Kinh tế

Bài học thương mại nhìn từ vụ "lùm xùm trốn nợ"

Dư luận đang quan tâm nhiều đến việc một số công ty chế biến gỗ ở Biên Hòa, khởi đầu là Công ty TNHH Gia Hân (phường Long Bình) tố cáo ông Otto De Jager, Giám đốc Công ty Global Home S.R.O (trụ sở ở nước ngoài), dây dưa không nhận hàng theo hợp đồng, thiếu nợ lên đến triệu USD.

Dư luận đang quan tâm nhiều đến việc một số công ty chế biến gỗ ở Biên Hòa, khởi đầu là Công ty  TNHH Gia Hân (phường Long Bình) tố cáo ông Otto De Jager, Giám đốc Công ty Global Home S.R.O (trụ sở ở nước ngoài), dây dưa không nhận hàng theo hợp đồng, thiếu nợ lên đến triệu USD.

Sản xuất gỗ xuất khẩu ở Công ty Tân Hoàng Thịnh, huyện Trảng Bom.
Sản xuất gỗ xuất khẩu ở Công ty Tân Hoàng Thịnh, huyện Trảng Bom.

Chuyện “ai trốn nợ ai” sẽ được làm rõ thông qua quy định pháp luật, song nhìn từ góc độ làm ăn trong ngành xuất khẩu, nhiều người cho rằng đây là chuyện không mới, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam làm hàng xuất khẩu vẫn mắc phải.

Mua rủi ro

Thực tế ngày nay, làm ăn với các đối tác doanh nghiệp nước ngoài khá phổ biến, vì vậy doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị cho mình kiến thức về “luật chơi” để giảm thiểu rủi ro.

Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowooha) cho biết trong vụ tố nợ “lùm xùm” khi làm ăn với Công ty Global Home S.R.O, không có thành viên nào của hiệp hội liên quan. Trong vụ việc này hiệp hội cũng chưa đưa ra ý kiến gì. Tuy nhiên, chia sẻ về việc làm ăn liên quan đến hàng xuất nhập khẩu, Phó chủ tịch Dowooha Nguyễn Hữu Trí nhận định trong xuất khẩu, rủi ro do tình hình bất ổn kinh tế rất dễ xảy ra, chỉ cần biến động tỷ giá đồng tiền cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến thanh toán các hợp đồng.

Ông Trí lấy ví dụ, khi doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng cho đối tác, đa số nhận thanh toán bằng USD hoặc euro, trong khi các nhà nhập khẩu này lại bán hàng ở một thị trường cụ thể thanh toán bằng tiền bản địa nên việc thay đổi tỷ giá của các đồng tiền sẽ làm nhà thương mại rơi vào thế kẹt, dẫn đến các hợp đồng có thể bị dây dưa. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng phải có phương thức thanh toán đảm bảo.

Ông Trí nói: “Chúng tôi cũng làm hàng xuất khẩu, nhiều đơn hàng phải thuê đơn vị thứ 3 bảo lãnh, bởi thực sự doanh nghiệp không thể lường hết được. Nhà bảo lãnh sẽ thu phí theo phần trăm giá trị đơn hàng, nếu xảy ra bất trắc đơn vị bảo lãnh sẽ đền cho mình”.  Theo ông Trí, đó là một hình thức mua rủi ro cho các đơn hàng rất cần thiết khi không chắc chắn hợp đồng được thanh toán. Lãnh đạo Dowooha cũng cho rằng ở những công ty lớn, các hợp đồng kinh tế thường có luật sư hoặc thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp soạn thảo sẽ chặt chẽ, việc này nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước thường không có.

Dễ làm ăn theo cảm tính

Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay những trường hợp tương tư như vụ lùm xùm ở Công ty Global Home S.R.O và các công ty chế biến gỗ không phải chuyện hiếm. Theo quan sát của riêng ông Tuấn thì tại TP.Biên Hòa có gần 10 công ty từng bị nhà nhập khẩu nước ngoài “xỏ mũi”. “Kịch bản” là ở vài ba đơn hàng đầu tiên, các nhà nhập khẩu thanh toán rất tốt, sau đó với lý do thanh toán L/C (chứng thư bảo lãnh từ ngân hàng) bên mua hàng bị đọng vốn (phải ký quỹ trong ngân hàng) nên cho thanh toán bằng hình thức TT (thanh toán trực tiếp không qua bảo lãnh của ngân hàng). Kiểu thanh toán này bình thường suôn sẻ thì không sao, nhưng khi gặp khó khăn hay hàng bán chậm là nhà nhập khẩu viện đủ lý do để trì hoãn nhận hàng, thậm chí đổ thừa cho hàng bị lỗi và yêu cầu giảm giá, các đơn hàng  sẽ được thanh toán gối đầu. Lúc này doanh nghiệp sản xuất bị chiếm dụng vốn chỉ biết cắn răng chịu để tiếp tục duy trì sản xuất với hy vọng thu hồi dần được tiền nợ đọng.

“Tôi thấy việc này chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp nhỏ, kinh nghiệm làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài chưa nhiều. Một điều rất nguy hiểm là các doanh nghiệp này làm ăn theo kiểu cảm tính, thường đặt niềm tin vào đối tác rất mơ hồ” - ông Tuấn chia sẻ. Ông Lương Quang Diệu, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu 3 Miền (quận 9, TP.Hồ Chí Minh), cho hay phần lớn các doanh nghiệp nhỏ xuất hàng trực tiếp rất yếu trong đàm phán, ngay cả hợp đồng cũng thường bất lợi nên xảy ra tranh chấp ra tòa rất khó thắng. Mặc dù yếu về nghiệp vụ nhưng không mấy doanh nghiệp thuê tư vấn.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,060,074       44