Nhiều năm nay, tình trạng thương lái Trung Quốc thao túng thị trường nông sản Việt Nam đã trở thành câu chuyện thường ngày. Trong đó, thị trường heo thịt loạn giá vẫn đang là vấn đề thời sự nóng hiện nay.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường bị thương lái Trung Quốc ép giá hơn những trang trại lớn. Trong ảnh: Một trang trại chăn nuôi ở huyện Trảng Bom. |
“Chiêu” thường gặp của thương lái Trung Quốc là tạo cơn sốt giá thu gom heo trọng tải lớn từ 120kg/con trở lên, có khi lên đến 150-170kg/con. Loại heo trọng lượng lớn (người dân thường gọi là heo mỡ) này chỉ xuất sang Trung Quốc vì thị trường nội địa không tiêu thụ. Nhờ thế độc quyền trong thu mua này, thương lái Trung Quốc có thể dễ dàng thao túng thị trường heo thịt.
“Loạn” giá heo
Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi liên tục nhảy múa. Trong đó, có những đợt giá heo hơi đang ở mức 39 ngàn đồng/kg vào cuối tháng 2, thương lái ồ ạt mua gom heo xuất đi Trung Quốc đẩy giá heo hơi tăng đến mức đỉnh từ trước đến nay là 57 ngàn đồng/kg. Theo đó, người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn vì con heo mang lại lợi nhuận “khủng”. Nhưng chỉ hơn 1 tháng sau đó, cũng không hề có dấu hiệu gì báo trước, heo hơi bất ngờ rớt giá chỉ còn 33-34 ngàn đồng/kg vào cuối tháng 4. Và biểu đồ giá heo cứ liên tục lên xuống hàng ngày, hàng tuần suốt thời gian dài.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thương lái Trung Quốc thường qua các tầng nấc trung gian là thương lái trong nước để tổ chức thu mua heo nên không có căn cứ để xử lý họ. Hoạt động của thương lái trong nước hiện vẫn mạnh ai nấy làm, thiếu hẳn sự kiểm soát, quản lý. Ở đây cần có một tổ chức hội nghề nghiệp tập hợp họ, liên kết lại và cùng cam kết thực hiện không thu mua heo dịch bệnh, không yêu cầu người nuôi sử dụng chất cấm… |
Hiện các trang trại lớn đang xuất bán heo hơi với giá từ 45-47 ngàn đồng/kg. Nhưng thực tế, giá heo hơi thương lái mua của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thấp hơn nhiều. Ông Nguyễn Văn Thuyết, chủ trại nuôi heo tại xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) có đàn heo khoảng 10 con có trọng lượng 120kg/con đang tìm thương lái để bán. Đầu tuần trước, ông Thuyết nghe thông tin giá heo lên nên kỳ vọng đợt xuất heo này sẽ có thêm đồng lời để bù vào chi phí thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá thời gian gần đây. Trong 2 ngày vừa qua, ông liên tục gọi 3 - 4 thương lái nhưng họ chỉ trả mức giá 42 ngàn đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Thuyết bức xúc: “Đầu tháng 8, tôi xuất 1 lứa heo bán được giá 44 ngàn đồng/kg. Hai tuần sau đó, tôi nghe thông tin giá heo tăng nhưng khi gọi thương lái đến bán lứa tiếp theo thì chỉ được trả 42 ngàn đồng/kg vì họ báo giá lại giảm. Do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sản lượng ít nên thương lái mua heo thường ép rẻ hơn vài giá so với trại lớn. Họ thường không đưa ra một mức chuẩn nào về chất lượng heo nên chịu thiệt luôn là người nuôi”.
Phân tích về sự chênh lệch mức giá khi thương lái mua của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại lớn, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng có tình trạng thương lái ép giá người chăn nuôi. Các trang trại chăn nuôi lớn, mỗi đợt xuất hàng chục đến cả trăm con heo, thương lái đưa xe lớn vào tận trại trực tiếp đóng hàng đi Trung Quốc, trong khi trại nhỏ phải qua thêm một số tầng nấc trung gian. Một yếu tố khác là các trang trại xuất heo với sản lượng lớn nên thường có lợi thế thương lượng giá với người mua.
Khó kiểm soát
Nhận định về thị trường heo hơi, ông Đoán cho hay heo hơi vừa tăng giá cuối tháng 6 rồi lại giảm vào đầu tháng 7 âm lịch có nguyên nhân đang vào mùa chay chứ không phải hoàn toàn do thị trường Trung Quốc tác động. Hiện trung bình mỗi tuần Đồng Nai vẫn xuất đều đặn khoảng 2 ngàn con heo sang Trung Quốc, nhưng tình trạng thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường heo hơi nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung không còn là chuyện lạ. Theo ông Đoán, hiện việc tổ chức thu mua heo từ trại đến người mua cuối cùng qua khá nhiều tầng nấc trung gian. Trong đó, chỉ có một số đầu nậu lớn mới trực tiếp xuất hàng đi nên nắm quyền chi phối thị trường. “Chỉ cần điểm lại những đợt heo hơi sốt giá rồi đột ngột giảm giá bao giờ cũng gắn liền với việc thương lái ồ ạt mua gom hàng rồi đột ngột ngừng mua dù nhu cầu của thị trường Trung Quốc với mặt hàng thịt heo Việt Nam là rất lớn” - ông Đoán cho biết thêm.
Chính lợi nhuận khiến người chăn nuôi vẫn chạy theo phong trào tăng đàn nóng, dù không ít lần Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh và các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ trang trại nuôi heo tại huyện Thống Nhất, so sánh: “Giá heo hơi bán cho thị trường nội địa thường cao hơn 1-2 ngàn đồng/kg so với bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc. Nhưng hiện nhiều trại nuôi vẫn chấp nhận rủi ro, vỗ béo heo đến 1,2-1,5 tạ/con, vì thời gian cuối trọng lượng heo tăng trưởng rất nhanh, đợt heo sốt lên 57 ngàn đồng/kg, có trại đạt lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/con. Những trại lớn mỗi đợt xuất heo có thể đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nên dù rủi ro, hiện không thiếu trang trại vẫn vỗ béo heo chờ xuất sang thị trường này”.
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết hiện 60% lượng heo chăn nuôi tại Đồng Nai cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh. Vấn đề cung - cầu của thị trường thịt heo nói riêng, nông sản nói chung thuộc tầm vĩ mô chứ một địa phương không thể điều tiết được. Giá heo hơi cũng vậy, do thị trường quyết định nên các cơ quan chức năng không can thiệp. Tỉnh đang triển khai các chương trình, như: thu hút doanh nghiệp liên kết với người chăn nuôi xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; đầu tư chợ đầu mối thịt sạch…với 2 mục tiêu vừa tính đầu ra bền vững hơn cho ngành chăn nuôi, vừa đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Bình Nguyên