có trên 4.700 hộ dân với gần 15 ngàn nhân khẩu bị ảnh hưởng, di dời. Đa số người dân ở vùng dự án đều quan tâm đến vấn đề tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống khi chuyển đến nơi ở mới. Liên quan vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường.

Xin ông cho biết quan điểm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đối với dự án Sân bay Long Thành?

- Ông Nguyễn Phú Cường: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai rất đồng tình, nhất trí và đồng thuận cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về xây dựng Sân bay Long Thành. Việc xây dựng Sân bay Long Thành là niềm vinh dự lớn, mang lại cho Đồng Nai nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Sân bay Long Thành là công trình mang tầm quốc gia, khu vực, song dự án được triển khai trên địa bàn Đồng Nai nên tỉnh phải có trách nhiệm lớn trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và tổ chức lại cuộc sống cho những hộ dân bị thu hồi đất. Để làm tốt vấn đề này, các cấp chính quyền cũng như toàn dân trong tỉnh phải đồng tâm, nỗ lực, có như thế thì dự án mới triển khai đúng tiến độ, cuộc sống cho người dân sau tái định cư được ổn định, tốt hơn hiện tại.

Hiện các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành đã tiếp xúc trực tiếp và lấy ý kiến của hàng ngàn hộ dân và các tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án. Qua gặp gỡ, các tổ chức, cá nhân đều đồng ý với chủ trương và mong muốn Chính phủ sớm triển khai xây dựng sân bay.

Hiện hầu hết người dân sống trong vùng dự án đều mong sân bay sớm triển khai, được đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống. Ông đánh giá như thế nào đối với những nguyện vọng (này) của nhân dân?

 - Do làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân trong vùng dự án đã hiểu rõ ý nghĩa của Sân bay Long Thành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, họ đồng tình cao khi Nhà nước xây dựng công trình này. Người dân khu vực xây sân bay đã định cư lâu dài, mảnh đất này gắn bó với họ, vì sự phát triển chung dân phải nhường đất, nhưng dân cần sớm di dời, ổn định cuộc sống để tính chuyện tương lai, đây là nguyện vọng chính đáng. Với trách nhiệm người đứng đầu tỉnh Đồng Nai, tôi đánh giá cao ý thức, tâm tư, nguyện vọng của hàng ngàn hộ dân trong vùng dự án. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai sẽ sớm đáp ứng mong mỏi của người dân, tỉnh đã đề ra các phương án tái định cư nhằm tạo điều kiện để người dân bị giải tỏa sớm ổn định chỗ ở, ổn định cuộc sống, ổn định sản xuất; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái.

Quá trình xây dựng khu tái định cư, Đồng Nai đã xét tất cả các khía cạnh. Tỉnh thống nhất xây dựng nhiều mô hình tái định cư khác nhau cho phù hợp với phong tục, tập quán và điều kiện tại từng địa bàn để nhân dân lựa chọn, không áp đặt. Khi xây dựng Sân bay Long Thành, có những xã sẽ phải giải tỏa trắng (xã Suối Trầu), cùng với đó là những xáo trộn trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Đồng Nai sẽ xây dựng nhà thờ, chùa tại khu tái định cư để người dân sinh hoạt văn hóa tâm linh.

Một bản vẽ phối cảnh dự án sân bay Long Thành.
Một bản vẽ phối cảnh dự án sân bay Long Thành.

Tỉnh ủy Đồng Nai đã có những chỉ đạo, giải pháp gì nhằm giúp người dân sống trong vùng dự án an tâm sản xuất, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước?

- Thời gian qua, Tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ đạo các cấp chính quyền xây dựng đề án bố trí tái định cư, giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống của các hộ dân thuộc diện giải tỏa. Đề án không chỉ tập trung vào các hộ sản xuất nông nghiệp mà còn dành cho các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực khác. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khảo sát, nghiên cứu tình hình thực tiễn, hoàn cảnh cụ thể của từng người dân để tham mưu các chính sách hỗ trợ bổ sung phù hợp. Tỉnh đã chủ động xây dựng đề án cơ chế đặc thù và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án theo tinh thần của Quốc hội. Đặc biệt, với người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thì chính quyền các cấp sẽ xem xét, giải quyết, hỗ trợ kinh phí giúp họ chi trả các chi phí cần thiết. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho số lao động này được bố trí từ Quỹ phát triển đất của tỉnh hoặc nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội Đồng Nai.

Để triển khai dự án Sân bay Long Thành, sẽ có hàng ngàn người dân Đồng Nai di dời đến nơi ở mới, nhiều khả năng những đối tượng này sẽ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Tỉnh Đồng Nai sẽ có những giải pháp gì để ổn định sinh kế của người dân?

 - Tỉnh đang triển khai xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt để phục vụ Sân bay Long Thành. Triển khai xây dựng và thực hiện “Đề án bố trí tái định cư, giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc diện di dời, giải tỏa để thực hiện dự án” và “Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc Sân bay Long Thành”. Hiện Đồng Nai đã quy hoạch 2 khu tái định cư, gồm: Lộc An - Bình Sơn (diện tích trên 282 hécta) và khu tái định cư Bình Sơn (diện tích 282 hécta) với kinh phí khoảng 5 ngàn tỷ đồng. Vị trí 2 khu tái định cư nằm phía Bắc của Sân bay Long Thành, tiếp giáp trục đường chính. Cả 2 khu tái định cư đã cơ bản hoàn thành hồ sơ, thủ tục, chỉ chờ bố trí vốn là xây dựng. Việc phân chia đất cho người dân ở khu tái định cư tỉnh Đồng Nai đã tính toán kỹ, những hộ ở phía trong, mỗi hộ sẽ được cấp 250m2 đất. Với số đất này, người dân vừa xây nhà ở vừa có thể trồng cây, chăn nuôi nhỏ. Những người có nhu cầu buôn bán sẽ được tỉnh bố trí gần mặt đường, mỗi hộ được cấp 100m2.

Theo kế hoạch, năm 2019 Sân bay Long Thành sẽ khởi công. Để kịp tiến độ này, Đồng Nai có kiến nghị gì với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương?

- Tỉnh đã chủ động xây dựng và kiến nghị Chính phủ về đề án cơ chế đặc thù và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Điển hình như: cơ chế đặc thù trong công tác thu hồi đất; cơ chế đặc thù về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế đặc thù về xây dựng hạ tầng tái định cư và cơ chế đặc thù về nguồn vốn. Những cơ chế này hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh cho người dân trong vùng dự án, sớm giúp dân ổn định và có cuộc sống tốt hơn khi di dời về nơi ở mới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư, khu nghĩa trang cũng như tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Công Phong (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,022,377       257