Kinh tế

"Bắt" lợi thế từ các FTA

2 hiệp định thương mại tự do (FTA) có ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất nhập khẩu của Đồng Nai là FTA Việt Nam - Hàn Quốc và FTA Việt Nam - EU.

Quy tắc xuất xứ và các biện pháp phi thuế quan là những vấn đề doanh nghiệp quan tâm vì ảnh hưởng đến các ưu đãi khi xuất nhập khẩu từ các thị trường trên.

Gỗ là mặt hàng xuất khẩu của Đồng Nai được hưởng lợi lớn khi các FTA có hiệu lực. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu ở Công ty TNHH Hố Nai (TP.Biên Hòa).
Gỗ là mặt hàng xuất khẩu của Đồng Nai được hưởng lợi lớn khi các FTA có hiệu lực. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu ở Công ty TNHH Hố Nai (TP.Biên Hòa).

Theo Sở Công thương, châu Âu (EU) và Hàn Quốc là 2 thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai. Trong đó, châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh (chỉ sau Hoa Kỳ), còn Hàn Quốc nằm trong tốp 6 thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh. Những mặt hàng Đồng Nai xuất khẩu vào EU, Hàn Quốc nhiều là giày dép, túi xách, hàng dệt may, sản phẩm gỗ... Còn mặt hàng Đồng Nai nhập khẩu nhiều từ EU và Hàn Quốc là máy móc thiết bị, phụ tùng, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may.

Chú ý xuất xứ hàng hóa

Theo Ban Quản lý dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và điện tử của châu Âu (EU - MUTRAP), khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ tăng mạnh. Dự tính vào năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 50% và năm 2025 là 93%. Trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng dệt may, giày dép, gỗ, sản phẩm từ gỗ. FTA Việt Nam -  Hàn Quốc đã ký kết và có hiệu lực từ 2015. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn tận dụng được các ưu đãi từ 2 hiệp định trên thì cần chú ý đến bộ quy tắc để xác định xuất xứ hàng hóa vì quyết định các lợi ích về giảm thuế. Thuế suất trung bình cho hàng Việt Nam vào EU khoảng 7% kim ngạch xuất khẩu. Khi FTA Việt Nam - EU hiệu lực, khoảng 99% các dòng thuế về 0%, song muốn hưởng ưu đãi này doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn đoàn đàm phán Chính phủ, cho rằng muốn tận dụng các ưu đãi từ hiệp định FTA Việt Nam - EU, các doanh nghiệp Đồng Nai nên chủ động nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối EU. Hiện EU có 27 nước doanh nghiệp nên mở rộng thị trường xuất nhập khẩu ra nhiều quốc gia khác trong EU.

FTA Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết vào tháng 5-2015. Các dòng thuế sẽ giảm nhanh, theo đó Hàn Quốc sẽ cắt giảm 95% số dòng thuế, còn Việt Nam cắt giảm 90% số dòng thuế cho phía Hàn Quốc. Những quy định về nhiều nhóm hàng hóa cũng được nới lỏng, không đòi hỏi quá khắt khe về nguồn gốc xuất xứ như với EU. Hiệp định này cho phép doanh nghiệp Việt nhập nguyên liệu từ các nước, nhưng khâu cuối phải sản xuất tại Việt Nam cũng sẽ được miễn giảm thuế khi xuất vào Hàn Quốc.

Các biện pháp phi thuế quan

Biện pháp phi thuế quan được hiểu là các cách thức ngăn chặn hoặc gây trở ngại cho hàng hóa nhập khẩu, nhưng không phải là đánh vào thuế nhập khẩu. Các biện pháp phi thuế quan có 2 nhóm chính là hàng rào hành chính và rào cản kỹ thuật. Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước nào nên chú ý đến hàng rào hành chính và kỹ thuật, bởi đây là một trong những yếu tố quyết định hàng có vào được thị trường đó hay không.

Trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc, mức độ cam kết không sâu, chủ yếu tập trung vào hợp tác kỹ thuật. Nhưng với FTA Việt Nam - EU lại quy định rất chi tiết, đặc biệt là thanh kiểm tra, công nhận tương đương, tương thích với điều kiện khu vực. Theo ông Trần Việt Cường, Phó giám đốc Văn phòng SPP Việt Nam (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) để tránh những rủi ro từ các biện pháp phi thuế quan, doanh nghiệp Đồng Nai cập nhật tốt các thông tin về quy định SPS của các nước và đặc biệt là các tiêu chuẩn hài hòa của ASEAN. Đồng thời, doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh hàng hóa Việt Nam thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp có chiến lược thị trường rõ ràng, hiều tâm lý, phong tục, tôn giáo của người tiêu dùng nước nhập khẩu.

Theo bà Nguyễn Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), các biện pháp phi thuế quan giúp chi phí sản xuất giảm do cắt giảm thuế nhập khẩu với nguyên liệu đầu vào, thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng được thị trường xuất khẩu, song cũng đi kèm thách thức là những doanh nghiệp nhỏ hạn chế về tài chính, công nghệ khó đáp ứng được hàng rào kỹ thuật. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển, vì thế nguyên liệu nhập khẩu không đảm bảo xuất xứ khó được hưởng các ưu đãi thuế quan.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho hay: “Doanh nghiệp muốn hưởng các ưu đãi từ 2 FTA trên phải nắm được quy tắc xuất xứ ưu đãi đã và sẽ ký, cơ chế chứng nhận xuất xứ, quy tắc cụ thể của từng mặt hàng. Biết rõ các đòi hỏi về quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp sẽ có kế hoạch chọn lựa nguyên liệu sản xuất đáp ứng các yêu cầu trên để được hưởng miễn giảm thuế khi xuất khẩu”. Trong mỗi FTA đều có những quy định riêng, chi tiết về từng mặt hàng, lộ trình cắt giảm thuế quan, các điều kiện để hưởng ưu đãi về thuế...

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        4,023,801       264